Vẽ chân dung Trịnh
Trước và sau khi Trịnh Công Sơn rời cõi tạm (1.4.2001), bên cạnh những khúc tình ca với giai điệu và ca từ đầy thi vị, đậm màu triết lý say đắm lòng người, chân dung nhạc sĩ họ Trịnh cũng luôn là đề tài thường xuyên thu hút giới cầm cọ. Ngoài những họa sĩ nổi tiếng thân hữu của ông như Đinh Cường, Bửu Chỉ, Thái Tuấn, Trịnh Cung… còn có rất nhiều người hâm mộ từ mọi miền đất nước, lặng lẽ vẽ chân dung Trịnh.
Hai bức vẽ và niềm luyến lưu
Dịp triển lãm tranh dán giấy chủ đề “Báo chí, nhân vật và sự kiện” vào năm 1999 (Hội nhà báo Đà Nẵng tổ chức), trong chuỗi tranh “nhân vật” gồm 10 người, tôi có dành một bức vẽ chân dung Trịnh Công Sơn. Thực ra, bức tranh này trước đó đã được gợi ý từ một nhà sưu tập.
Khi hay tin tôi sắp ra mắt cuộc triển lãm tranh dán giấy (có một phần chân dung các nhân vật nổi tiếng), một anh bạn đang công tác tại báo Lao Động nhắn đề nghị tôi thực hiện bức chân dung Trịnh, với yêu cầu toàn bộ chất liệu làm tranh phải sử dụng từ những tờ giấy có thủ bút của chính nhạc sĩ. Sau khi cuộc triển lãm bế mạc, bức tranh được chuyển giao ra Hà Nội cho người theo yêu cầu như đã thỏa thuận.
Lần ấy, cùng với chân dung Trịnh, một số chân dung khác từ cuộc triển lãm cũng được giới chơi tranh yêu thích và chọn mua như: Ché Guevara, Bùi Giáng, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Marilyn Monroe… Tôi xem việc ấy ít nhiều giúp mình chi phí trang trải cuộc triển lãm, rồi lãng quên, bận rộn với công việc khác.
Thế nhưng, tình cờ, khoảng vài năm sau, vào một ngày giữa tháng 3, tức sắp đến dịp kỷ niệm ngày mất Trịnh Công Sơn, có một phụ nữ đến gặp tôi đề nghị thực hiện một bức chân dung Trịnh. Người này cho biết, chị là đại diện của một doanh nghiệp ngành xây dựng, từng tham dự cuộc triển lãm tranh của tôi lần trước, và rất chú ý bức tranh chân dung Trịnh. Chị nói, nay đơn vị của chị có ý định tặng quà sinh nhật cho một đối tác (một người yêu nhạc Trịnh) tại Đắk Lắk bức tranh tương tự. Tuy nhiên, trước khi thỏa thuận hợp đồng, chị đưa ra một số yêu cầu hơi phức tạp, cụ thể: không sao chép y hệt các bức ảnh chân dung thường thấy - hoàn toàn dán giấy, không có nét vẽ tay, lồng vào một số ý tưởng nội dung các ca khúc của Trịnh, đúng thời hạn trước ngày 1.4… Đầu tiên, mới nghe qua tôi khá lúng túng.
Nhưng sau khi nhận lời, vào việc, càng khó, lại càng thấy thích. Bức tranh tôi hoàn thành giao đúng thời hạn. Bên khách đặt hàng nhận tranh hài lòng, vui vẻ. Điều thú vị, về sau, ngoài việc bức tranh được giới thiệu rộng rãi trên báo chí nhiều lần, tôi còn tình cờ nhận ra các phiên bản in lại từ tranh gốc sử dụng ở các buổi sinh hoạt âm nhạc…
Sau nhiều năm, mỗi lần đến dịp 1.4, tôi lại nhớ đến kỷ niệm về hai bức chân dung đã vẽ Trịnh. Và ước gì có dịp nhìn lại tận mắt tác phẩm của mình đang ở một nơi nào đó…
Ký ức với Trịnh
Hơn 5 năm trước, tình cờ, tôi gặp và làm quen ông Trần Văn Thanh, một người đàn ông gốc Huế, nguyên là giáo viên tiếng Anh, đồng thời cũng là một họa sĩ nghiệp dư. Một lần, được ông Thanh mời đến nhà chơi, tôi thật ngạc nhiên, trong số những bức tranh do ông sáng tác, có khá nhiều chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hỏi thăm mới biết, ông Thanh không chỉ là người mến mộ mà còn là người bạn thời thơ ấu, ở cùng xóm, học cùng trường tiểu học với Trịnh Công Sơn.
“Tôi và Sơn cùng tuổi (sinh năm 1939). Sau khi gia đình Sơn rời Buôn Mê Thuột trở về Huế, thì hai đứa tôi ở cùng một xóm thuộc vùng Bến Ngự (xóm Trường Giang, Hương Thủy nay là phường Phước Vĩnh). Nhà tôi và Sơn cách nhau chừng 200m, Sơn ở đầu kiệt, tôi ở cuối kiệt. Chúng tôi cùng học Trường Tiểu học Nam Giao, tuy khác lớp, nhưng thỉnh thoảng chờ nhau đi chung đường đến trường. Những ngày ở Bến Ngự, Trịnh Công Sơn cùng với nhóm bạn cũng thường đi bộ từ nhà qua trường, đi bộ dọc theo bờ sông Hương, băng qua bến đò Thừa Phủ..., reo hò, nhìn ngắm trời mây” - ông Trần Văn Thanh chia sẻ.
Trong ký ức của ông Thanh, không gian thơ ấu mà ông và Trịnh Công Sơn hít thở những năm tháng tuổi thơ là nơi tiếp giáp với dòng sông Bến Ngự và khu ngoại ô Nam Giao với những làng vườn thơ mộng, mỗi ngày, hòa lẫn trong tiếng kinh cầu và tiếng chuông từ những ngôi chùa cổ.
Thú vị nhất là những trưa hè, nhóm bạn cùng lứa trong xóm thường rủ đi bắt ve ve trong các khu vườn. Kỷ niệm thời thơ ấu giữa ông Thanh và Trịnh Công Sơn diễn ra trong khoảng thời gian từ 1945 - 1948. Bởi hết bậc tiểu học, Sơn theo học trường Pellerin, rồi trường Thiên Hựu (Providence) và đến năm 1950 thì cả gia đình Sơn vào Sài Gòn, ông Thanh không biết tin tức.
Đến năm 1962, tình cờ khi nhận công tác dạy tiểu học tại Quy Nhơn, ông lại gặp Trịnh Công Sơn cũng đang theo học sư phạm tại đây. Thời gian xa cách khá dài, trong phút đầu hội ngộ, hai người bạn nhìn nhau khá ngỡ ngàng. Ông Thanh kể, tôi gọi: “Ê, Sơn đó hở?”, còn Sơn gọi: “ Ê, bên đó tên chi mình quên rồi!”. Tôi nói: “Bến Ngự! Bến Ngự... nhớ không?, vậy là Trịnh Công Sơn reo lên: “Nhớ rồi!”, chúng tôi ôm chầm lấy nhau.
Đến nay, ông Thanh không thể nhớ được mình đã vẽ bao nhiêu bức chân dung Trịnh. Bởi phần lớn, những bức tranh vẽ xong treo trên tường một thời gian thì bạn bè đến chơi, ai ngỏ ý yêu thích ông đều tặng. Mỗi lần có dịp về thăm Huế, ông vẫn thường ghé Gác Trịnh, hoặc những quán cà phê vắng vẻ, ngồi một mình nhâm nhi từng lời ca và hồi tưởng về Trịnh.