Quê hương và nỗi nhớ

PHẠM QUỐC TOÀN 01/08/2021 06:58

“Gió miền lục bát” (NXB Hội Nhà văn, 2021) là tập thơ thứ 11 kể từ khi Vạn Lộc xuất bản tập thơ đầu tiên “Chút riêng tư” (NXB Đà Nẵng, 1997). Ngần ấy thời gian, với 11 tập thơ, Vạn Lộc có không dưới 50 bài viết về quê hương xứ Quảng, về đất và người Duy Xuyên - Thu Bồn, dễ thấy Vạn Lộc yêu quê hương bằng cách riêng có và dễ tìm được sự đồng điệu ở bạn đọc.

Bìa tập thơ “Gió miền lục bát”.
Bìa tập thơ “Gió miền lục bát”.

Cuộc đời và những vần thơ của Vạn Lộc luôn gắn bó với những dòng sông quê - một cõi đi về đầy thương nhớ: “Thu Bồn vẫn một dòng trôi/Mà biêng biếc, mà bồi hồi sông quê/Lở bồi, mưa nắng triền đê/Trăm năm cõi ấy lối về hồn nhau...” (Xin về hát giữa mùa xuân quê mình).

Trong một lần khác, từ sông Hàn, Đà Nẵng về sông Bồ, để từ đó về thủ đô Hà Nội dự hội thơ cùng các thi nhân, Vạn Lộc vẫn một dạ thắc thỏm nhớ về quê hương, bãi dâu nong tằm kéo kén: “Biển dâu óng mượt, óng tằm tơ/Bãi bồi xanh bắp trổ cờ đợi ai/Quảng Nam núi thẳm, sông dài/Ngược nguồn cùng nắng ban mai về nguồn” (“Đá Dừng ơi, Hòn Kẽm ơi).

Nhà thơ Vạn Lộc tên thật là Võ Thị Hội, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật TP.Đà Nẵng; hội viên thơ Đường luật UNESCO Việt Nam. Cuộc đời nhà thơ Vạn Lộc ẩn chứa những hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam thủy chung, trung hậu, đam đang.

Vạn Lộc với triết lý: Cuộc đời hãy cho, không bao giờ nghĩ đến nhận, thấy người khó mà không sẻ chia, giúp đỡ coi như chưa biết làm người. Trong đời thường, Vạn Lộc ăn chay trường, đọc sách Phật, học Thiền. Có lẽ vì vậy mà triết lý nhà Phật đi vào thi ca của Vạn Lộc tươi mới, da diết, từ tâm, buông bỏ, ẩn chứa ý tứ sâu xa: “Ta ngồi tụng một đức tin/Thấy gỗ thấy đá nổi chìm Phật môn/Bà la mật, Bát nhã hồn/Nghe vô lượng kiếp bể non luôn hồi”.

Đó cũng là tâm đức trong “Gió miền lục bát” của Vạn Lộc, như vọng lên tiếng chuông chùa gõ nhịp, cầu nguyện cho bao linh hồn rời cõi tạm: “Chắp tay tôi lạy cửa Thiền/Tỏ lòng cung kính đường lên Niết bàn/A di đà Phật - Lộc ban/Nhẹ nhàng trút bỏ bụi trần xưa sau…”.

Nhà thơ Vạn Lộc mang trong mình dòng máu của quê hương xứ Quảng. Chị vẫn nguyện mong, luôn nhắc nhở con cháu, người thân, bạn bè hãy từ tâm, làm thật nhiều điều tốt cho người, cho đời.

Tập thơ “Gió miền lục bát” như là tiếng lòng của Vạn Lộc về quê hương, đất nước, gia đình, bạn bè quyện chặt với tình yêu thiên nhiên sâu lắng. Nhà thơ Bằng Việt - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cảm nhận: “Thơ lục bát của Vạn Lộc là một thế giới thơ giàu khát vọng...”. 

Có thể coi “Gió miền lục bát” là một bước tiến của Vạn Lộc với chốn thơ mà chị đeo đuổi và suốt đời đa mang; là cuộc tự sự với chính mình để làm cho cuộc đời này càng thêm yêu, thêm đẹp, thêm thánh thiện.

PHẠM QUỐC TOÀN