Phan Ngọc Minh - người nghe những tàn phai

TRƯƠNG VŨ QUỲNH 29/08/2021 07:24

Từ triển lãm đầu tiên “Ký ức phố xưa” năm 1994 đến nay, họa sĩ Phan Ngọc Minh đã đi một chặng đường dài gắn liền cảm xúc nhất quán của mình dành cho cái đẹp thuộc về những miền di sản. Giữa những ngày dịch giã quạnh hiu, trong xưởng vẽ ngổn ngang các bức tranh khổ lớn, Phan Ngọc Minh vẫn cặm cụi với cõi riêng mình. Anh đang chuẩn bị cho những chuyến đi lẻ loi như từng bao năm vẫn vậy…

Họa sĩ Phan Ngọc Minh.
Họa sĩ Phan Ngọc Minh.

Tôi phải lấy tên một nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn để nói về trường hợp Phan Ngọc Minh. Cả đời Minh loay hoay trong cái phai tàn ấy. Anh có một cõi riêng của mình chẳng giống ai. Mà đi về đâu? Quẩn quanh cũng Hội An, Mỹ Sơn, Huế… Cái phía xế chiều ấy ám ảnh Minh đến vậy, mấy chục năm nay Minh chưa vượt ra khỏi cái bóng hoàng hôn ấy bao giờ.

Khi Tản Đà ngẫm ngợi “…Lá sen tàn tạ trong đầm/Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa…”, hay trước đấy, lúc Bà Huyện Thanh Quan lững thững trong “bóng xế tà” với “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, người ta đã biết, đằng sau phế tích, đằng sau vẻ tàn tạ có ánh hào quang của cái đẹp. Đấy, vẻ đẹp của sự tàn phai.

Phan Ngọc Minh lúc nào cũng cũ kỹ, sầu muộn, trôi trong hoài niệm và luôn nhìn mọi thứ bằng ký ức. Trông anh thật lạc lõng giữa đời. Ban đầu là Hội An với rêu gạch và những góc phố vắng người, rồi Mỹ Sơn với hắt hiu đền tháp, và Huế - ngồi tư lự giữa chùa chiền và những nghệ nhân già một thời vang bóng.

Anh yêu cái yên tĩnh mịt mờ, khuất lấp, bị ám ảnh bởi những giá trị cũ xưa, trân trọng những con người của hôm nay nhưng bản thân họ, hoặc nghề nghiệp của họ đang dần dần sẽ là cái của ngày đã qua. Kể cả khi sang một vài nước châu Âu anh cũng bị rủ rê bởi các bảo tàng. Và, khi phong cảnh không làm đổi thay tâm cảnh, anh cũng mang về chừng ấy nỗi buồn.

Tranh của họa sĩ Phan Ngọc Minh.
Tranh của họa sĩ Phan Ngọc Minh.

Bạn bè nói Phan Ngọc Minh ít thay đổi đề tài, mà thay đổi để làm gì chứ. Hội họa suy cho cùng cũng là một cách đánh đu với những mộng mị của mình. Họa sĩ đắm chìm vào tác phẩm phân thân để sống một đời sống cô độc trong hành trình khám phá chính bản thân.

Tranh của Minh lâu nay vẫn vậy: phố với những vệt màu u hoài, những tượng Chàm trong bóng chiều, các biểu tượng tôn giáo lung linh một vẻ huyền ảo, u tịch và đầy mê dụ.

Sự lặp đi lặp lại một cõi miền mà không tự thoát ra được cái bóng râm của nó thể hiện một sự mê đắm, một trạng thái ít chuyển động, và nhiều hơn nữa, trong ấy, cùng với thời gian, là một suy tàn. Điều đặc biệt, tranh của Phan Ngọc Minh không chỉ diễn tả cái suy tàn, bị cuốn hút bởi cái suy tàn và còn nhận ra và mang lại những vẻ đẹp ánh lên từ trong những thứ tàn phai đó.

Ngôi nhà hội họa của Phan Ngọc Minh từ lâu đã được xây bằng chất liệu của những phế tích. Anh dựng lên bằng gạch ngói rêu phong, bằng vữa vôi hoài niệm. Anh treo trong ấy những con mắt cửa mộng du của Hội An, của những con cá gỗ, những mặt nạ Kala, những chim thần Garuda, những ánh mắt nhung nhớ và cánh tay gọi mời của vũ nữ Trà Kiệu…

Sau những chuyến đi xa, bị hấp dẫn của hội họa xứ người, anh mang về vườn tược vốn một màu gris, nâu xám trầm ấm cố hữu của mình những vệt màu tươi lạ. Những vệt màu ấy đáp ứng nhu cầu tự làm mới của một cá tính sáng tạo không chịu khuôn theo lối mòn trong loạt tranh gần đây nhất, nhưng thực ra, nó cũng chỉ là những điểm xuyết để kết nối các mảng miếng đã định hình.

Thấp thoáng trong loạt tranh này là những ghi chú ngẫu hứng khi đang vẽ được trình bày như những họa tiết ngẫu nhiên. Trong một mỹ cảm chung, nó dựng lại chân dung của Phan Ngọc Minh vừa đi vừa lẩm bẩm trong căn nhà của mình những dằn vặt, trăn trở hoặc lời cầu mong cho số phận những di tích, những thứ mà anh một đời yêu quý trong sự vô tình hoặc cố ý quên lãng của người đời…

Phan Ngọc Minh vẫn đang lặng lẽ theo đuổi con đường của mình. Ký ức về phố, về những giá trị cũ xưa vẫn là món hành trang bất ly thân trên con đường nhọc nhằn càng đi càng nặng. Không thể không nghĩ là Minh đang đi ngược thời gian về miền dấu yêu của anh để nghe những tàn phai…

TRƯƠNG VŨ QUỲNH