Hạt bụi lữ hành...

BẢO ANH 23/05/2021 17:07

Như trong 4 tập thơ, 2 tập truyện dài, 4 tập truyện ngắn đã xuất bản từ năm 2020 trở về trước, đến tập thơ “Bụi thời gian” (NXB Hội Nhà văn, quý I.2021) vừa phát hành, mạch cảm xúc chủ đạo trong sáng tác của Vũ Khắc Tĩnh vẫn không gì khác là nỗi nhớ quê nhà da diết. 

Bìa tập sách “Bụi thời gian”.
Bìa tập sách “Bụi thời gian”.

Những hồi niệm, ký ức ngọt ngào, hiền lành mà khắc khoải cứ hắt bóng lên trang viết của anh. “Bên sông vẫn tiếng gọi đò/ Trên đồng chiều vẫn cánh cò bay rông/ Giàn bầu mướp rợp vàng bông/ Tam Kỳ vẫn mãi dòng sông hiền hòa” (Một thoáng hương xưa).

Không cố “làm dáng” cho thơ, cũng không có nhiều những thao tác kỹ thuật, thơ Vũ Khắc Tĩnh như những câu chuyện được kể nhẩn nha, tuần tự, lớp lang nhưng sống động, chân thành và giàu cảm xúc. Quê nhà trong nỗi nhớ của anh là một miền Trung nắng gió, là một Quảng Nam sâu nặng ân tình.

Cật ruột hơn, gần gũi hơn cả là Tam Kỳ thành phố ba sông bình dị, là làng Dương Đàn nơi anh được sinh ra: “Bao năm lưu lạc Sài Gòn/ Góc đời bụi phủ bào mòn tuổi tôi/ Hiên xưa, ghế cũ, chỗ ngồi/ Để thương yêu nhớ quê tôi Dương Đàn...” (Dương Đàn). Trong thơ, anh còn kể tên thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp cũ; nhắc nhớ về những vùng đất anh từng sống, từng làm việc, từng ghé qua. Và, ở một nơi nào đó trên dặm dài đời người, còn có một người em xa vắng. “Trà My, ngày trở lại/ Tìm nhà em không ra/ Núi rừng bao năm cũ/ Ta vẫn còn nhận ra” (Trà My ngày trở lại)...

Hòa quyện trong nỗi nhớ nhung, hoài niệm dằng dặc về quê nhà, thơ của Vũ Khắc Tĩnh còn đầy ắp những nỗi niềm về thân phận của một kẻ ly hương. “Lữ khách chiều đông ngồi uống rượu/ Ngâm câu thơ cũ nhớ quê nhà/ Núi cao rừng thẳm trời xanh biếc/ Đời giang hồ vặt cũng phôi pha” (Năm cùng tháng tận).

Khi nỗi nhớ ngấm tỏa vào máu thịt, nỗi cô đơn cùng những phức cảm khó lý giải của một “kẻ lữ” mơ mộng và cô độc lại được dịp bày ra, vây ráp người thơ. “Dòng ký ức chầm chậm trôi/ Nhìn mặt chỉ rõ cõi tôi bây giờ/ Trong tận cùng cái lơ mơ/ Buông tay ngoảnh lại bóng mờ nhân gian” (Bụi thời gian). Cuộc đi, cuộc làm người, với Vũ Khắc Tĩnh và với thơ anh, vì thế càng da diết và nhiều thương cảm.

Những thi liệu, thi ảnh, thi cảm, thi tứ có vẻ hơi cũ trong thơ anh nhưng có lẽ “vừa vặn” với dáng vẻ “cổ điển” trong mạch nhịp, giọng điệu. “Vừa vặn” như không thể khác hơn trong tâm sự của một “kẻ lữ”: “Mai này trên chuyến tàu về phố/ Quê nhà ngút mắt một màu xanh/ Sài Gòn ơi nửa đời cơm áo/ Gánh bụi trên vai cuộc lữ hành” (Mai này...)...

BẢO ANH