Dệt cung trầm giữa phố

ĐẶNG TRƯƠNG 06/06/2021 06:32

Thầy giáo, dịch giả, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Chiến là người con của đất Tam Kỳ. Thuở nhỏ vì say mê thanh âm bình dị từ tiếng mưa rơi, gió thoảng mà tìm đến âm nhạc. Để rồi quá nửa đời người, những rung động hoa niên bật lên thành giai điệu, được anh tích góp vào “Cung trầm” đầy hoài niệm.

Huỳnh Ngọc Chiến.
Huỳnh Ngọc Chiến.

Những ngày cuối cùng trên cõi tạm, anh đã đặt sẵn cuộc hẹn với nhân gian bằng “lời cuối”, rằng khi anh về cát bụi, hãy đến bằng lòng bình lặng, uống ly cà phê và cùng nói về những điều đẹp đẽ…

Thanh âm kỳ diệu

“Nào biết lòng tôi đã yêu ai/ Lao xao nắng rụng phiến vai gầy/ Em theo con nước xuôi biền biệt/ Tôi ngồi buồn nhìn hoa  sưa bay…”. Những cung bậc tình cảm, những yêu thương nhung nhớ tuổi thần tiên ngày nào dù là năm tháng xa xôi vẫn hằn sâu trong tâm tưởng Huỳnh Ngọc Chiến.

Như một thứ men say dẫn dụ anh lang thang đi tìm hình bóng của mình trong thế giới thanh âm đầy huyền diệu. Chính niềm đam mê này mà cho mãi đến bây giờ, “gia tài” được anh trân trọng và nâng niu nhất chính là chiếc máy đĩa than với những dòng âm thanh đủ sức làm tâm hồn người nghe thổn thức với bao yêu thương.

Anh từng nói: “Đối với tôi, âm thanh có một sức quyến rũ kỳ lạ. Hồi bé nhà tôi ở quê, mỗi lần trời mưa, nghe giọt nước mưa rơi trên tàu chuối hay rớt từ mái tranh xuống thùng nước, tiếng gió ban đêm… đã tạo nên âm thanh rất lạ lùng. Lên 5, 6 tuổi, tôi bắt đầu say mê tập đàn và tập chơi guitar. Do đó phải nói rằng, âm thanh có một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời của tôi…”.

Huỳnh Ngọc Chiến bảo rằng, cuộc đời anh xuất thân từ một nhà giáo, có nhiều năm gắn bó với phấn trắng, bảng đen trên chính quê hương Tam Kỳ, rồi khi ly hương thì làm báo, viết văn, biên khảo, dịch thuật… Thế nhưng, duy ký ức hoa niên đầy nhung nhớ thuở sưa vàng luôn thôi thúc anh đi tìm lại mình trong âm nhạc. Có lẽ vì thế mà những ca khúc đầu tay của anh từ “Ngồi lại với nhau”, “Hương chia phôi” cho đến “Một thuở sưa vàng”… đều mang âm hưởng hoài vọng.

Huỳnh Ngọc Chiến là một người đa tài. Những công trình biên khảo, dịch thuật, những tác phẩm văn học, báo chí, Phật học… của anh được giới nghiên cứu đánh giá cao về giá trị nghệ thuật và luôn đi sát với nguyên tác bằng chính nỗ lực chữ nghĩa của anh.

Sau này khi tuổi ngoài sáu mươi, nhưng mật độ làm việc của anh khá dày đặc với nhiều đơn đặt hàng của các nhà xuất bản, cùng với đó là thời gian cho thơ, lang thang cùng chữ nghĩa ở địa hạt tùy bút, tản văn… Nhưng điều mà anh khiến nhiều người ta ngạc nhiên, dù bận rộn nhưng anh vẫn dành cho mình một không gian yên tĩnh, một khoảng lặng tâm hồn để phiêu du cùng âm nhạc.

Gọi tên ký ức

Đam mê âm nhạc, Huỳnh Ngọc Chiến đã ra mắt một tập ca khúc gồm 16 bài hát của mình với tên gọi “Cung trầm”. “Cung trầm” cũng là tên một bài hát trong tập này được anh viết từ khá lâu và được bạn bè yêu thích mỗi lần có dịp ngồi lại với nhau. Những ca khúc như “Cung trầm”, “Đêm trăng khơi”, “Hằng xưa”, “Hương chia phôi”, “Mối tình lãng quên”, “Hoa tâm khúc” hay “Xanh lại tình tôi”, “Một thuở sưa vàng”… đã thực sự mang dấu ấn riêng của Huỳnh Ngọc Chiến với vai trò nhạc sĩ.

Huỳnh Ngọc Chiến từng chia sẻ, cảm hứng sáng tác âm nhạc của anh dường như đến rất bất chợt. Như với ca khúc “Cung trầm”, ý tưởng nhen nhóm thuở hoa niên nhưng mãi sau này trong một đêm ở Sài Gòn, mới bật lên thành lời da diết: “Đàn thương ai lời phím tơ chùng/ Tiếng hát ai về giữa mênh mông/ Đàn thương ai dấu phím tơ lòng/ Cung tình tang dấu mãi bên sông/ Lời ca ru bao nỗi mong chờ/ Gió sẽ đưa về cõi xa mơ/ Người về trong xa vắng đâu ngờ/ Cung đàn xưa rớt tiếng mơ hồ…”.

Khi biết mình mang bạo bệnh, Huỳnh Ngọc Chiến vẫn điềm tĩnh đối diện với mình và với cuộc đời. Anh tận dụng từng giây phút ngắn ngủi để làm việc và hoài niệm về tuổi hoa niên. Bởi với anh, chỉ có hoài niệm mới có thể mang đến niềm hạnh phúc trọn vẹn cho mỗi cuộc đời. Hạnh phúc như anh đã từng được yêu thương, trân quý giữa bao bạn bè trong một ngày về Tam Kỳ cách đây chưa lâu với “Cung trầm” da diết lần đầu được tổ chức ra mắt. Nói như những người bạn của anh, đó như một cuộc tổng kết gia tài âm nhạc của Huỳnh Ngọc Chiến suốt mấy mươi năm xa quê, dù ngoài âm nhạc anh còn có nhiều đóng góp khác cần được ghi nhận.

Mười sáu ca khúc trong “Cung trầm” của Huỳnh Ngọc Chiến đã được hát lên giữa không gian yên vắng trong lòng phố xá Tam Kỳ, làm ấm lòng những mối tâm giao từ khắp mọi miền đất nước tìm về. Sau tất cả, họ vẫn hồn nhiên, rộn ràng và thân ái như thuở nào còn vui đùa trên những khoảnh sân trường rợp bóng phượng hồng hay Vườn Cừa vàng sưa lung linh hoa nắng… 

Nay Huỳnh Ngọc Chiến đã tan vào từng giai điệu, để khi nhớ anh, những đồng âm có thể hát lời yêu thương. Để thấy rằng anh vẫn ở đó, hồn hậu và thiết tha yêu cuộc đời.

ĐẶNG TRƯƠNG