Một vở diễn nhắm nhiều "đích"

BẢO ANH 18/12/2021 16:00

(QNO) - Sau hơn một tuần tập luyện, Đoàn Ca kịch Quảng Nam hoàn tất phục dựng và đầu tuần này đã tiến hành nghiệm thu vở kịch dân ca "Nhà có ba chị em gái", góp thêm một vở diễn nữa vào kịch mục của đoàn.

Hơn 2/3 số vai diễn trong vở phục dựng “Nhà có ba chị em gái” được giao cho các diễn viên trẻ đảm trách. Ảnh: B.A
Hơn 2/3 số vai diễn trong vở phục dựng “Nhà có ba chị em gái” được giao cho các diễn viên trẻ đảm trách. Ảnh: B.A

Làm sống lại một vở diễn cũ

Vở kịch dân ca "Nhà có ba chị em" (kịch bản: Nguyễn Thu Phương; chuyển thể kịch hát dân ca: cố NSƯT Nguyễn Kiểm; đạo diễn: Trần Thanh Việt) được Đoàn Ca kịch Quảng Nam dàn dựng lần đầu vào năm 2006.

Sau một thời gian biểu diễn phục vụ công chúng trong và ngoài tỉnh, vở diễn này đành phải xếp lại, do một số diễn viên tham gia vở đến tuổi nghỉ hưu, chưa có người thay thế.

Theo nhạc sĩ Võ Thị Thu Mây, trưởng Đoàn Ca kịch Quảng Nam, "Nhà có ba chị em" là một vở diễn hay, thuộc đề tài xã hội hiện đại. Dù được dựng cách đây hơn 15 năm, song nhiều vấn đề mà vở diễn đặt ra đến nay vẫn mang tính thời sự.

Trong đó, vấn đề xung đột gia đình, xung đột thế hệ, việc xác lập các giá trị của con người trong mối quan hệ phức tạp của xã hội và gia đình giữa cuộc sống hiện đại... đặt ra gay gắt và cấp thiết.

"Không riêng Đoàn Ca kịch Quảng Nam, chọn phục dựng, làm sống lại những vở diễn hay, có chất lượng nội dung, nghệ thuật tốt và không lạc hậu trước cuộc sống hiện tại là việc mà nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp vẫn làm. Việc chúng tôi quyết định phục dựng vở "Nhà có ba chị em" cũng không nằm ngoài "thông lệ" ấy" - nhạc sĩ Thu Mây nói thêm.

Một "mũi tên" nhắm nhiều đích

Theo đạo diễn Trần Thanh Việt, ngoài lý do mà nhạc sĩ Thu Mây nêu ra, việc phục dựng vở diễn "Nhà có ba chị em" (tên vở sau khi phục dựng là "Nhà có ba chị em gái") còn nhằm một số mục đích quan trọng khác.

Một cảnh trong vở “Nhà có ba chị em gái“. Ảnh: B.A
Một cảnh trong vở “Nhà có ba chị em gái“. Ảnh: B.A

Với Đoàn Ca kịch Quảng Nam, sau khi phục dựng vở diễn này, trong kịch mục của đoàn có thêm một "món ăn" nữa, tức là mở ra thêm một cơ hội cho công chúng lựa chọn.

Đặc biệt, vở diễn này khai thác trực tiếp những vấn đề của xã hội hiện đại, liên quan đến việc xây dựng gia đình hiện đại, rộng hơn là xây dựng văn hóa, con người trước đòi hỏi mới của cuộc sống.

"Đây là vấn đề quan trọng, đã được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Chúng tôi muốn góp một tiếng nói, một góc nhìn nghiêm túc và trách nhiệm về vấn đề này" - đạo diễn Trần Thanh Việt nói thêm.

Ngoài ra, việc phục dựng các vở diễn lớn còn nhằm tạo ra "đất diễn", tạo cơ hội thử sức, phát huy năng lực nghề nghiệp cho các nghệ sĩ, diễn viên trẻ. Và thực tế phục dựng vở "Nhà có ba chị em gái" lần này, có tới hơn 2/3 số vai diễn do các diễn viên trẻ đảm trách.

Đặc biệt, trong lần phục dựng này, nghệ sĩ trẻ Quang Việt được "đôn" lên, giữ vai trò trợ lý đạo diễn. Trong khi đó, việc chỉ huy dàn nhạc xuyên suốt vở diễn được giao cho một nhạc sĩ trẻ của đoàn là Ngọc Tân.

"Chúng tôi đã cân nhắc kỹ trước khi giao những phần việc lớn và quan trọng cho các nghệ sĩ trẻ. Để tạo ra một lực lượng kế tục trong tương lai, việc đào tạo, bồi dưỡng, truyền nghề thông qua thực diễn như thế này là rất quan trọng" - nhạc sĩ Thu Mây nói.

BẢO ANH