Vũ Hạnh - một biểu tượng văn học, văn hóa dân tộc ở đô thị miền Nam

VŨ ĐÌNH ANH 16/08/2021 09:05

(QNO) - Giữa những ngày TP.Hồ Chí Minh và miền Nam đang căng thẳng vì dịch Covid-19, những người hâm mộ Vũ Hạnh nhận tin ông qua đời ở tuổi 96. Ông tên thật là Nguyễn Đức Dũng (sinh ngày 15.7.1926 - năm Bính Dần, tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Ông là một trong những nhà văn, nhà văn hóa có nhiều đóng góp cho nền văn học cách mạng Việt Nam, nhất là ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975.

Vũ Hạnh còn dùng nhiều bút danh khác như Hoàng Thanh Kỳ, Minh Hữu, Nguyên Phủ, Cô Phương Thảo, A.Pazzi… Năm 2007, nhà văn được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật.

Từ khi còn là sinh viên tại Đà Lạt, tìm hiểu về văn học đô thị miền Nam, tôi đã rất ấn tượng về nhà văn Vũ Hạnh. Tình cảm và niềm tin đó càng được củng cố hơn khi tôi may mắn được gặp, được nghe nhà văn Vũ Hạnh nói chuyện trong lớp Bồi dưỡng sáng tác văn học năm 2005 do Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng tổ chức. Nghe tin ông mất, lòng bồi hồi xúc động nên viết đôi điều về một biểu tượng văn học, văn hóa dân tộc ở đô thị miền Nam.


 

Vũ Hạnh - một tài năng đa diện

Vũ Hạnh vừa là nhà văn, vừa là nhà nghiên cứu, phê bình văn học, văn hóa. Ông khẳng định tài năng về truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch với khoảng 40 truyện ngắn được in trong các tập Vượt thác (1963), Chất ngọc (1964), Ngôi trường đi xuống (1966) và trên nhiều báo, tạp chí; về tiểu thuyết thì có Lửa rừng (1966) Con chó hào hùng (1973), Cô gái Xà Niêng (1973), Những người còn lại (1974); về kịch có thể kể đến Người chủ tiệm, Thưa biết rồi ạ!, Một giấc chiêm bao… Với tư cách nhà nghiên cứu, phê bình, ông thể hiện trong hơn 60 tác phẩm, ta có thể kể đến một số tiểu luận tiêu biểu như Đọc lại Truyện Kiều (1960), Người Việt cao quý (1965), Tìm hiểu văn nghệ (1970), Văn hóa và mạo văn hóa (1971)…

Với vốn kiến thức sâu rộng, bút lực sung mãn, nhiệt huyết căng tràn, Vũ Hạnh đã phản ánh nhiều vấn đề phức tạp trong bối cảnh xã hội rộng lớn ở miền Nam dưới chế độ Mỹ - ngụy. Ông quan niệm văn học phải đồng hành với dân tộc, đấu tranh cùng nhân dân góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Nhiều tác phẩm của ông có sức sống lâu bền với thời gian, có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề xây dựng văn hóa dân tộc, phẩm giá con người Việt Nam.


 
Nhà văn Vũ Hạnh trong một lần về nhà thờ Nguyễn Đức (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình). Ảnh: NAM PHONG

Vũ Hạnh - nhà văn, chiến sĩ

Sự

nghiệp văn học và con người Vũ Hạnh hoàn toàn thống nhất, là nhà văn - chiến sĩ. Ông sinh trong một gia đình Nho học xứ Quảng, sớm thụ hưởng tinh thần yêu nước của quê hương qua những tấm gương Duy Tân đầu thế kỷ XX như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Ông sớm tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 3.1945, từng giữ vai trò là thành viên Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong Cách mạng Tháng Tám. Giai đoạn 1946 - 1954, ông vừa vừa dạy trung học Thăng Bình vừa hoạt động nghệ thuật phục vụ cách mạng.

Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động tại quê hương, năm 1955 bị bắt giam. Được trả tự do năm 1956, ông vào Sài Gòn hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Năm 1960, ông trở thành thành viên Mặt trận Dân tộc và Giải phóng miền Nam Việt Nam, hoạt động công khai, đơn tuyến ở đô thị miền Nam trước 1975, từng làm Tổng biên tập tạp chí Tin Văn (của Lực lượng bảo vệ văn hoá dân tộc). Trong thời gian hoạt động dưới chế độ Mỹ - ngụy Sài Gòn, ông từng 5 lần bị bắt giam, song trước sau như nhất, ông vẫn kiên định con đường, mục tiêu đã lựa chọn là cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp văn học, văn hóa dân tộc. Dù dưới sự kiểm duyệt về tư tưởng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, các tác phẩm của ông thể hiện tinh thần đấu tranh chống văn hóa nô dịch, gìn giữ hồn cốt văn hóa dân tộc, tập hợp lực lượng các nhà văn yêu nước. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, ông làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh giai đoạn từ 1975 - 1985.

Vũ Hạnh - người đề cao thiên chức nhà văn

Vũ Hạnh nhận thức rất sâu sắc về thiên chức của người cầm bút, vì vậy, ông còn góp phần định hướng cho nền văn nghệ miền Nam theo quan điểm tiến bộ, cổ vũ cuộc đấu tranh của nhân dân, bảo vệ nền văn hóa dân tộc. Nhiều tác phẩm, hình tượng, luận điểm của ông đã thể hiện thái độ, lập trường nhằm ngợi ca thiên lương, tính nhân văn, dân tộc tính; ngược lại, ông phê phán mạnh mẽ lối văn nghệ xa rời cuộc sống, ngợi ca sự chán trường, lối sống hưởng lạc, suy đồi… của một bộ phận văn nghệ sĩ đương thời.

 
Ông giao lưu với bạn đọc.

Điều này thể hiện rõ qua truyện ngắn Bút máu (viết năm 1958, sau này được Vũ Hạnh lấy làm tên tập truyện ngắn Bút máu), chúng ta có thể coi đây như là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn.

Tác giả kể chuyện xưa để nói nay, để phê phán, cảnh tỉnh những nhà văn dùng ngòi bút vì danh lợi, vì lạc thú mà quên đi thiên chức. Cũng như nhân vật Sinh, một văn sĩ dùng ngòi bút để tiếp tay cho tội ác, “gợi cho người ta vật dục mà quên ái tình, khêu gợi cho thiên hạ tiếc điều tai lợi mà xa đạo nghĩa... đem sự phù phiếm thay cho thực dụng, lấy việc thiển cận quên điều sâu xa, xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô đạo?”. Cuối cùng, Sinh đã nhận ra “tội ác văn chương” của mình, đã cảm nhận được những “oan hồn của người đã khuất hiện về chứng kiến cho những giọt lệ chảy ra từ một tấm lòng hối hận chân thành”. Đó cũng là mong muốn của nhà văn Vũ Hạnh, ông phê phán để mà cảnh tỉnh những người lầm đường, lạc lối trở về đúng thiên chức của nhà văn. Đó cũng là niềm tin của ông vào bản chất thiên lương, cao quý của người Việt và văn Việt.

Vĩnh biệt ông, một tài năng đa diện, một nhà văn - chiến sĩ, một người hết lòng đề cao thiên chức ngòi bút.

VŨ ĐÌNH ANH