Bản hòa ca của những khát vọng lớn lao
(QNO) - “Đọc sách để vui vẻ, đồng cảm và cải thiện bản thân” là lời giản dị của siêu trí tuệ Việt Nam - người đạt kỷ lục ghi nhớ hơn 1.000 đầu sách từng làm hầu hết khán giả ngưỡng mộ - bác sĩ trẻ Nguyễn Thục Nữ, cựu học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước.
Đồng hành với cuộc thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp cùng Báo Quảng Nam điện tử tổ chức, Thục Nữ đã tách “Những người phụ nữ bé nhỏ" - Little Women của Louisa May Alcott trong kho siêu ghi nhớ của mình để chia sẻ với bạn đọc.
-----------------------
Hơn 150 năm trước, nơi chiến tranh vừa đi qua, Louisa May Alcott đã cho ra đời một câu chuyện mới lạ bên cạnh đề tài quen thuộc. Theo dòng thời gian, dưới sự chuyển biến không ngừng của định kiến xã hội và tư tưởng nhân văn, "Những người phụ nữ bé nhỏ" vẫn nằm trong số những tác phẩm kinh điển của thế giới. Không chỉ ở nội dung gần gũi, giản dị mà nơi đó, mỗi cô gái đều có thể tìm thấy bản thân mình phảng phất nơi những nàng thơ của gia đình nhà March.
Ít cao trào, không tình tiết giật gân, tác phẩm nhuốm màu cổ tích ấn tượng theo cách của riêng nó. Trong bất kỳ trang sách nào, bạn cũng cảm nhận được những khoảnh khắc ngập tràn yêu thương, dù mất mát, chia ly có lặng lẽ đi qua.
Lấy bối cảnh Hoa Kỳ sau cuộc nội chiến, Alcott vẽ nên một gia đình với 4 cô gái nhỏ: Meg, Jo, Beth và Amy. Sống cùng mẹ, cha tình nguyện ra chiến trường khói lửa. Thiếu thốn tình cảm, khó khăn trăm bề nhưng căn nhà nhỏ ấy luôn ăm ắp tiếng cười cùng sự yêu thương.
Chúng ta có Meg, cô chị cả trưởng thành, chu toàn. Jo quyết đoán, độc lập. Beth nữ tính, dịu dàng. Và Amy tự tin, đầy tham vọng. Bốn con người, bốn tính cách tạo nên một bản nhạc hòa quyện, lắng đọng đan xen những nốt thăng trầm của cuộc sống.
Tôi không ngạc nhiên khi ngay trong thế kỷ 19, những định kiến áp đặt, cường quyền đè nặng lên vai người phụ nữ. Vậy nên trong tác phẩm này, tác giả đã lồng ghép khéo léo, tinh tế vấn đề nữ quyền.
Bên cạnh một Jane Eyre dũng cảm, đầy ý chí và nghị lực đứng lên khẳng định bản thân hay một Catherine của “Đồi gió hú” dám đi ngược với chuẩn mực đạo đức đương thời để theo đuổi tình yêu, những cô gái của Alcott dường như là tấm gương phản chiếu chính con người bà, đặc biệt là Jo.
Độc lập, tài năng, có phong cách, tư tưởng sống khác biệt với chuẩn mực về phụ nữ thời bấy giờ. Jo khiến độc giả phải vỡ òa, đau đáu suy ngẫm về vai trò của phái nữ trong xã hội hiện đại.
“Phụ nữ cũng có chính kiến, có tâm hồn, đâu phải chỉ có mỗi trái tim. Con phát ngán với tư tưởng phụ nữ được sinh ra chỉ biết yêu rồi kết hôn.”
Tình yêu, tình cảm gia đình mãi là những chủ đề vượt thời gian và là yếu tố dõi theo sự trưởng thành của bốn cô gái, từ những thiếu nữ đôi mươi êm dịu như chiếc piano của Beth, đến khi biết rung động, kết hôn rồi trở thành người vợ, người mẹ.
Xuyên suốt quá trình ấy, độc giả sẽ được chứng kiến sự cố gắng không ngừng nghỉ, cái giá phải trả của tham vọng, trải nghiệm tàn khốc của cái chết và mất mát, sức mạnh biến đổi của nỗi đau. Để cuối cùng, điều ở lại là khát khao và hoài bão, tình yêu và niềm tin, như Meg nói với em gái của mình: “Ước mơ của chị khác em không có nghĩa là nó không quan trọng.”
Đây cũng là tác phẩm đầu tiên mà tôi xem phim chuyển thể trước khi đọc bản gốc. Qua nhiều thập kỷ, cuốn sách vẫn có sức hút mãnh liệt đối với các nhà làm phim. Điều đó càng khẳng định giá trị lớn lao trường tồn theo thời gian, những vấn đề rất xưa nhưng không bao giờ cũ.
----------------------------
Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử.
Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giáo-dục/tổ-chức-cuộc-thi-cùng-đọc-sách-trên-báo-quảng-nam-điện-tử-111333.html