Bản sắc văn hóa Quảng trong “Chuyện xưa xứ Quảng"
(QNO) - Chắc chắn “Chuyện xưa xứ Quảng” phải có sức hấp dẫn riêng để Thái Công Lộc - học sinh lớp 10 chuyên văn hứng thú và chia sẻ cảm xúc với độc giả về những câu chuyện vốn không thuộc về nhịp sống hiện đại.
“Cùng đọc sách” mong tiếp tục đón nhận những bài viết hay và là nơi để cùng nhau lan tỏa những giá trị riêng của văn hóa đọc trong và ngoài không gian học đường.
---------------
Mỗi lần ngắm nhìn những bức tranh về nét đẹp truyền thống của Quảng Nam ở phòng khách nhà ngoại, tôi đã tự hỏi mình rằng những nét đẹp này còn được lưu giữ ở đâu không?
Bởi trong thời đại được mang tên đổi mới và phát triển này, những giá trị truyền thống dần bị thay đổi, thời đại mà những giá trị cổ xưa chỉ còn tồn tại trong những miền ký ức và trong những bức bích họa, nhường chỗ cho những nhịp sống hiện đại và tân tiến.
Tôi cứ ngỡ mọi thứ đã tan biến và không bao giờ trở lại nữa, cho đến một ngày tôi tìm đến “Chuyện xưa xứ Quảng” của Phạm Hữu Đăng Đạt, quê hương Quảng Nam thân thương như hiện ra trước mắt tôi với những gì vẹn nguyên nhất.
“Chuyện xưa xứ Quảng” là những mảnh ghép đa màu sắc mà tác giả dày công tìm tòi, khám phá, dựng nên bức tranh đầy thơ mộng và yên bình về vùng đất Quảng Nam.
Qua hơn 200 trang sách với gần 60 câu chuyện, tác giả lựa chọn và sắp xếp theo bốn phần chính: ẩm thực, địa danh – nhân vật, thú chơi – phong tục và làng nghề. Đây cũng chính là những yếu tố đặc trưng, cốt lõi nhất để cấu thành một vùng văn hóa đặc sắc.
1. Với đề tài “Ẩm thực”, Phạm Hữu Đăng Đạt dẫn dắt người đọc bước vào cung đường của những món ăn giản dị nhưng hấp dẫn, mang hương vị đặc trưng thông qua cách chế biến độc đáo của người dân xứ Quảng.
Người đọc sẽ được thưởng thức những đặc sản: bánh tráng, “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”, bún sắn trộn, bánh đập, chè khoai… Trong đó, mỳ Quảng được mệnh danh là linh hồn “ẩm thực” xứ Quảng và được phổ biến trên cả nước.
Đọc những trang sách của Phạm Hữu Đăng Đạt, trong đầu tôi bỗng thấp thoáng mùi vị đậm đà của tô mỳ Quảng cùng hương thơm của rau thơm và bắp chuối. Chương “Ẩm thực” còn nói đến những “Thú ăn ngọt”, “Thú ăn mặn” của người Quảng… Những món ăn không chỉ đẹp về hình thức mà ẩn chứa sâu trong đó những phẩm chất, những tính cách của người Quảng: tiết kiệm những cũng rất phóng khoáng, giản dị và đậm chất riêng.
2. Những địa danh quen thuộc: những mái nhà rêu phong nơi Chùa Cầu phố Hội, những nét văn hóa chạm khắc của người Chăm, khung cảnh yên bình của những phiên chợ Thu Bồn… lần lượt hiện lên qua chương “Địa danh – nhân vật”.
Một số người trẻ khi có thời gian rỗi lại tìm đến những địa điểm vui chơi mới lạ, hiện đại. Nhưng tôi cảm thấy thú vị biết bao nếu ai đó ngóng vọng và tìm đến những địa danh nổi tiếng nhưng thân thuộc của xứ Quảng để thêm tự hào về vùng đất Quảng Nam.
3. Trong “Thú chơi - Phong tục”, những “Trò chơi Tết ở Hội Sơn xưa”, là những “Hò chèo ghe xứ Quảng” bên cạnh những điệu hát bội, những tấm bài chòi, những trò chơi dân gian mang đậm phong cách của con người xứ Quảng…
Tôi như được sống lại lần nữa trong những thú vui của tuổi thơ. Những thú chơi, những phong tục này có lẽ là “độc nhất vô nhị” của riêng Quảng Nam.
4. Những làng nghề truyền thống xứ Quảng lần lượt hiện lên qua chương "Làng nghề". Đó là làng gốm truyền thống Thanh Hà với loại gốm được tạo dựng bởi bàn tay tài hoa và tấm lòng nhiệt thành của những nghệ nhân tâm huyết nơi đây; là những bí kíp lâu đời về nghề đúc đồng truyền thống Phước Kiều bên dòng sông Thu hiền hòa, êm ả và có cả làng nghề nước mắm Nam Ô với hương vị đậm đà, riêng biệt để rồi đắm say không bao giờ có thể quên được “Nam Ô nước mắm thơm nồng / Đi mô cũng nhớ mùi hương quê nhà",…
*
* *
Không gian sống hiện nay rất mở, phẳng và đẹp. Khép sách lại, tôi cảm thấy cái đẹp ấy không ở đâu xa, mà chính là cuộc sống, là những điều bình dị diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong mọi ngóc ngách, và là những giá trị văn hóa truyền thống. Có lẽ cần đủ “tĩnh”, đủ “nhẫn” để “sống chậm” và cảm nhận những vẻ đẹp xung quanh mình.
Và tôi nghĩ rằng “Chuyện xưa xứ Quảng” thích hợp cho mọi lứa tuổi. Trẻ thơ sẽ có cơ hội hiểu và cảm nhận sâu hơn về những nét đẹp truyền thống của ông cha mình. Người lớn thì tìm lại cho mình sự gợi nhắc về những điều tốt đẹp còn nằm sâu trong những miền ký ức.
--------------
Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử.
Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giáo-dục/tổ-chức-cuộc-thi-cùng-đọc-sách-trên-báo-quảng-nam-điện-tử-111333.html