Dấu ấn truyện đồng thoại Võ Quảng
(QNO) - Tinh thông chữ nghĩa, hiểu biết sâu rộng, là dịch giả đầu tiên đưa “Don Quijote xứ Mancha” đến với bạn đọc Việt Nam - nhà văn xứ Quảng - Võ Quảng lại vô cùng gần gũi với lứa tuổi thiếu nhi.
Bằng cái nhìn mực thước, cảm quan của một người say mê đọc sách, thầy giáo Phạm Tuấn Vũ chia sẻ với cuộc thi "Cùng đọc sách" bài giới thiệu khá thú vị.
..........................................
Đôi khi người lớn đọc truyện thiếu nhi lại bắt gặp những điều thú vị. Càng sung sướng hơn khi đó là tác phẩm của một nhà văn nổi tiếng của quê hương mình. Tôi đã có được trọn vẹn niềm hân hoan ấy khi đọc cuốn Truyện đồng thoại Võ Quảng - Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng (1920-2020).
Đọc Truyện đồng thoại Võ Quảng, tôi lập tức bị chinh phục. Lâu nay, tôi vốn ít đọc truyện thiếu nhi và có định kiến là truyện viết cho trẻ em thường đơn giản, bài học giáo dục bao giờ cũng hiển lộ rõ ràng. Nhưng Truyện đồng thoại Võ Quảng đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi.
Truyện của Võ Quảng trong trẻo, đầy chất thơ với nhiều thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc. Ông thường kể những câu chuyện giản dị, về những con vật, đồ vật gần gũi, thân quen nhưng luôn ẩn chứa nhiều triết lý sâu xa mà ở đó, cả trẻ em lẫn người lớn đều có thể tự trải nghiệm và nhận cho mình những điều ý nghĩa.
Hai mươi mốt truyện trong tập sách là những câu chuyện thú vị với nhiều tình tiết hấp dẫn, kết thúc bất ngờ. Nhiều truyện được viết theo mô típ giải thích hiện tượng của truyện dân gian chắc chắn sẽ khiến độc giả thích thú.
Vì sao loài mèo lại thích “tắm khô”, cút lủi phải ở bờ ở bụi, mắt cá giếc đỏ hoe, cá rô trên mình có những chấm lốm đốm, lưỡi của thỏ bị rách một tí, mai rùa có nhiều vân, vì sao chèo bẻo lại đánh quạ để bảo vệ tổ chim cu, tiếng hú của vượn nghe buồn buồn, ấm ức… tất cả đều được giải thích một cách hợp lý và cũng thật đáng yêu.
Nhưng không dừng lại ở việc giải thích các hiện tượng, đồng thoại của Võ Quảng còn mang đến cho bạn đọc những câu chuyện giàu chất nhân văn. Truyện về loài vật, đồ vật nhưng lấp lánh tình người, mang nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Đọc truyện của ông, ta gặp những câu chuyện đẹp về tình anh em (Chuyến đi thứ hai), về tình bạn (Mắt giếc đỏ hoe, Trong một hồ nước, Mèo tắm), tình đoàn kết (Những chiếc áo ấm, Thêm sức chiến đấu), về sự lương thiện và lòng kiên định (Trai và Ốc Gai)... Truyện của ông đề cao giá trị của sức lao động (Hòn đá, Con đường hẹp, Ngày tết của Trâu Xe, Đò ngang), của tính kỷ luật trong cuộc sống (Trăng thức)…
Trong truyện Võ Quảng còn có các nhân vật phản diện với nhiều tính xấu như Ốc Gai thâm độc (Trai và Ốc Gai), Hổ gian ác (Sự tích cái vằn), Cáo ranh ma (Thêm sức chiến đấu, Đêm biểu diễn). Tuy nhiên, nhà văn không tô đậm cái ác, không chọn kết thúc quá khốc liệt. Truyện của ông chính là bài ca về cái đẹp, lòng tốt ở đời.
Tác phẩm còn khiến tôi yêu thích ở lối hành văn trong sáng, ngôn từ gợi cảm, giàu hình ảnh với nhiều phép so sánh, từ láy, tính từ được nhà văn sử dụng một cách linh hoạt, tài tình. Sách khổ khá lớn, chữ in rõ, dễ đọc. Sách có nhiều tranh minh họa dễ thương, ngộ nghĩnh. Cầm Truyện đồng thoại Võ Quảng trên tay, chắc chắn bạn sẽ… “yêu từ cái nhìn đầu tiên”.
Tác giả Võ Quảng (1920-2007) quê ở xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, là tác giả lớn của nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Truyện đồng thoại là một thành tựu quan trọng trong sự nghiệp văn học của Võ Quảng. Truyện đồng thoại Võ Quảng là cuốn sách tập hợp những truyện đồng thoại tiêu biểu của ông. Đây là tập sách mà tôi cảm thấy yêu quý, hạnh phúc khi được đọc và đặt trên kệ sách của mình. Và tôi tin chắc bạn cũng sẽ như vậy!
----------------------
Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử.
Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giao-duc/to-chuc-cuoc-thi-cung-doc-sach-tren-bao-quang-nam-dien-tu-111333.html