Tìm về tuổi thơ qua "Trên đồi mở mắt và mơ"

NGUYỄN THỊ BÍCH NA 27/05/2021 16:59

(QNO) - Một cuốn sách viết cho bạn đọc nhỏ tuổi được giới thiệu bởi một bạn đọc nhỏ tuổi rất thích hợp cho những ngày hè đang đến. Bích Na sống ngay trong không gian “Trên đồi mở mắt và mơ” mà vẫn bị cuốn hút bởi chuyện về quê của một đứa trẻ thành phố, chứng tỏ ở đó lấp lánh niềm vui, sự hấp dẫn và gặp gỡ đồng điệu giữa nhân vật và bạn đọc... 

Cuộc thi Cùng đọc sách của Báo Quảng Nam điện tử trân trọng giới thiệu bài dự thi được chọn trong tuần này của em Nguyễn Thị Bích Na (lớp 9a, trường THCS Quang Trung, xã Tam Sơn, huyện Núi Thành)

…………………

Tuổi thơ bao giờ cũng chiếm một phần quan trọng trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Và chắc chắn một điều, kí ức tuổi thơ vẫn còn đâu đó trong hành trình đời sống mỗi người.

Tôi ở tuổi mới chớm lớn nhưng hối hả với việc học, việc giúp ba mẹ, những kí ức tuổi thơ của tôi dần rơi vào quên lãng. Rồi một ngày tình cờ trên thư viện trường, tôi đọc được cuốn sách “Trên đồi mở mắt và mơ” của tác giả Văn Thành Lê, NXB Kim Đồng. Tôi như được bước vào chiếc du thuyền trở về quá khứ, sống lại những kỉ niệm ấu thơ đang đần bị lãng quên. Cuốn sách là cuộc hành trình tìm về miền quê của cậu bé thành phố mười tuổi. Những trải nghiệm nơi vùng quê của cậu bé làm sống dậy trong tâm hồn người đọc một chân trời vừa gần gũi, thân thương, vừa mông lung, xa thẳm. Đó là chân trời của kí ức tuổi thơ.

 

“Trên đồi mở mắt và mơ” kể về cậu bé Thành từ thành phố về quê sống với ông bà nội trong một kì nghỉ hè. Cậu bé luôn mang theo mình một cuốn từ điển nhỏ, mọi thắc mắc của Thành từ điển đều có thể giải đáp. Nhưng chính cuộc sống mộc mạc của ông bà, nếp sống sinh hoạt ấm áp của làng quê, và những hương vị đậm đà chốn quê cũng như những câu đối đáp lém lỉnh, các trò chơi “long trời lở đất”, cùng hội bạn thân mới là trang từ điển sống động tuyệt vời đáng nhớ với cậu bé mười tuổi.

Lớn lên trong không gian đô thị, quê hương và tuổi thơ là đôi cánh nhịp nhàng nhất để Thành bay trong kỉ niệm miên man kí ức một đi không trở lại. Ngọn đồi, vườn tược, bánh trái, chợ quê, những trò chơi cùng trẻ mục đồng không chỉ là những hình ảnh hiện hữu, đó là những ám ảnh khôn nguôi.

“…Tớ mơ thấy các ước mơ bay liệng khắp đồi. Ước mơ như những quả bóng bay lớn bơm đầy khí hi đờ rô. Cả hội bám vào những quả - ước mơ, của mình lơ lửng bay cao lên vào thăm thẳm trời xanh.”

Cuộc trở về thôn dã của cậu bé Thành là sự tìm về không gian hồn hậu, ở đấy con người, thiên nhiên, nếp sinh hoạt hòa quyện vào nhau, mộc mạc, thuần khiết nhưng cũng không ít mơ mộng. Từ mái nhà ông bà đến thềm nhà hàng xóm, làng mạc; từ ngọn đồi làng đến cánh đồng; từ bát cơm Tết Đoan Ngọ đến đám cưới quê rộn ràng phong tục... Thành như được tắm mình trong bầu trời, mặt đất thanh bình, trong dòng sông tuổi thơ ngọt ngào, thi vị.

 

Nhà văn Văn Thành Lê sử dụng lối kể chuyện chân thành, lôi cuốn người đọc. Những ngôn từ mộc mạc, gần gũi rất chân thành ấy góp phần tái hiện được bức tranh cũng như tính cách của con người nông thôn trong tác phẩm. Tác giả đã làm sống dậy cả bầu trời tuổi thơ, làm xanh mềm kí ức của người xa quê, xa dần tuổi thơ.

Suy cho cùng còn có giấc mơ nào thi vị hơn là những kí ức về quê hương và tuổi thơ con người... Chính nhà văn Văn Thành Lê cũng từng chia sẻ rằng “Viết cho thiếu nhi là cách để tôi được sống nhiều lần trên dòng sông tuổi thơ”. Đây là cách mà những kí ức của tác giả mãi được sống, mãi tồn tại trong tác giả.

Không chỉ vậy,“Trên đồi mở mắt và mơ” làm mỗi người lớn phải thốt lên khâm phục trước những suy tư, mộng mơ tuổi nhỏ, mà cũng chính là ta ngày đó. Nếu như lứa tuổi hoa niên đọc tác phẩm thú vị theo cách đã tìm thấy chính mình trong đó, thì những người đã qua thời hoa mộng đọc tác phẩm lại thấy thú vị ở một góc độ khác. Họ như tìm thấy được kí ức tuổi thơ của mình, một phần của cuộc sống tưởng chừng bị lãng quên bởi thời gian. Những xô bồ của công việc, của cuộc sống đã làm cho miền kí ức hóa rêu phong, giờ đây, “Trên đồi mở mắt và mơ” làm sống lại tất cả những vui buồn, những ngọt ngào thuở xã xưa ấy. Rõ ràng họ được sống lại một lần nữa với tuổi thơ của mình. Đó là sự thành công của tác giả Văn Thành Lê.

Với tôi, “Trên đồi mở mắt và mơ” đã làm tôi thấy yêu cuộc sống này thêm bội phần... Bởi nơi tôi lớn lên không phải là phố thị đầy ánh đèn màu, không phải là vùng biển đầy nắng và gió, mà chính là vùng quê nghèo, đất đai khô cằn. Chính cái khó khăn nghèo khổ ấy đã dần nuôi nấng tâm hồn tôi biết yêu thương, biết nhớ mong và biết khát vọng. Những trưa không ngủ len lén ra đầu hè chơi ô ăn quan, sọ sẹ qua vườn mít nhón chân bắt con ve sầu đang kêu ra rả, hay cả những chiều chạy cùng lũ bạn trên cánh đồng, mơ cùng cánh diều đang chấp chới trên trời cao… Với tôi, tất cả đều là kỉ niệm đẹp. Và đẹp hơn khi tôi đã tìm được đến cuốn sách “Trên đồi mở mắt và mơ”. Chính câu chuyện về cậu bé Thành đã khơi gợi bao kí ức tuổi thơ đẹp đẽ và làm tôi biết yêu cuộc sống này hơn.

Sách mở ra trước mắt ta những chân trời mới. Sách không chỉ là một thế giới đầy màu sắc, mà đối với người đọc, mỗi cuốn sách còn là nơi để con người tìm thấy chính mình trong đó. Đọc sách để tìm thấy sự hòa điệu của một tâm hồn với bao tâm hồn. Đọc sách để kí thác tâm hồn mình cho một miền sâu thẳm nào đó từ một tâm hồn không quen biết, đó chính là tác giả. Và đôi khi đọc sách cũng để xoa dịu đi những nhọc nhằn, những đắng cay cuộc cuộc đời vốn dĩ xô bồ, bề bộn những lo toan. Và “Trên đồi mở mắt và mơ” một tác phẩm mở ra thiên đường trong trẻo, tràn ngập những kỉ niệm tuổi thơ.       

…………………

Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử. 

Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giao-duc/to-chuc-cuoc-thi-cung-doc-sach-tren-bao-quang-nam-dien-tu-111333.html

NGUYỄN THỊ BÍCH NA