“Giải cứu” danh tác

HỨA XUYÊN HUỲNH 16/05/2021 04:40

Xưa nay, nhiều danh tác bất ngờ sống dậy sau thời gian dài bị lãng quên với các lý do, hoàn cảnh khác nhau. Có thể nhắc ngay đến tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (vừa qua đời), và xa hơn là câu chuyện về nhà văn Nam Cao… 

Câu chuyện “giải cứu” lai cảo truyện ngắn Nam Cao được nhà văn Vũ Bằng thuật lại trong hồi ký.
Câu chuyện “giải cứu” lai cảo truyện ngắn Nam Cao được nhà văn Vũ Bằng thuật lại trong hồi ký.

Lận đận "Tướng về hưu"

Tôi lặng lẽ theo dõi cuộc đấu giá thú vị trên mạng, thông qua tài khoản mạng xã hội nổi tiếng của Facebooker Truong Huy San, về một sản phẩm nổi tiếng không kém: bản in cuốn sách đầu tay “Tướng về hưu”. Tác phẩm xuất bản cuối năm 1987 này càng quý vì có chữ ký “tươi” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, do họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà sưu tập sách Nguyễn Duy Cường lưu giữ.

Trong tập truyện, truyện ngắn “Tướng về hưu” được xếp từ trang 89. Trước đó là chùm truyện “Những ngọn gió Hua Tát” (10 truyện), rồi đến “Tâm hồn mẹ”, “Chuyện phố phường”, “Chảy đi sông ơi”. Kế sau là các truyện quen thuộc: “Muối của rừng”, “Chút thoáng Xuân Hương”, “Giọt máu”, “Không có vua”, “Con gái thủy thần”.

Cuộc đấu giá kéo dài không lâu, khép lại ngày 8.5 đúng dịp 49 ngày mất nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, được chốt giá 72 triệu đồng, cố ý bằng đúng số tuổi (72) của nhà văn. Một số người tham gia đấu giá cũng xin góp thêm, để theo đuổi ý định trồng cánh rừng 2ha tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nhưng điều thú vị không chỉ đến từ những con số.

Theo bài viết của nhà thơ Nguyễn Duy đính kèm nội dung khi công bố đấu giá tác phẩm, cuốn sách này khá lận đận. Ngay khi vừa xong công đoạn dập bản nhũ thì tác phẩm và tác giả vấp phải luồng ý kiến không ủng hộ.

Ở thời điểm đó, truyện ngắn “Tướng về hưu” gây chú ý đặc biệt về nội dung phản ánh được cho là gai góc. Thế là nhà xuất bản hủy kế hoạch in ấn ban đầu. Sau đó, qua kết nối, nhà xuất bản vẫn cấp giấy phép, còn chi phí in ấn, phát hành tập truyện ngắn, trả nhuận bút… đều do tuần báo và một nhóm người tâm huyết lo liệu.

Theo mô tả, sách sử dụng công nghệ in cũ, sắp chữ chì, dập bản nhũ rồi mới phơi kẽm và in nên chất lượng bản in thấp. Giấy thủ công đen xỉn, mặt láng mặt sần, đôi chỗ bị mất chữ, “thỉnh thoảng còn thấy cả cái dằm tre như mẩu tăm trên trang giấy”, nhà thơ Nguyễn Duy viết.

Vì thế, khâu phát hành thời điểm đó thật khó khăn. Người chịu cấp giấy in, hỗ trợ công in và chấp nhận chịu lỗ khi phát hành (còn lãi đồng nào thì tặng hết cho tác giả) cuối cùng đã phải… tự bù lỗ.

Mà ngay cả truyện ngắn “Tướng về hưu” (in trong tập truyện) vốn dĩ cũng lận đận không kém, suýt mất dạng trong các chồng bản thảo. Khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa tạ thế hồi cuối tháng 3.2021, trong ngồn ngộn thông tin ngợi ca và tưởng tiếc, đã có người tự hỏi: Vậy ai đã chọn đăng truyện ngắn “Tướng về hưu”?

Theo tiết lộ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, đó là một câu chuyện dài. Có thể tóm lược: Một nữ trưởng ban lý luận phê bình tình cờ phát hiện bản thảo đánh máy truyện ngắn “Tướng về hưu” nằm trong chồng bản thảo bị loại. Sau đó, bà cùng với các vị trưởng ban văn xuôi, trưởng ban thơ tìm mọi cách để thuyết phục người có thẩm quyền duyệt đăng… Có thể xem đây là chuyện trà dư tửu hậu khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã mất, nhưng sẽ là câu chuyện giá trị liên quan đến số phận một tác phẩm giá trị nếu được kiểm chứng.

Nỗi niềm lai cảo...

Chuyện từ “Tướng về hưu” khiến tôi nhớ đến tác phẩm của một văn tài khác: Nam Cao.

Trong hồi ký “Bốn mươi năm nói láo” của Vũ Bằng và tập sách “Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp” (sưu tầm sau này), chính nhà văn Vũ Bằng đã thuật lại lần tình cờ tìm từ đống bài lai cảo (bài cộng tác viên gửi đến) phát hiện truyện ngắn hay của Nam Cao. Lúc ấy, Vũ Bằng chưa gặp, chưa biết Nam Cao là ai…

Thời điểm đó, Vũ Bằng vừa được giao làm thư ký tòa soạn “Tiểu thuyết thứ bảy” (do thư ký cũ muốn vào miền Nam kinh doanh), liền khuân hết “những bài lai cảo chất đống ở tòa soạn” về nhà. Một buổi chiều xấu trời, không đi chơi, ông tình cờ rút vài bài ra coi thì trúng một truyện của Nam Cao.

Ông kể, đọc độ nửa trang thấy “đăng được”, đọc xong thì bị Nam Cao cám dỗ… Ngay buổi tối hôm đó, ông hì hục giở cả chồng bài cũ ra kiếm, thấy Nam Cao còn 2 truyện nữa, sáng mai liền cho vẽ maket, đặt lên trang nhất, kèm chapeau giới thiệu một văn tài mới!

Đó là chùm truyện đầu tiên để Nam Cao xuất hiện trên văn đàn. Những chi tiết này trích từ “Nam Cao - nhà văn không biết khóc” (Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp”, NXB Hội Nhà văn 2004, trang 218).

Nam Cao, một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của thế kỷ XX, tác giả của “Sống mòn”, “Chí Phèo”, “Đời thừa”, “Lão Hạc”, “Đôi mắt”… mà vẫn khởi đầu văn nghiệp một cách “may rủi” với chồng lai cảo như thế, kể cũng lạ. Tuy nhiên, theo nhà văn Vũ Bằng, tòa soạn cũ không chọn đăng truyện của Nam Cao không vì vấn đề dìm nhau, đố kỵ nhau.

Ông dự đoán có thể do không có sự trùng hợp ý kiến giữa người viết truyện và người lựa truyện, nhất là vì “vấn đề lười nhác”. Lười nhác, bởi lúc đó bài lai cảo rất nhiều, mỗi ngày gửi về hai ba chục bài gồm truyện, thơ, khảo cứu, bình luận…

Ông thư ký tòa soạn cũ (nhà văn Ngọc Giao) vừa phải đẻ ra mỗi tuần một truyện ngắn, vừa phải đọc bài lai cảo, không xuể. “Thành thử người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy có những truyện hay lại bị nằm yên một xó để hứng bụi thời gian”, Vũ Bằng viết thêm (Sđd, trang 217).

Dường như mỗi danh tác đều có số phận. Hứng bụi thời gian hay kịp thoát thai để hiện diện trên văn đàn, đôi khi còn nhờ một chút duyên may. Vì thế, tôi rất muốn gọi những trang báo đăng tải danh tác vừa liệt kê là trang báo “giải cứu”.

HỨA XUYÊN HUỲNH