Những bí ẩn tuổi thơ trong “Mơ về phía chân trời”

ĐỖ NGUYỄN THIÊN QUỲNH (cựu học sinh lớp 12 chuyên Văn - Trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông,Hội An) 27/08/2021 14:16

(QNO) - Sách, vốn chứa đựng nguồn năng lượng dồi dào sẽ giúp con người no đủ về tinh thần trong điều kiện rất có thể thiếu thốn về vật chất giữa những ngày tang thương vì dịch bệnh.

Cùng đọc sách tuần này chia sẻ cùng bạn đọc bài viết của tác giả Đỗ Nguyễn Thiên Quỳnh về một tác phẩm dành cho thiếu nhi của nhà văn xứ Quảng - Lê Trâm. Không ngừng đọc và viết, mong bạn trẻ và những người yêu sách luôn tìm thấy niềm vui, sự an trú trong tâm hồn để cân bằng đời sống…      

-----------------------------

Bìa tập sách “Mơ về phía chân trời“.
Bìa tập sách “Mơ về phía chân trời“.

Vốn là đứa trẻ sinh ra ở vùng nông thôn, tôi may mắn trải qua một tuổi thơ tuyệt đẹp. Dòng đời dần trôi, tôi dần chìm vào nhịp sống của một người trưởng thành, vượt thoát quá xa thế giới của trẻ con. Một thoáng chênh vênh trong thế giới của người lớn, tôi tình cờ tìm thấy “Mơ về phía chân trời” của nhà văn Lê Trâm. Cuốn sách như tiếng vọng trong trẻo từ quá khứ, khiến tôi nhận ra giá trị của tuổi thơ lớn lao đến nhường nào đối với sự trưởng thành của mỗi người!

“Mơ về phía chân trời” là câu chuyện được thuật lại bằng lời của cậu bé Ri (tên thật là Tú) về làng Đồng - một ngôi làng nhỏ bé trải dài theo triền sông Hà Ly. Bước chân vào thế giới của truyện ngắn này người đọc sẽ có cảm giác như đang được chiêm ngắm vẻ đẹp của “mảnh đất Quảng Nam thu nhỏ” với những hình ảnh quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của những người con xứ Quảng nói riêng, cũng như những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở miền quê nói chung.

 “Mơ về phía chân trời” là tác phẩm của nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội văn học Quảng Nam, biên tập viên văn xuôi Tạp chí Đất Quảng. Ông sinh năm 1956 tại mảnh đất Quế Sơn. Cuốn sách hơn 100 trang, in trên khổ giấy 12 x 20cm nhỏ gọn, xuất bản theo hợp đồng sáng tác và chuyển nhượng bản quyền giữa tác giả và Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2017.

Đó là những cây bời lời “đến mùa, trái chín chi chít như ruồi” - loại trái cây chuyên được dùng làm đạn của “ống thụt” cho những buổi đánh trận giả của trẻ con nông thôn; đó còn là “hàng lộc vừng lúp xúp” đầy những hoa mà chúng tôi ngày bé thường hay thích giả làm dây chuyền rồi “mỗi đứa vặt một dây quàng quanh cổ”; hay trò chơi chuyền banh đũa: chuyền chuyền một, một đôi/ chuyền chuyền hai, hai đôi…

Tất cả những hình ảnh ấy hiện lên trong từng trang viết như sưởi ấm tâm hồn nguội lạnh của tôi, khiến tôi cảm giác mình đang được sống lại giữa một thời vô tư hồn nhiên. Khi ta tưởng rằng đã mãi xa cách một người, chẳng phải sẽ rất tuyệt vời nếu ta vô tình gặp lại họ hay sao? Tuổi thơ là người bạn ta luôn mong mỏi được gặp lại.

Điều cuốn hút hơn cả ở cuốn sách này có lẽ là “những bí ẩn tuổi thơ” không  bao giờ được giải đáp. Cả cuốn sách là hành trình đi tìm lời giải mã của nhân vật Ri về “bốn điều bí ẩn” của làng Đồng. Bí ẩn đầu tiên chính là “lùm tre Lung Bà rậm và tối, suốt ngày inh ỏi tiếng chim”, nơi mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng mê mẩn nhưng “chỉ còn biết ngước mắt đứng trông từ xa” vì chỉ có người lớn được phép bước vào.

Bí ẩn thứ hai là vùng đất phía sau cánh đồng: Gò Trời - nơi được biết đến với “miếu Thần Nông và cây sộp nổi tiếng nhiều ma” cùng với “cây thị già khú đế đến mùa trái chín thơm cả mấy làng”, tất cả những gì tụi nhỏ làng Đồng biết về vùng đất ấy chỉ là những trận tỷ thí “ác liệt” với trẻ con bên Gò Trời.

Vùng đất phía bên kia sông với “những rặng dương và ô rô” khiến ai cũng ao ước “lớn nhanh để đi về phía ấy cho biết” chính là bí ẩn thứ ba “mở ra những chân trời vô cùng khác lạ” trong tâm trí tụi nhỏ làng Đồng.

Và bí ẩn thứ tư liên quan đến người đàn ông dân ngụ - lão Nhiều, ngôi nhà của lão và đứa con gái là bé Su tựa như “lâu đài của lão phù thủy” khiến Ri cũng như những đứa trẻ khác trong làng không khỏi tò mò. Phải chăng tuổi thơ luôn là vùng trời chất chứa những điều kỳ bí chẳng bao giờ có thể lý giải được? Cũng bởi vì chẳng thể nào thấu hiểu hết ý nghĩa của tuổi thơ nên con người ta mãi khi lớn lên rồi vẫn cứ hoài thương, hoài nhớ về một thời quá vãng!

 

Lão Nhiều được nhà văn dựng lên như tượng đài của một “lão-phù-thủy” gây ra nỗi sợ cho tất cả trẻ con trong làng, thế nhưng lão lại “hiện ra sau lùm tre um tùm và đang cố gắng bơi chiếc ghe tí tẹo” để cứu tụi nhỏ trong một lần nước sông chảy cuộn xiết.

Cuối tác phẩm người đọc nhận ra được “điều bí ẩn cuối cùng” vô cùng bất ngờ: lão Nhiều đi làm cách mạng và chẳng may bị bọn lính bảo an bắt. Những tấm lòng cao đẹp như thế quả nhiên xứng đáng được trân trọng hơn bất kỳ thứ báu vật nào trên đời!

Tác phẩm kết thúc bằng việc Ri và bé Su đặt chân đến chân trời phía bên kia sông. Những đứa trẻ luôn ôm mộng chinh phục thế giới này, Ri lại một lần nữa “ao ước mình được đến chân trời ấy” - một chân trời ở xa hơn, nơi mà bất kỳ người làng nào khi lớn lên cũng “đi về phía ấy”. Tôi chợt nhìn thấy bóng dáng mình trong chân trời mơ ước của Ri, của Su, của những ai đã từng là trẻ con.

Mơ về phía chân trời” là tấm lòng của nghệ sĩ Lê Trâm dành tặng cho biết bao trái tim lạc loài giữa cuộc đời đa đoan ngoài kia, cho những ai đang sống trong tuổi thơ, và cả những ai đã đi qua tuổi thơ!

Hãy để những hồi ức tuổi thơ trong “Mơ về phía chân trời” xoa dịu trái tim thương đau của bạn nếu chẳng may trên suốt hành trình trở thành người lớn bạn cảm thấy mệt nhoài!

-----------------------------

Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử. 

Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giáo-dục/tổ-chức-cuộc-thi-cùng-đọc-sách-trên-báo-quảng-nam-điện-tử-111333.html

ĐỖ NGUYỄN THIÊN QUỲNH (cựu học sinh lớp 12 chuyên Văn - Trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông,Hội An)