Đi tìm "Cái đẹp cứu rỗi" với “Tội ác và trừng phạt”

LÊ TUYẾT NHI (lớp 11 chuyên Văn trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông, Quảng Nam) 24/07/2021 20:36

(QNO) - Tiếp cận những tác phẩm văn học kinh điển để có cách viết khác, một trải nghiệm khác là một thử thách không nhỏ. Lê Tuyết Nhi, học sinh lớp 11 chuyên Văn Trường THPT chuyên Lê Thánh Thông đã đặt mình trong thử thách đó với một cuốn sách hoàn toàn không dễ đọc. Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả cuộc thi Cùng đọc sách tuần này.

-----------------------

 
Một ngày tâm hồn nổi giông bão, tôi tìm đến "Tội ác và trừng phạt" như tìm đến một cú kích cho trái tim, một sự cứu vớt tinh thần. 

Dostoyevsky không phải cái tên xa lạ. Tôi biết đến ông qua những trăn trở - người cả đời mang một suy tư, mà những băn khoăn khi thốt lên đã không còn là bài toán của riêng ông: "Con người là một bí ẩn. Tôi vật vã với nó, vì tôi muốn làm người". Nỗi trăn trở ấy như một hấp lực kéo ta vào vòng xoáy của thế giới do ông tạo ra. Người đọc không đứng bên lề chuỗi sự kiện kia và bước vào trang giấy mà sống cùng nó.

Câu chuyện xoay quanh Rodion Romanovich Raskolnikov, một sinh viên nghỉ học vì thiếu tiền đã giết hai người chỉ trong một đêm. Người thanh niên ám ảnh cái thuyết anh hùng giả biện của mình, một giấc mộng Bonaparte, mà đôi lúc nghĩ lại, hình như mình "chỉ là một con rận" mà thôi.

Sức nặng của tội ác đè bẹp tâm hồn Raskolnikov, đẩy anh vào tình trạng bệnh hoạn nặng nề. Chạy trốn những khủng hoảng tinh thần, Raskolnikov có dịp gặp gỡ nhà Marmeladov, đặc biệt Sonya, cô gái bán thân để nuôi gia đình. Họ dành cho nhau một niềm trân trọng lớn. Ít lâu sau, Porfiri, điều tra viên sau khi tìm được bằng chứng kết tội đã khuyên anh tự thú.

Raskolnikov không đủ can đảm, việc đối mặt với nó cần nhiều bản lĩnh hơn anh tưởng. Nhưng ngay khoảnh khắc sắp sửa chạy trốn, anh gặp Sonya. Một phút chạm mắt thôi, đủ để buông bỏ tất cả. Hath kol. Anh đã để cô gái nhà trời hát về sự thật. Raskolnikov đi đày biệt xứ ở Siberia trong tám năm, với sự chăm sóc của Sonya. "Nó có thể làm thành đề tài cho một chuyện kể mới. Còn như câu chuyện chúng tôi hiện đang kể thì đến đây là hết". 

Thiên tự sự có thể chia làm hai phiến đoạn chính: tội ác và trừng phạt, như cái tên của nó. Tuy nhiên, giữa chúng có một sự vênh lệch, tạo nên bi kịch không cân xứng cho tinh thần. Tội ác chỉ trên dưới mười chương. Phần còn lại nhân vật phải vác thập tự mà đền bù. Bởi không nơi đâu người ta cảm thấy lỗi tội và thân phận mình hiện ra gồ ghề, góc cạnh một cách trần trụi và gớm ghiếc như khi đối diện với tòa án lương tâm.

Chính cuộc hành xác về tinh thần kia khơi dậy trong ta một năng lực thấu cảm lạ lùng: xót xa cho kẻ sát nhân. Ta nhận ra cái đau khổ ghê gớm tội phạm phải chịu khi kẻ ấy còn có giá trị phản tư. Dostoyevsky đã chọc thủng bầu khí của định kiến để "cố tìm mà hiểu" con người. Một cuộc đại giải phẫu.

Nhà văn đào sâu vào tâm lý nhân vật đến nỗi trong cõi sâu xa ấy ta bắt gặp một cái gì đó có dính dáng đến mình. Một con người nhị nguyên, đa ngã. Ở đấy, phần con sống chung với phần người, và tên tội đồ đôi khi chỉ là định danh cho bậc thánh nhân. Cảm thức về sự khốn khổ của loài người vờn đi vờn lại trong tâm trí, sống bình thường cũng rất khốc liệt. 

Không chỉ Raskolnikov, Sonya cũng là đại diện cho nỗi khổ đau ấy. Nếu không, sao Raskolnikov phải thốt lên: "Không phải tôi cúi lạy em, tôi cúi lạy trước sự thống khổ của loài người"? Cuộc đời đó thâu tóm mọi cuộc đời, tạo nên chiều sâu trong việc phản ánh. Họ nhỏ bé và khốn khổ. Không có văn chương, không có những cây bút cưu mang ấy, một bộ phận xã hội đã phải “mồ côi”. 

Chính Dostoyevsky bảo: "Thế gian là nơi tẩy tội của những linh hồn thiên giới mờ đục đi do tư tưởng tội lỗi". Theo dòng tư niệm ấy, những chặng đường Raskolnikov phải trải qua cũng là một sự thanh lọc, gột rửa, là tự vùi lấp để rồi tái sinh.

Tội ác và trừng phạt hay lỡ lầm và trả giá, đó là một vấn đề. Có thể cả hai. Nhưng có hề gì, suy cho cùng, tôi được cứu rỗi về tinh thần. Dostoyevsky, ông đã đúng, "cái đẹp cứu rỗi nhân loại". Mong một ngày giông bão, bạn cũng tìm đến được sự thanh thản sau khi chứng kiến những tao đoạn khổ đau của con người. 

-------------------

Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử. 

Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giao-duc/to-chuc-cuoc-thi-cung-doc-sach-tren-bao-quang-nam-dien-tu-111333.html

LÊ TUYẾT NHI (lớp 11 chuyên Văn trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông, Quảng Nam)