Thương một vì sao giờ xa quá rồi
(QNO) - Tôi bàng hoàng nhìn facebook của bạn bè ngập tràn lời tiễn biệt nhạc sĩ Phú Quang – người nghệ sĩ tài hoa của âm nhạc Việt Nam vừa rời xa cõi tạm.
Phú Quang đã để lại cho đời một gia tài âm nhạc khá đồ sộ: 16 album nhạc với nhiều ca khúc nổi tiếng, phổ thơ Phan Vũ, Hồng Thanh Quang, Thảo Phương, Giáng Vân, Hữu Thỉnh, Đỗ Trung Quân,Thái Thăng Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo… Cạnh đó, nhạc sĩ của những bài hát hay nhất về Hà Nội còn viết hai bản nhạc không lời khá nổi tiếng, thành giai điệu quen thuộc của chương trình đài Tiếng nói Việt Nam: Khát vọng và Tình yêu của biển. Thật thú vị khi nghe tác giả tâm sự, đó là cách “khỏa thân” hồn mình, là cách sống hết mình với âm nhạc mà không bị ngôn từ che chắn. Mặt khác, Phú Quang còn tham gia viết nhạc cho phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh…
Vẫn biết rằng thời gian có bao giờ ngừng lặng và mỗi cánh lá rụng xuống, dù không thể nào khác thế vẫn cho ta cảm giác xót xa, tiếc nuối, cảm giác về một lần mãi mãi ra đi... Vẫn biết rằng, cuộc đời nào rồi chẳng là khúc chia xa. Vẫn biết rằng, ông đã trở thành làn mây dịu dàng trong cõi vô thường… Nhưng trong tôi vẫn hoang hoải, đau đớn và tiếc thương khôn nguôi. Có lẽ những nhạc phẩm của người nhạc sĩ “suốt nửa cuộc đời không viết nổi bài tình ca” đã trở thành tình yêu, đã thấm trong từng thớ tâm khảm tôi tự bao giờ.
Người yêu nhạc Việt Nam đã, đang và sẽ mãi thổn thức cùng giai điệu những nhạc phẩm như: Em ơi Hà Nội phố (phổ thơ Phan Vũ), Đâu phải bởi mùa thu (thơ Giáng Vân), Khúc mùa thu (thơ Hồng Thanh Quang), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo), Nỗi buồn (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường), Mùa thu giấu em (thơ Thái Thăng Long) và những Chuyện bình thường như cuộc đời vốn dĩ… Dường như, Phú Quang là nhạc sĩ của những ca khúc da diết về Hà Nội, của lãng đãng mùa thu mùa đông, của tình yêu với nhiều những cung bậc say đắm, khát khao, cô đơn, bàng hoàng hay đau đớn, day dứt ám ảnh muôn niên… Với ca từ đẹp, giai điệu đẹp, nhiều bài hát đã thăng hoa trong cảm xúc của người yêu nhạc, bất kể người trẻ hay đã trưởng thành.
Nhạc Phú Quang là giai điệu bất tận của nỗi buồn, nhưng là nỗi buồn sang trọng, lịch lãm và sâu lắng. Có lẽ đó là sự cộng hưởng của cảm xúc với thơ, sự kết tinh của tài năng âm nhạc, lòng thao thiết với đời và sự trải nghiệm của một số phận nhiều thăng trầm, khắc khoải.
Dẫu biết rằng đời người thật ngắn ngủi vô thường; dẫu rất thương tiếc tài hoa, tôi vẫn tin rằng thác là thể phách, còn là tinh anh (Nguyễn Du). Những gì Phú Quang để lại cho đời là gia sản quý của âm nhạc Việt Nam. Những tình khúc của ông vẫn ngân vang mãi cùng năm tháng, vẫn bồi hồi và say đắm trong tim người yêu nhạc.
Phú Quang, ông vẫn sống trong tôi, trong lòng người yêu nhạc mỗi chiều len lách giữa phố đông, bên ly cà phê tí tách từng giọt từng giọt đắng quấy loãng thời gian, trong nỗi yêu như chết là hạnh phúc, trong mải miết đi tìm bóng mình giữa cõi cô đơn. Ông vẫn trong tôi trong khoảnh khắc bâng quơ hát lời nghêu ngao, thèm được như cơn gió lang thang nương theo khúc tình ca mong manh.
Xin tiễn biệt người nghệ sĩ tài hoa, một vì sao trên bầu trời âm nhạc Việt Nam vừa về chốn xa xôi.