Công trình chuyên khảo về “nhà Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân

VĂN NHÂN 28/06/2021 13:51

(QNO) - Tập sách “Nguyễn Văn Xuân - Những tìm tòi và diễn giải lịch sử” của nhóm tác giả Vũ Đình Anh và cộng sự vừa được xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà văn, học giả, nhà giáo Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2021). Đây là công trình hết sức ý nghĩa, kịp thời giới thiệu và khám phá một phần giá trị trong các “di sản chữ” của một danh nhân đất Quảng.

Tập sách “Nguyễn Văn Xuân - Những tìm tòi và diễn giải lịch sử”
Tập sách “Nguyễn Văn Xuân - Những tìm tòi và diễn giải lịch sử”. Ảnh: V.N

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân sinh ngày 10.5.1921 (năm Tân Dậu) tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, Điện Bàn. Ông là người có nhiều đóng góp cho các lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật, lịch sử, giáo dục… của quê hương xứ Quảng. Do đó, có thể gọi ông là nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa... Song, có một cách gọi khá phù hợp là “nhà Quảng Nam học” hay “nhà Quảng học”. Điều đó thể hiện sự ghi nhận đóng góp của ông cho quê hương, bởi những nhà văn, học giả xuất thân xứ Quảng cũng như nhà nghiên cứu về vùng đất này khá nhiều, nhưng để được vinh danh “nhà Quảng Nam học” là khá ít ỏi (dù chỉ là sự vinh danh tự phát).

Công trình “Nguyễn Văn Xuân - Những tìm tòi và diễn giải lịch sử” gây ấn tượng ngay từ trang bìa với gam màu thanh nhã, nhẹ nhàng, bức hình của nhà văn nổi lên giữa khung cảnh núi non trùng điệp, mặt hồ phẳng lặng. Giữa không gian ấy, hình ảnh 5 con chim sếu đang bay có thể gợi cho độc giả liên tưởng về vùng đất “Ngũ phụng tề phi” - nơi nhà văn “thụ thưởng được phù sa của miền đất ấy”.

Với một lối viết mạch lạc, dễ đọc, dung lượng vừa phải (295 trang), nhóm tác giả đã cố gắng lý giải và làm sáng tỏ hướng tiếp cận, quan điểm nghiên cứu, sáng tác lẫn các đóng góp của “nhà Quảng học”. Nội dung công trình nghiên cứu các chủ đề lịch sử - đó là chủ đề bao trùm nhất trong các tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân. Nhóm tác giả đã “góp phần phục dựng bức tranh tương đối bao quát về các tác phẩm của ông từ góc nhìn lịch sử”. Đây là hướng tiếp cận phù hợp nên đã khám phá được những nội dung sâu sắc, khơi gợi những dấu ấn quan trọng về tiến trình lịch sử dân tộc cũng như vùng đất xứ Quảng.

Ngoài lời giới thiệu sâu sắc, tinh tế của nhà nghiên cứu văn học, văn hóa Đỗ Lai Thúy và lời tựa, đôi nét về cuộc đời, sự nghiệp, công trình được chia thành hai phần với 18 bài viết. Đây là những bài viết vừa có tính độc lập đã được tác giả đăng trên nhiều tạp chí và một số nội dung thuộc đề tài khoa học “Tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân từ góc nhìn lịch sử”. Đúng như nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nhận định: “Hai phần này như hai nửa vầng trăng được các tác giả tạm thời chia đôi (để tiện bề nghiên cứu), nhưng chúng không ngừng ảnh xạ, phóng chiếu sang nhau vừa làm nổi sáng của từng nửa, vừa đảm bảo tính toàn vẹn của một quầng sáng”.

Nguyễn Văn Xuân (10/5/1921 - 04/7/2007) (Nguồn: Gia đình cố nhà văn)
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007). Ảnh gia đình cung cấp

Trong phần 1: Nguyễn Văn Xuân - Những tìm tòi và diễn giải sử học, nhóm tác giả khám phá các công trình nghiên cứu lịch sử của Nguyễn Văn Xuân về một số phong trào, sự kiện, nhân vật lịch sử xứ Quảng cũng như diễn trình văn nghệ dân tộc và một số cạnh khía trong lịch sử Việt Nam. Những tác phẩm tiêu biểu được đề cập như “Phong trào Duy tân”, “Khi những lưu dân trở lại”, “Vụ tai tiếng lớn nhất về ngoại thương Việt Nam giữa thế kỷ XVIII”, “Từ ngũ phụng tề phi đến ngũ phụng bất tề phi”… Nhóm tác giả không nhằm miêu tả sự kiện, mà chú ý khám phá những phát hiện của “nhà Quảng học” về tư duy phản biện, sự công tâm khi nhìn nhận, phân tích hay đánh giá một vấn đề thuộc về quá khứ; hoặc rút ra những bài học, những gợi mở từ lịch sử cho sự phát triển của đất nước hôm nay.

Trong phần 2: Nguyễn Văn Xuân - Những tìm tòi và diễn giải hư cấu lịch sử, nhóm tác giả tìm hiểu về những hư cấu lịch sử của ông như hai tập truyện ngắn “Dịch cát” (1966), “Hương máu” (1969), hai tiểu thuyết “Bão rừng” (1957), “Kỳ nữ họ Tống” (2002) và một số truyện ngắn khác. Một mặt các tác giả tìm hiểu các bối cảnh, sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan… nhưng mối quan tâm chính là phát hiện các giá trị đạo đức, lối sống, nhân cách, sự lựa chọn của các nhân vật ấy - đó cũng chính là tâm huyết của Nguyễn Văn Xuân. Qua đó, nhóm tác giả khẳng định những đóng góp và dấu ấn, những suy tư và trăn trở của nhà văn về vấn đề thành con người tự do, bản lĩnh, có nhân cách tốt đẹp.

Đặc biệt, từ góc nhìn lịch sử, nhóm tác giả luôn đặt các tác phẩm, các vấn đề Nguyễn Văn Xuân nêu ra trong mối tương quan, đối sánh với những vấn đề đương đại của đất nước như: canh tân đổi mới, cải cách giáo dục, đại dịch Covid-19, thói hư tật xấu người Việt… Qua đó để khẳng định Nguyễn Văn Xuân “không chỉ chịu khó tìm tòi, luôn công tâm, ngay thẳng, uyên bác, sắc sảo trong tư duy phản biện mà còn luôn khao khát đổi mới, cách tân nhằm đưa đất nước phát triển”.

Cuối năm 2020, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã cho ra mắt bộ “Nguyễn Văn Xuân toàn tập” (7 tập với gần 4.000 trang khổ lớn) dày dặn và công phu. Và nay, tập sách “Nguyễn Văn Xuân - Những tìm tòi và diễn giải lịch sử” là công trình chuyên khảo đầu tiên về “nhà Quảng Nam học”. Qua những công trình đó, người đọc phần nào có một cái nhìn tương đối toàn diện về “những di sản quý” của nhà văn xứ Quảng để lại.

Đúng như nhà văn Nguyên Ngọc nhận định, Nguyễn Văn Xuân là “một trong những tượng đài văn hóa của xứ Quảng, trân trọng góp cùng văn học và văn hóa dân tộc”. Hay như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng khẳng định, các tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân “đều là những di sản quý, có ích cho chúng ta, cho hậu thế”.

VĂN NHÂN