“Chinh chiến nơi miền đất lạ”

QUẾ HÀ 24/03/2021 10:24

Tập truyện ký “Chinh chiến nơi miền đất lạ” của nhà văn từng mặc áo lính - Nguyễn Tam Mỹ ra đời đúng vào ngày 7.1.2021. Ngày này cách đây 42 năm, quân tình nguyện Việt Nam đã giúp Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôl Pốt - Ieng Xary, góp phần mang lại cuộc sống mới cho nhân dân đất nước chùa tháp, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Tập truyện ký “Chinh chiến nơi miền đất lạ” của Nguyễn Tam Mỹ.
Tập truyện ký “Chinh chiến nơi miền đất lạ” của Nguyễn Tam Mỹ.

Khi tập sách “Chinh chiến nơi miền đất lạ” được phát hành, đồng đội của anh, một thời vào sinh ra tử, có những dòng thư gửi đến cảm kích và biết ơn, những người lính tình nguyện Việt Nam một lần nữa thêm tự hào, vì chính họ đã đóng góp một phần công sức vào thắng lợi đó. Cựu chiến binh (CCB) Đặng Ngọc Nga nhắn gửi: “Tập sách của tác giả Nguyễn Tam Mỹ - người đồng đội Thái Nguyên Tài đã cho tôi được gặp lại những người lính Kontóp Việt Nam và nhớ mãi một thời tuổi trẻ đã cống hiến”.

Nhà văn Trần Xuân Toàn viết những dòng thư “Cảm ơn anh đã tặng tập sách thứ 2, sau tập truyện ký “Dưới cánh rừng thốt nốt” xuất bản năm 2017 viết về “Miền đất lạ” - chiến trường K… Đây là nơi ghi dấu sự hy sinh xương máu của biết bao quân tình nguyện Việt Nam, để đất nước Campuchia có được như ngày hôm nay. Ở Quy Nhơn, cuối đường Nguyễn Huệ, những năm 1979 - 1980, có một trại an dưỡng binh đoàn 779, đón nhận những thương binh từ chiến trường K về. Một phần máu xương của họ gửi ở chiến trường K. Chúng tôi thấy sự khốc liệt của chiến tranh và sự hy sinh của những người lính trẻ không ở đâu xa... Những dòng truyện ký của Nguyễn Tam Mỹ như tái hiện những ngày tháng đau thương ấy!”.

Cuốn sách tập hợp 25 truyện ký, viết về chính bản thân nhà văn và đội quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở bên ngoài Tổ quốc với bao gian khổ hy sinh để đất nước chùa tháp được hồi sinh sau họa diệt chủng do Pôl Pốt gây ra. Họ đã chịu đựng tình trạng thiếu thốn lương thực, thực phẩm thường trực, nhất là thiếu nước uống trầm trọng vào mùa khô. Họ trải qua những cơn mưa dầm, các trận sốt rét, các cuộc tập kích của địch, nỗi đau tột cùng của nhân dân Campuchia dưới chế độ diệt chủng. Họ luôn mang nỗi nhớ quê hương, đất nước. 

Năm 1980, lúc chàng trai Thái Nguyên Tài mới 18 tuổi, hai anh trai đang tại ngũ, dù ôm giấc mộng văn chương, vẫn xung phong lên đường. Bởi khi đọc tác phẩm “Dấu chân người lính” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, anh ao ước được dấn thân như nhân vật Lữ...

Và với anh, năm tháng tuổi trẻ không thể quên khi làm tròn trách nhiệm người lính tình nguyện, chiến đấu vì lý tưởng hòa bình, như lời anh chia sẻ: “Gần 5 năm mặc áo lính ở chiến trường K, tôi cùng đồng đội tham gia truy quét tàn quân Pôl Pốt tại những cánh rừng hoang dọc biên giới Campuchia - Lào... Tận mắt chứng kiến sự hy sinh anh dũng của quân tình nguyện Việt Nam, chứng kiến sự hồi sinh của đất nước chùa tháp sau thảm họa diệt chủng... tôi viết “Chinh chiến nơi miền đất lạ”.

QUẾ HÀ