Chất "mở" trong văn chương Thái Bá Lợi
(QNO) - Tôi biết nhà văn Thái Bá Lợi lần đầu trong đám tang thi sĩ Vũ Hữu Định năm 1980 ở Đà Nẵng, lúc ấy anh bỏ vé tàu đi Hà Nội để ở lại tiễn bạn. Dáng vẻ cao và ốm trong bộ ka ki vàng cùng chiếc ba lô bộ đội cũ sờn, trông anh như một thư sinh hơn là một cựu binh của một cuộc chiến gian truân và dai dẳng.
Anh đang trên đường ra Hà Nội học khóa 1 trường viết văn Nguyễn Du sau chiến tranh. Năm 1986 khi tôi về làm việc ở tạp chí Đất Quảng thì anh là Phó Tổng Biên tập, chúng tôi bắt đầu thân nhau và sau đó anh em cùng tình nguyện đi Campuchia để chuẩn bị bài vở cho số chuyên đề về bộ đội Việt Nam ở chiến trường K…
Thấm thoát đã hơn 40 năm đã trôi qua.
Ngoài công việc, chúng tôi thường cùng nhau rong chơi mọi lúc mọi nơi nếu có thể, kể cả sau này tôi về Báo Thanh Niên và anh chuyển về ở trong khu tập thể của cơ quan cũ.
Ngồi với Thái Bá Lợi, tôi thường có “lợi” vì học anh nhiều chuyện về nghề. Và hiểu ra rằng khi anh viết truyện ký Quê hương thì chẳng có gì mới, nhưng sau 1975 khi Hai người trở lại trung đoàn ra mắt thì văn giới ngạc nhiên khi thấy cây bút này không còn theo lối ngợi ca cách mạng cũ kỹ nữa. Cũng là chiến tranh nhưng là cuộc chiến khác. Con người cần được nhìn nhận lại, cần được “Trùng tu”. Sau này anh viết “ Nghệ sĩ đầu cầu”, Họ cùng thời với những ai hay “Lãng quên Đại Phước”, các truyện ngắn hay dài của anh cũng nhắc nhở người đọc hãy bỏ đi lề lối nhận diện cũ về con người, về cuộc đời, nó vốn phức tạp.
Anh đọc nhiều tác phẩm về chiến tranh, anh cũng xuất thân từ cuộc chiến nên chiến tranh luôn được anh nhắc lại với thủ pháp đồng hiện để mở ra những chân trời khác. Thái Bá Lợi không dừng lại ở đó cách kể chuyện chậm chạp và từ tốn của anh, anh tiếp tục đào sâu số phận và tính đa diện của con người, phải nói là từ Hai người trở lại trung đoàn, mà có lần anh nói đùa là cũng có đến cả hai trăm người, vì truyện ngắn ấy luôn được tái bản và dựng thành phim nhiều tập.
Dù xê dịch hay ngồi một nơi, Thái Bá Lợi vẫn viết rất đều tay và ngày càng sâu lắng, tinh tế, đau đớn với con người nói chung... Câu văn của anh dẫu đôi lúc giản dị bao nhiêu lại càng có trọng lượng bấy nhiêu. Đôi khi bắt gặp những câu phức, thì ở đó Thái Bá Lợi dường như cố ý tải theo một lượng thông tin đáng kể...
Thái Bá Lợi dường như chẳng ghi chép gì nhiều mỗi khi đi thực tế. Cả tháng trời ở chiến trường Campuchia, chỉ thấy anh ghi có vài trang, đó là những cảm nhận của anh ở vài cảnh huống nào đó. Anh nói cái gì người ta nói hay thì tự mình sẽ nhớ, cần chi ghi chép cho nhiều.
Trong tuyển tập 5 cuốn sách dày của anh vừa được nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành, tôi vẫn thích Khê Mama của anh, một truyện vừa hơn trăm trang xuất bản cách đây 10 năm, nó thể hiện một bút pháp không lẫn với ai được.
Trong Khêmama, tác giả xưng tôi là nhà văn. “Tôi” cũng là nhân vật trong cuốn nhật ký, hình như nhật ký là của một viên chức làm công việc của một nhân viên lâm sinh ở Bà Nà và cũng... hình như là một nhà thơ. Một ngày kia, bên suối, anh ta nhặt được một cuốn nhật ký của ai đã bỏ rơi. Với một ngôn ngữ đượm chất thơ, một nhân vật nữ tên Khê xuất hiện. Nhật ký được tái hiện không có ngày tháng, ghi chép đủ thứ chuyện như đang xảy ra thường nhật. "Tôi" và Khê luôn va chạm tính cách lẫn nhau qua từng mẫu ngắn. Mỗi mẩu chuyển lại xuất hiện các nhà thơ, nhà văn, nhà ngôn ngữ học, ông chủ tịch thành phố, nhà toán học, các cựu chiến binh, họa sĩ, nhà khoa học đầu ngành, nhà sư, thường dân... Nhân vật tôi và Khê trở thành những lăng kính soi vào từng mẫu chuyện và từ đó, phản chiếu câu chuyện theo những góc nhìn khác nhau, có lúc mâu thuẫn nhau. Để sau rốt, đọng lại như những công án thiền theo cách nhận xét của một nhà báo, bạn của tác giả khi vừa đọc xong bản thảo đánh máy. Người đọc cứ bị cuốn hút vào câu chuyện nhờ một thứ ngôn ngữ rất đời mà nhà văn đã nghe đâu đó trên đường đi hàng ngày. Các nhân vật gọi hành động ăn là “tâm sự”, gọi bộ phận nghiên cứu của một cơ quan nào đó là “phòng tiềm năng”, gọi một nghệ sĩ lãng mạn là Alexis Zọc-tư (thay vì Zorba)... Tất cả những chi tiết đó, được Thái Bá Lợi nhớ lại mỗi ngày trong các câu chuyện với bạn bè và đưa vào tiểu thuyết như một loại vỏ bọc cố ý tạo nên cá tính sinh động của từng nhân vật.
Đọc xong trăm trang anh viết, người ta nhận ra, cái con người Khêmama - tác giả cuốn nhật ký đánh rơi cũng là con người biết chịu đựng khổ lụy khi làm được một việc tốt như cứu một người bị tai nạn, tham gia cứu trợ nạn nhân bão lụt, ngồi thin thít trước những lời giảng về đạo đức của người chú vì biết không thể thay đổi được thế giới của ông nhưng để “giữ bạn hàng”, can ngăn một cuộc nhậu quá đà dù biết rằng người ta sẽ phật ý... Khê thương yêu thật lòng điều tốt và ca ngợi những con người “chưa dứt dây thần kinh xấu hổ” trong cuộc sống xô bồ hôm nay. Nhưng Khêmama không chìm mất trong thế giới cô đang sống, thế giới mà người ta tồn tại như những kịch sĩ. Thế giới có lắm lúc buộc người ta tự đánh mất mình vì những tiện nghi vật chất và nhu cầu vật dục khác. Thế giới mà cái tốt, cái xấu không phân biệt được. Thế giới mà những phẩm chất của hôm qua chưa chắc đã có ích cho hôm nay... Chỗ này tôi có cảm giác nhân vật Khê là một cái cớ để Thái Bá Lợi tâm sự với bạn đọc về quan niệm sống của chính anh trong cuộc sống không dễ dàng của mình! Người đọc không biết nhân vật Khê làm nghề gì, cư trú cụ thể ở đâu. Cũng như cái nhân vật mang ký hiệu "tôi”, sau khi đọc xong cuốn nhật ký nhặt được bên suối, đã đi hết các đơn vị trong vùng để tìm ra tác giả và đã hoài công. Khê lẩn khuất đâu đó giữa chúng ta cũng như cái tốt lẩn khuất đâu đó mà ta chỉ có thể nhận biết nếu thực sự yêu thương cuộc đời này và sống vì người khác.
Có lần tôi hỏi Thái Bá Lợi tứ truyện rất hay sao anh viết ngắn thế? Anh trả lời như đùa như thật: Bất cứ ai muốn viết thêm vào thì hãy viết, vì đây là loại “tiểu thuyết mở”!
Tôi quen biết và chơi với Thái Bá Lợi khá lâu, tôi thường thấy anh hay kể mãi về một câu chuyện hay một chi tiết nào đó. Có khi hai ba tháng gặp nhau, vẫn còn nghe anh kể lại chuyện cũ, nhưng với một giọng khác. Tôi biết, đó chính là cách anh sống với nhân vật của mình, đưa nhân vật của mình vào các hoàn cảnh khác nhau để xem dò người nghe. Cảm giác của tôi không sai khi đọc lại các truyện của anh. Anh chọn cách thể hiện nhân vật, cách dẫn dắt truyện từ ánh mắt, vẻ chăm chú của người nghe trước khi viết. Đó cũng là kinh nghiệm lao động nghệ thuật của Thái Bá Lợi chăng!
Và như vậy, cũng là cách tôi chúc mừng tuyển tập 5 cuốn sách mới của anh vừa ra mắt bạn đọc, cũng như tôi từng chúc mừng anh được công nhận là một trong hai mươi công dân tiêu biểu của Đà Nẵng cách nay mấy năm vậy !