“Ngàn mặt trời rực rỡ” - Afghanistan đau thương và hy vọng

ĐẶNG VĂN QUANG (cựu học sinh chuyên Văn Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, Hội An) 22/09/2021 17:16

(QNO) - Mặc dù không theo đuổi sự nghiệp văn chương nhưng Đặng Văn Quang - cậu học trò ghi dấu ấn đặc biệt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với điểm 10 môn Văn vẫn không ngừng đọc sách.

Đọc nhiều kết hợp với năng khiếu văn chương vốn có, Quang đã vượt qua được thử thách đầu tiên của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội để được nhà trường tạo điều kiện hỗ trợ trong thời gian đầu nhập học.

Mong rằng trên con đường trở thành một tiến sĩ trong lĩnh vực phân tích kinh tế như mơ ước, Đặng Văn Quang vẫn giữ niềm say mê cùng sách làm bạn đồng hành.

-----------------------------

 

Tôi đã đọc "Ngàn mặt trời rực rỡ" vào mùa hè 2 năm trước, trong một lần tình cờ mượn được ở thư viện thành phố. Sau sự thành công của “Người đua diều”, Khaled Hosseini - nhà văn Afghanistan một lần nữa mang đến cho độc giả sự bất ngờ pha lẫn những cung bậc khác nhau của đau thương và hy vọng.

Đọc lời tựa ngay từ ngoài bìa sách: "Bạn sẽ muốn bị hóa đá để không phải rơi lệ khi đọc câu chuyện này…” của Washington Post, tôi khựng lại. Như một sự thôi thúc từ nội tâm, tôi bắt đầu lật từng trang sách, thẩm thấu qua lớp vỏ ngôn từ Khaled Hosseini để lại. Ngàn mặt trời rực rỡ, ngàn mặt trời rực rỡ - cái nhan đề rất thơ và đầy ngụ ý đó đã khiến tôi bình ổn đi đến trang cuối cùng của cuốn sách.

Những ngày qua, khi tôi viết những điều này cũng là lúc tôi bất giác run lên khi nghĩ đến Afghanistan: lịch sử dường như đang lặp lại, đất nước đầy bom đạn và đau thương ấy một lần nữa bị chiếm đóng bởi Taliban.

Tôi hồi tưởng đến những trang sách của Khaled Hosseini, người đã gói gọn toàn bộ đất nước Afghanistan vào trong bóng dáng cuộc đời của hai người phụ nữ: Mariam và Laila - hai nhân vật với tuổi thơ trái ngược nhau và cách nhau mấy mươi tuổi. Ấy vậy, họ lại gặp gỡ nhau tại giao điểm: đều là nạn nhân của chiến tranh, của chính trị hỗn loạn và tôn giáo hà khắc, nơi mà những luật lệ cổ hủ trói buộc con người, nơi mà số phận người phụ nữ trở nên rẻ rúng chẳng khác gì những súc vật, đồ vật.

Mariam luôn mang trong mình mặc cảm “harami”, bởi vì cô là một đứa con rơi, một con thú hoang đi lạc đường, bị chính cha đẻ của mình né tránh. Còn Laila lại là một người may mắn sinh ra trong sự đùm bọc yêu thương, trong môi trường giáo dục tiến bộ.

Những con người ở vùng đất này đứng trong ranh giới của hai sự lựa chọn: hoặc là chết chóc, hoặc là phải tiến lên và hy vọng: “Laila phải tiến lên vì cuối cùng thì cô đã hiểu đó là tất cả những gì cô có thể làm. Tiến lên và hy vọng”. Và trong hoàn cảnh bấn loạn ấy, hai người đàn bà tội nghiệp đã cùng chăm sóc nhau, nuôi dưỡng hơi ấm của tình người. Và đó âu cũng là động lực để họ đứng lên, can trường, phản kháng bền bỉ, mạnh mẽ trước sự nghiệt ngã của sự sống còn: “Không ai có thể đếm được bao nhiêu mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng, hay ngàn mặt trời rực rỡ trốn sau những bức tường của nàng”.

Tôi không thể nào quên khoảnh khắc Azazi - đứa con gái bé bỏng của Laila và Tariq gào thét đến cứa gan cứa ruột khi phải nằm trong bao nilon để trốn phiến quân Taliban. Laila đã mơ một giấc mơ như vậy, hay nói đúng hơn là một cơn ác mộng kinh hoàng, khiến người đọc phải rùng mình.

Lời tựa ngoài bìa sách “Ngàn mặt trời rực rỡ“.
Lời tựa ngoài bìa sách “Ngàn mặt trời rực rỡ“.

Khaled Hosseini không hề né tránh những nỗi đau tột cùng, nhà văn ở đó như một chứng nhân của lịch sử, để ghi chép lại những câu chuyện đau lòng từ chiến tranh, từ cái khắc nghiệt của cả luật lệ, tôn giáo ở đất nước Afghanistan.

Đọc cuốn sách này, dẫu đến cuối thiên truyện nhà văn có mang đến một tia hy vọng như một sự bù đắp cho những tổn thất của con người, nhưng tôi lại cảm thấy lo âu, sợ hãi về một diễn biến mà Mariam và Laila sẽ phải đối mặt. Họ đứng lên vì hòa bình, vì muốn tìm kiếm sự bình yên, bình đẳng, nhưng khi có được hòa bình sau bao nhiêu thăng trầm rồi, liệu mọi thứ đã ổn định hay chưa? Hay sự bình yên chưa được xác tín rõ ràng, chưa có cơ sở bền vững lại càng là một mối nguy hại? Và lịch sử lặp lại những ngày qua là minh chứng cho điều ấy.

Tôi lại bắt đầu hình dung về bộ luật khắc nghiệt mà Taliban đã áp đặt lên những người phụ nữ:

“Phụ nữ cần phải chú ý: Luôn luôn ở trong nhà. Không được đi lang thang không có mục đích ở trên đường. Nếu đi ra ngoài phải đi cùng một nam giới có quan hệ họ hàng. Nếu bị bắt gặp đi một mình trên phố sẽ bị đánh đòn và bắt đưa về nhà.

Trong bất kỳ trường hợp nào phụ nữ đều không được để lộ khuôn mặt của mình. Phải mặc burqa khi đi ra ngoài. Nếu không sẽ bị đánh thật nặng.

Không được nói nếu người khác chưa nói với mình.

Không được nhìn vào mắt đàn ông.

Không được cười ở nơi công cộng…”

Ngàn mặt trời rực rỡ rồi sẽ lại xuất hiện trên mảnh đất ấy chăng?

Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử. 

Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giáo-dục/tổ-chức-cuộc-thi-cùng-đọc-sách-trên-báo-quảng-nam-điện-tử-111333.html

ĐẶNG VĂN QUANG (cựu học sinh chuyên Văn Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, Hội An)