Điều đọng lại ở “Mây trời bay mãi”
Sau tập tản văn “Mưa phía quê nhà” do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2015, Hoàng Cúc lại cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn “Mây trời bay mãi” (NXB Văn học - 2020). Tập truyện gồm 15 truyện xinh xắn, in trên giấy kem vàng, bìa vẽ giản đơn nhưng trang nhã, sang trọng.
Đọc xong truyện “Mây trời bay mãi” được tác giả chọn đặt tên cho cả tập truyện, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi văn phong nhẹ nhàng với lối kể chuyện dung dị và có duyên.
Hẳn nhiên, sau đó tôi đọc một mạch cho đến trang cuối cùng tập truyện của tác giả quê xứ Quảng hiện sống và làm việc nơi đất Bắc. Chủ đề chính của tập truyện “Mây trời bay mãi” viết về cuộc sống người dân miền biển quê nhà tác giả, về tình làng nghĩa xóm ở nông thôn, về tình bạn tình yêu của những người trẻ tuổi thiếu may mắn.
Hoàng Cúc viết văn nhẹ nhàng như không, câu văn trong sáng và giàu biểu cảm, giàu hình ảnh. Và quan trọng hơn, mỗi trang văn Hoàng Cúc luôn lấp lánh tình người tình đời.
Tôi thấy mắt mình tự dưng rưng rưng khi đọc truyện “Ngôi nhà cuối ngõ”. Một người mẹ sinh được hai con, một trai một gái thì chồng mất. Bà một tay nuôi hai con nhỏ. Khi lớn lên, người con trai tên Bình trước khi lên đường vào chiến trường Quảng Trị đã ngỏ lời yêu với cô gái cùng làng tên Tưởng. Và rồi anh ra đi mãi mãi không về.
Đất nước hòa bình thống nhất nhưng cô Tưởng vẫn ở vậy. Thời gian trôi qua, con gái lấy chồng xa, cô Tưởng sang nhà sống với người mẹ để đỡ đần sớm hôm, để làm bổn phận của một nàng dâu. Khi người mẹ qua đời, cô Tưởng chăm nom hương khói và sống với kỷ vật của người yêu gửi tặng ngày nào, đó là chiếc lược làm bằng xác máy bay Mỹ.
Cũng viết về tình yêu, các truyện “Nhớ một mùa hoa”, “Những mùa trăng đi qua”, “Ngoài kia dông gió”… dù những nhân vật có mất mát đớn đau nhưng bao trùm lên tất cả là sự ấm áp của tình người tình đời biết yêu thương san sẻ cho nhau. Có lẽ đó là điều khiến những trang văn trong tập truyện “Mây trời bay mãi” của Hoàng Cúc không làm cho người đọc bi quan yếm thế, ngược lại càng thêm yêu quê và những người dân quê thật thà chất phác.
Đặc biệt, Hoàng Cúc không ngại ngần phản ánh mặt trái xã hội với những tệ nạn đã và đang lây lan với những mức độ khác nhau, như truyện “Ăn cả… ngôi mộ”. Tôi có cảm giác cây bút Hoàng Cúc tỏ ra hoạt bát, sinh động và có tố chất hài hước khi viết về những chuyện “cười ra nước mắt”.
Nét khác lạ của cây bút Hoàng Cúc so với các tác giả cùng trang lứa là hầu hết các truyện trong tập “Mây trời bay mãi” đều có ít nhất ba nhân vật trở lên. Vì thế, không khí truyện sinh động, không gian truyện mở rộng, tránh được sự đơn điệu, nhàm chán. Tuy nhiên, do gò ép vì dung lượng nên thiếu sự tung tẩy cần thiết. Đấy là “cái ưu” đồng thời cũng là “cái nhược” của tác giả: Khắc họa nhân vật, nội tâm nhân vật chưa sâu, chưa sắc sảo để người đọc nhớ mãi.
Thêm nữa, tác giả còn có đôi chỗ nhầm lẫn giữa phương ngữ vùng miền này với vùng miền kia làm độc giả chưa ưng ý. Tỷ như dân quê biển xứ Quảng gọi thân sinh của mình bằng “cha” hoặc bằng “ba”, không ai gọi bằng “bố” (ngoại trừ dân xứ khác nhập cư sau này). Những hạt sạn ấy chỉ là tiểu tiết, khi tác giả “đọc lại mình” sẽ nhận ra và khắc phục ngay không khó. Tôi cho rằng, với tập truyện ngắn đầu tay “Mây trời bay mãi”, Hoàng Cúc đã bộc lộ là một cây bút trẻ đầy nội lực, có sở trường sở đoản trong nghề văn. Những đọng lại từ “Mây trời bay mãi” đã cho thấy điều đó…