“Báo chí đồng hành với Quảng Nam trên chặng đường phát triển”
(QNO) - Đó là ấn phẩm vừa được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam xuất bản và phát hành. Ấn phẩm được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021), 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2021); đồng thời góp phần thông tin, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
1. Nhìn vào trang bìa, mọi người dễ dàng nhận thấy một thước phim với một số hình ảnh nhà báo tác nghiệp, một ống kính của máy ảnh và logo của tỉnh Quảng Nam. Ống kính được hiểu, không chỉ là phương tiện tác nghiệp của các nhà báo, nhà nghiên cứu... mà còn ẩn phía sau nó là góc nhìn về quá khứ - nghĩ về cái hiện tại và hướng tới một tương lai tươi sáng của mảnh đất và con người Quảng Nam.
Không chỉ vậy, tác giả còn muốn chuyển một thông điệp về tính chất hoạt động của nghề làm báo. Đó là một nghề rất đặc thù, rất khó khăn, vất vả và đầy áp lực, nhiều khi còn phải đối diện với hiểm nguy. Để có được tác phẩm báo chí “đúng - trúng - hay” họ phải “lên rừng, xuống biển”, chắt chiu từng con chữ, hình ảnh... để cho ra đời “những đứa con tinh thần” đẹp nhất, ý nghĩa nhất cho cuộc sống, cho quê hương Quảng Nam.
Còn các kẻ sọc với các màu khác nhau ở phía bên trái bìa sách, đó là những con đường rộng mở với gam màu tươi sáng của quê hương Quảng Nam trong thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập, phát triển. Năm màu chủ đạo ở đây là màu tượng trưng cho 5 châu trên thế giới tham gia các kỳ Olympic. Màu đen - châu Phi, màu đỏ - châu Mỹ, màu xanh - châu Âu, màu vàng - châu Á, màu lục - châu Đại Dương. Nếu tính thêm một đường sọc nhỏ màu trắng được kết hợp lại tượng trưng cho màu của tất cả lá cờ trên thế giới, vì cờ của bất cứ quốc gia nào cũng có ít nhất một trong 6 màu trên.
2. Trở lại tiêu đề của tập sách là: “Báo chí đồng hành với Quảng Nam trên chặng đường phát triển” ở vị trí trung tâm của bìa sách cũng chính là điểm nhấn hoàn hảo của trang bìa, nó vừa tạo sự mềm mại, cân đối về bố cục, vừa chuyển tải thông điệp: Đồng hành để tiến về phía trước! Đồng hành vì mục tiêu phát triển của Quảng Nam.
Ấn phẩm là sự tập hợp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và là tấm lòng của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, những người làm báo hướng về Quảng Nam với tất cả niềm tin yêu và hy vọng. Hy vọng một Quảng Nam đổi mới, phát triển và tỏa sáng, nhằm góp một phần phục vụ công tác nghiên cứu, tham khảo của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh.
Đọc ấn phẩm chúng ta thấy bố cục gồm 2 phần khá rõ rệt. Phần thứ nhất “Kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam(1471 - 2021)” gồm những bài viết, bài nghiên cứu về truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng đất Quảng Nam - 550 năm kể từ khi vị vua anh minh Lê Thánh Tông đặt tên cho đạo Thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt - Thừa tuyên Quảng Nam.
Phần này với sự cộng tác của giáo sư sử học Lê Văn Lan, PGS-TS. Ngô Văn Minh - Học viện Chính trị khu vực III, TS. Hoàng Thân - Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông... Qua đó giúp chúng ta có được cái nhìn rõ hơn tầm nhìn của tiền nhân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng đất Quảng Nam trong quá trình mở cõi, cũng như những đóng góp của đất và người Quảng Nam trong suốt 550 năm hành trình cùng lịch sử dân tộc.
Như lời PGS-TS. Ngô Văn Minh: “Quảng Nam - Những dấu ấn trong tiến trình lịch sử 550 năm... Đó là hành trình mở của một vùng đất mở… Với từng thời kỳ lịch sử, cuộc hành trình đó đã để lại những dấu ấn đặc biệt không chỉ đối với Quảng Nam mà còn là sự đóng góp vào dòng chảy chung của lịch sử dân tộc”.
Phần thứ hai “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống” gồm những bài viết, đồng thời cũng là những đề xuất, hiến kế vì một Quảng Nam phát triển với sự cộng tác của nhiều nhà báo nổi tiếng là người con vùng đất Quảng Nam đang sinh sống, công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc như Hồ Duy Lệ, Lê Hoàng Linh, Nguyễn Bá Thâm, Lê Anh Dũng, Lê Hoàng, Lê Minh Hùng, Trương Vũ Quỳnh, Hứa Văn Đông, Đỗ Vinh… Tất cả đều với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, hiến kế góp một phần vì một Quảng Nam đổi mới, phát triển và tỏa sáng.
Nhà báo Lê Hoàng - đang công tác tại TP.Hồ Chí Minh thì tâm sự: “… là người con của quê hương Quảng Nam, nhưng vì điều kiện công tác, sinh hoạt, tôi cũng đã xa quê quá lâu. Nhưng trong tôi quê hương luôn gần gũi, thân thiết. Tôi luôn dõi theo và rất đáng mừng là quê hương mình đã đổi thay rất nhiều, nhất là các thành tựu về kinh tế - xã hội, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày một nâng lên. Mừng lắm!”.
Xen giữa 2 phần, tác giả - Ban biên tập đã khéo léo đưa vào những hình ảnh về thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, mảnh đất và con người Quảng Nam của các tác giả Mai Thành Chương, Đăng Khoa, Trần Tấn Vịnh, Xuân Đạt với thông điệp “Mỗi bức ảnh là một thông điệp về du lịch Quảng Nam”.
Lật từng trang sách, xem từng khuôn hình chắc lẽ trong chúng ta, không ai không tự hào về “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đà say/ Bạn về nằm nghĩ gác tay/ Có nơi mô ơn trượng nghĩa dày cho bằng đây”, tự hào về vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú của đất nước.