Làng xã xưa Tam Kỳ

XUÂN HIỀN 10/07/2021 06:52

Một ấn phẩm mang tính sử liệu về làng xã xưa Tam Kỳ từ năm 1916 trở về trước sẽ được xuất bản. Đây là công trình mang tính chuyên biệt, khảo cứu về làng xã xưa của vùng đất phía nam Quảng Nam. 

Một góc không gian làng Hương Trà (khu vực Vườn Cừa, phường Hòa Hương) hiện đang thu hút sự chú ý của giới trẻ. Ảnh: Tường Vi
Một góc không gian làng Hương Trà (khu vực Vườn Cừa, phường Hòa Hương) hiện đang thu hút sự chú ý của giới trẻ. Ảnh: Tường Vi

Hệ thống hóa về làng xã Tam Kỳ

Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, đóng vai trò là một nguồn tư liệu có căn cứ, ấn phẩm “Làng xã xưa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam” được kỳ vọng sẽ góp phần lưu lại một số dấu tích vật thể của làng xã xưa có thể bị phai nhạt dần đi theo tốc độ phát triển của đô thị này.

“Ở vùng đất mà người xưa gọi là “biên địa” này rất ít xuất hiện trong chính sử, lại thêm thiên tai, chiến tranh và sự khắc nghiệt của thời gian đã làm nhòe mờ nhiều thứ. Riêng phần văn hóa - hành chính của thời kỳ Hà Đông với Tam Kỳ vẫn chưa thể phân định rõ ràng. Chính vì vậy, chúng tôi thống nhất với ban biên soạn chọn hướng tiếp cận, nghiên cứu về “bề nổi” của đời sống làng xã trước tiên. Đây là công trình khởi đầu về những giá trị vật thể của địa phương, làm tiền đề cho những công trình nghiên cứu tiếp theo.

Việc hệ thống các nguồn tư liệu, thư tịch có liên quan đến làng xã, con người ở địa phương không chỉ là công việc thiết thực giúp chính quyền và ngành văn hóa TP.Tam Kỳ khơi dậy và phát huy nội lực mà còn có ý nghĩa thiết thân với cộng đồng cư dân ở vùng đất này” - ông Nguyễn Hồng Lai nói. 

“Làng xã xưa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam” là đề tài do nhóm biên soạn bao gồm các tác giả Phú Bình Lê Đình Cương, Phạm Thông, Phú Thiện Ngô Đăng Khoa và Nguyễn Thị Vĩnh Linh thực hiện. Đây hẳn là những người “quen tên” với bạn đọc của Báo Quảng Nam thông qua các bài viết khá chuyên sâu mang tính sưu tầm điền dã, khảo cứu về các địa danh tại vùng đất cánh nam Quảng Nam.

Bản thảo ấn phẩm hơn 200 trang nội dung chia làm 6 phần: tổng quan về làng xã xưa trên địa bàn TP.Tam Kỳ; một số làng xã xưa; đình, miếu và một số lễ cúng tại đình, miếu của các làng xã xưa; một số nhân vật ở các làng xã xưa; một số nghề truyền thống và một số đặc điểm của làng xã xưa. Bên cạnh đó, nhóm biên soạn đã sưu tầm khá nhiều hình ảnh, dấu tích từ các văn bia, gia phả... tổng hợp, đối chiếu các nguồn tư liệu lịch sử để bước đầu biên soạn hệ thống hóa về làng xã Tam Kỳ trong giai đoạn lịch sử từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20.

Đại diện nhóm biên soạn chia sẻ, trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã tiếp cận được nhiều nguồn sử liệu đáng tin cậy, từ các bộ sách chính thống như “Đại Việt Sử ký toàn thư”, “Hồng Đức bản đồ”, “Đại Nam thực lục”, các công bố của nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương về danh sách làng xã của Phủ Tam Kỳ năm 1916 và bản đồ của Nha địa dư Đông Dương cho đến nguồn tư liệu chữ Nho từ các di tích, các gia đình, tộc họ...

Phát huy giá trị công trình

Ông Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam cho rằng, công trình đã khảo cứu về những ngôi làng cụ thể, có nhiều giá trị đặc trưng, thông qua tư liệu điền dã còn được lưu giữ ở các làng xã, gia tộc, dòng họ. “Từ đây gợi mở những hướng tiếp cận bảo tồn và phát huy di sản ký ức rất đáng quý cho Tam Kỳ, làm nên phần hồn đô thị từ quá khứ đến hiện tại và tương lai” - ông Nguyễn Hữu Đổng chia sẻ.

Với cách tiếp cận khá chỉn chu và kỹ lưỡng, nhóm biên soạn từng bước hình thành bức tranh về làng xã xưa Tam Kỳ từ những tư liệu di sản ký ức như các bản địa bạ ghi trong gia phả các tộc họ, địa chí làng xã, văn bia nhà thờ, đình miếu, di chỉ mộ phần các nhân vật là tiền hiền, thủy tổ các dòng họ... Cũng theo ông Nguyễn Hữu Đổng, công trình này có thể cung cấp sử liệu nền/ tư liệu nền cho nhiều đề tài nghiên cứu tiếp theo tham khảo về làng xã Tam Kỳ trong quá trình hình thành cùng vùng đất mang danh xưng Quảng Nam cách đây hơn nửa thiên niên kỷ. 

Tại cuộc hội thảo mới đây do TP.Tam Kỳ tổ chức, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vì công trình thuần mang tính tư liệu, do đó khá khô khan. Cùng với đó, do xác định ngay từ đầu là công trình khai thác các tư liệu mang tính chuyên khảo, góp phần làm cơ sở xác tín và phác thảo lại diện mạo của làng xã Tam Kỳ một cách khoa học, nên phần lớn các giá trị văn hóa phi vật thể chưa được mô tả nhiều.

Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VH-NT Quảng Nam khi cho rằng, nếu có điều kiện, cần làm sáng tỏ hơn các giá trị phi vật thể cùng song hành tồn tại với làng xã của Tam Kỳ để bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn. 

Ông Trình Mình Đức - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ chia sẻ, “Làng xã xưa trên địa bàn thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam” là đề tài mới và phong phú của vùng đất này.

“Trong quá trình đô thị hóa thì hồn cốt của vùng đất cần phải giữ. Do đó, tôi nghĩ nhóm biên soạn cần ghi nhận ý kiến bổ sung từ các lãnh đạo địa phương và nhà nghiên cứu nhiều nơi trước khi xuất bản. Ngoài ra, tiếp nối công trình này có thể nghiên cứu bổ sung các giá trị văn hóa phi vật thể tại các làng xã của TP.Tam Kỳ” - ông Trình Minh Đức nói. 

Nhiều hy vọng được đặt ra đối với công trình nghiên cứu này, từ việc “mở thông cánh cửa” về quá khứ của Tam Kỳ cho đến góp phần nhận chân những giá trị đặc sắc để từ đó có cách bảo tồn hợp lý trong quá trình đô thị hóa đang diễn tiến mạnh mẽ.

“Việc khảo tả qua tư liệu, sử liệu gốc có cơ sở xác tín, sẽ giúp mọi người nhận diện được những giá trị vật thể, từng làm nên diện mạo về làng xã xưa của Tam Kỳ. Và tập sách có thể giúp bạn đọc xa gần biết thêm ít nhiều về một trong những vùng đất có nhiều dấu ấn quan trọng ở phía nam của Quảng Nam xưa” - ông Nguyễn Hồng Lai nói thêm.

XUÂN HIỀN