Nặng lòng với giai điệu quê hương

ĐẶNG TRƯƠNG 24/04/2021 06:04

Nhạc sĩ Huỳnh Đức Long bảo rằng, âm nhạc đến với anh tự nhiên và cũng ở lại trong anh thật hồn nhiên, chứ không gượng ép. Hơn 30 năm đến với âm nhạc đã cho anh niềm hạnh phúc lớn lao, được ghi nhận qua các giải thưởng uy tín, đặc biệt là sự trả nghĩa của một người con với quê xứ.     

Nhạc sĩ Huỳnh Đức Long luôn nặng lòng với giai điệu quê hương. Ảnh: Đ.T
Nhạc sĩ Huỳnh Đức Long luôn nặng lòng với giai điệu quê hương. Ảnh: Đ.T

Cung đàn của mẹ

Viết về mẹ luôn là đề tài được giới văn nghệ sĩ trăn trở, trải lòng. Với nhạc sĩ Huỳnh Đức Long - hội viên Chi hội Âm nhạc, Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Quảng Nam, cách tiếp cận đề tài cũng như cảm xúc để anh viết ca khúc “Mẹ là suối nguồn bao la” - Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2016 là một câu chuyện đặc biệt, bắt đầu từ công việc thường nhật của mình.

Nhạc sĩ Huỳnh Đức Long chia sẻ: “Đầu năm 2008, tôi may mắn được giao giám sát công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Từ những tình cảm về mẹ, sự hy sinh cống hiến cuộc đời các mẹ cho đất nước; từ những lời thơ tha thiết của họa sĩ Đinh Gia Thắng - người thiết kế công trình viết về Mẹ Việt Nam anh hùng, gợi cho tôi nhiều cảm xúc.

Câu thơ “Mẹ là suối nguồn bao la” của Đinh Gia Thắng cứ ngân trong lòng tôi, để rồi bật lên thành giai điệu bài hát “Mẹ là suối nguồn bao la”. “Mẹ là suối nguồn bao la/Mẹ linh hồn đất nước/Mẹ sinh ra từ đất anh hùng/Sinh những người con anh hùng/Trong bao la giữa đất trời hôm nay/Trong yêu thương của mẹ/Chúng con xây tượng đài dâng lên người…”.

Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Nam cho rằng, với tác phẩm “Mẹ là suối nguồn bao la”, nhạc sĩ Huỳnh Đức Long đã lột tả được chất anh hùng ca của những người mẹ hy sinh cuộc đời cho đất nước.

Giai điệu bài hát tuy mềm mại nhưng lại mang âm hưởng hùng hồn, ý chí mạnh mẽ của sự hy sinh cao cả... Còn ca sĩ Khắc Vận, người thể hiện khá thành công ca khúc này, cho biết rất xúc động khi được thể hiện bài hát “Mẹ là suối nguồn bao la” của nhạc sĩ Huỳnh Đức Long, nhất là được hát ngay dưới chân Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.

Hồn nhiên hát lời đam mê

Trong số gần 20 nhạc sĩ của Chi hội Âm nhạc, Hội VHNT Quảng Nam, nhạc sĩ Huỳnh Đức Long đến với âm nhạc bằng con đường rất riêng. Anh chưa hề qua trường lớp âm nhạc mà chỉ bắt đầu từ những yêu thương, trân quý câu ầu ơi của mẹ thuở thiếu thời rồi lớn dần thành niềm đam mê tìm tòi, học hỏi để chơi các loại nhạc cụ dân tộc như sáo trúc, đàn guitar cho đến các loại nhạc cụ hiện đại.

Bằng cách đó mà tròn 30 năm, trước khi được kết nạp vào Chi hội Âm nhạc năm 2014, anh đã có hàng chục ca khúc viết về quê hương và con người xứ Quảng. Bắt đầu với bài hát đầu tay “Nhớ” viết vào năm 1984, rồi đến “Cõi người ta” - 1990 hay “Cổ tích dòng sông” rồi “Về Bình Nam” viết năm 1995… đã từng bước đưa anh đi vào con đường âm nhạc một cách hồn nhiên. Kiểu như, viết để thổ lộ lòng mình, viết để trải lòng với quê hương, với những người yêu quý. Và, đôi khi sự hồn nhiên trong cách tiếp cận với âm nhạc lại là điều lặng lẽ mang đến những thành công đáng khích lệ.

Khi nói về âm nhạc của nhạc sĩ Huỳnh Đức Long, nhạc sĩ Lê Xuân Bá - Chi hội Âm nhạc, cho rằng: “Trong phần sáng tác, nhạc sĩ Huỳnh Đức Long đã tận dụng được các yếu tố trưởng, thứ của hợp âm trong mỗi ca khúc, tạo ra được sự mượt mà, hợp lý, làm cho ca khúc khá hấp dẫn.

Bên cạnh đó, Huỳnh Đức Long còn sử dụng các dấu hóa bất thường, ứng biến một cách thú vị. Do đó, đối với một người hát không chuyên, đôi khi khó tiếp cận ca khúc của anh, nhưng đối với các ca sĩ chuyên nghiệp thì đây lại là một trải nghiệm rất quý, rất thú vị. Có lẽ vì thế mà nhiều ca sĩ thích thể hiện bài hát của Huỳnh Đức Long…”.

Làm công việc giám sát trong xây dựng, suốt nhiều năm qua, bàn chân nhạc sĩ Huỳnh Đức Long đã đi qua khắp các miền quê trong và ngoài xứ Quảng. Những cảm xúc ghi nhận được từ chính công việc mình làm ở nhiều công trình xây dựng, đặc biệt là các tượng đài lịch sử, công trình tưởng niệm, ghi công những đóng góp máu xương của bao thế hệ người con đất Việt cho Tổ quốc để lại trong anh nhiều suy tưởng.

Chính vì thế, đã có nhiều bài hát ở đề tài về chiến tranh cách mạng được nhạc sĩ Huỳnh Đức Long cho ra đời, thể hiện chân thật tấm lòng người nghệ sĩ với những giá trị lịch sử khó phai. Đặc biệt, đất Quảng trong nhạc của Huỳnh Đức Long dày dặn, như chính tình cảm anh gửi cho quê xứ: “Thượng Đức lời ru”, “Một khúc quê hương”, “Về Ngọc Linh mùa xuân”, “Tình khúc Phú Ninh” hay “Mỹ Sơn đêm huyền thoại”… Với anh, xứ Quảng là “vỉa quặng” vô tận để người nghệ sĩ khai thác, thăng hoa.

ĐẶNG TRƯƠNG