Sách cho mùa Covid
(QNO) - Trong khi Covid-19 bùng phát và ngày càng lan rộng, nhiều tác giả và nhà xuất bản đã lặng lẽ viết và phát hành những cuốn sách liên quan đến loại dịch quái ác này.
Được viết bởi các tác giả chuyên và không chuyên, trong đó có những người là chuyên gia y tế, sách về Covid-19 trở nên đa dạng, tạo ra những góc nhìn khác nhau và đều rất đáng ngẫm ngợi. Kiến thức khoa học, kinh nghiệm về phòng chống dịch, những phúc trình từ các vùng tâm dịch, những sẻ chia nhân ái, yêu thương... mà loạt sách này mang lại trở thành nguồn năng lượng tích cực góp phần cùng cộng đồng phòng chống dịch...
Đa dạng sách Covid
Khi dịch Covid-19 đợt thứ 4 bùng phát, trên kệ của nhiều đơn vị phát hành sách (cả truyền thống và online) xuất hiện cuốn sách "Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể" (NXB Thế giới và Công ty Nhã Nam) của bác sĩ Ngô Đức Hùng. Cuốn sách được nhiều người đặt mua, nhanh chóng lọt vào top sách bán chạy, được nhiều bạn đọc cho rằng "sách dễ thương, dễ đọc, bổ ích và không kén độc giả".
Xuất hiện trước "Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể" chừng một tháng là cuốn "Thời kỳ hậu Corona luôn có cơ hội trong khủng hoảng". Sách này do dịch giả Trần Hoàng Sơn dịch từ cuốn "Post Corona" của doanh nhân - giáo sư kinh tế Scott Galloway, cũng do NXB Thế giới ấn hành qua liên kết với Saigon Books. Tuy có vẻ "khó gặm", song cuốn sách này vẫn được nhiều người tìm đọc, nhất là các doanh nhân, nhà quản trị xã hội và người quan tâm đến những vấn đề phát sinh trong và sau khủng hoảng.
Nhưng sách Covid được xuất bản nhiều nhất vẫn là trong và sau mùa dịch thứ 3. Trong đó, xuất hiện thuộc hàng sớm nhất và có số lượng phát hành nhiều nhất là tập sách tranh ký họa "Con đã về nhà - I'm home" (NXB Phụ nữ Việt Nam) của Tăng Quang. Đây là một ấn phẩm "lạ" bởi cách đặc tả sống động và chân thực cuộc sống bên trong khu cách ly thông qua hàng chục bức tranh ký họa được in kèm những câu chuyện kể ngắn gọn và súc tích.
Mảng sách về kiến thức, kỹ năng được chú ý với cuốn "Đại dịch tim không đập thình thịch - Corona: từ A-Z" của bác sĩ Trương Hữu Khanh (NXB Văn hóa văn nghệ liên kết cùng ANBooks). Ngoài ra còn có thể kể thêm "Hỏi - đáp về chủng virus Corona mới 2019" của tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Xuân Hưng (Ehomebooks phát hành bản ebook miễn phí) và ấn phẩm quà tặng "Cẩm nang phòng bệnh mùa virus" (nhiều tác giả) của Công ty CP Xuất bản và dữ liệu ETS.
Tưởng rất khó dự phần hoặc có thể dự phần nhưng phải chậm hơn rất nhiều, nhưng rồi thật ngạc nhiên, mảng sách văn học về Covid-19 lại xuất hiện nhiều ấn phẩm từ khá sớm. Trong đó, sách dạng ghi chép, nhật ký là chủ yếu: "Đi qua hai mùa dịch" (Dy Khoa - NXB Văn hóa văn nghệ), "Thiên đường và địa ngục" (Đinh Hồng Hải - NXB Văn hóa văn nghệ), "Nhật ký mùa dịch" (sách ebook nhiều tác giả, Công ty CP Sách Alpha), "Mắc kẹt" - 122 ngày mắc kẹt ở Mỹ vì Covid-19 (Phương Thu Thủy - NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh), "Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái" (Iris Lê - NXB Văn hóa văn nghệ)...
Đáng ngạc nhiên hơn là sách văn học về dịch bệnh Covid-19 còn có cả truyện dài ("Tình người cách ly" - Từ Nguyên Thạch, NXB Hội Nhà văn) và tiểu thuyết ("Những ngày cách ly" - Bùi Quang Thắng, NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh).
Truyền năng lượng tích cực
Trong lúc này, khi mà nhiều địa phương trong nước đang gấp rút tìm mọi cách để đưa người dân của mình - nhất là người già, phụ nữ, trẻ em, người nghèo... rời khỏi các vùng tâm dịch phía Nam về quê, thông điệp mà cuốn sách tranh "Con đã về nhà - I'm home" của Tăng Quang càng trở nên tha thiết hơn bao giờ hết.
Với Tăng Quang, sống trong khu cách ly không phải là một điều kinh khủng, đáng sợ. Ngược lại, đó cũng là một "ngôi nhà" đầy yêu thương: "Hai tuần cách ly giúp chúng con thấu hiểu rằng chúng ta luôn có nhiều hơn một Mái Nhà, nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón, chân thành yêu thương và cùng chung bước đi qua những thăng trầm cuộc sống".
Bằng cách cung cấp những kiến thức cơ bản về dịch bệnh Covid-19 và kinh nghiệm sống chung với dịch, được thể hiện sinh động, giản dị, dễ hiểu, cuốn "Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể" của bác sĩ Ngô Đức Hùng còn chuyển tải những câu chuyện có thật, đầy nhân văn được nhặt nhạnh trong 3 mùa dịch trước. Thông điệp mà cuốn sách này chuyển tải đến mọi người không gì khác hơn là hãy bình tĩnh nhận diện dịch Covid-19 để sống chung và chiến thắng nó.
Tiếp cận và trình bày quan điểm, nhận thức bằng hai phạm trù đối lập, trong "Thiên đường và địa ngục", Đinh Hồng Hải chỉ ra căn nguyên của các thảm họa, dịch bệnh nói chung, trong đó có dịch bệnh Covid-19. Qua đó, tác giả kêu gọi, trao gửi niềm tin, rằng bệnh tật sẽ bị đánh bại khi con người thay đổi, có thái độ sống, cách sống đúng mực và phù hợp.
Đúng như tên gọi, "Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái" của Iris Lê đã chỉ ra và khơi lên niềm hy vọng, tình yêu thương, sự sẻ chia, đùm bọc... giữa con người với nhau ngay trong hoạn nạn. Cũng với niềm tin vào khả năng chiến thắng của con người trước thảm họa, từ trong tâm điểm của dịch bệnh Covid-19 với các nguy cơ khủng khiếp luôn rình rập, thay vì bị quan, Dy Khoa nhắn nhủ mọi người bình tĩnh và hãy tin rằng những hiểm nguy ấy làm ta trưởng thành hơn.