Nguyễn Văn Bổng - nhà văn xứ Quảng
Trong Điếu văn đọc tại lễ truy điệu nhà văn Nguyễn Văn Bổng ngày 13.7.2001, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh có nhấn mạnh rằng: Nói đến Nguyễn Văn Bổng trước hết chúng ta nói đến một nhà văn xứ Quảng anh hùng, giàu bản sắc, một nhà văn hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại, một bút lực dồi dào, với những tác phẩm tràn đầy nhựa sống, là nói đến một khối lượng lớn những tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký có giá trị, mà tiêu biểu là “Con trâu”, “Rừng U Minh”, “Tiểu thuyết cuộc đời”...
Là thế hệ sau, tôi may mắn có một thời gian dài làm việc với ông, khi được phân công ghi hồi ký cho ông về văn học kháng chiến (công trình Văn học tư liệu Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học, NXB Khoa học xã hội 1990, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam), tôi học tập được ở ông rất nhiều điều, nhất là về bản lĩnh văn hóa của người con Quảng Nam và sự cẩn trọng khi đặt từng chữ trên trang giấy. Nhân kỷ niệm 100 năm sinh (1921 - 2021), 20 năm mất (2001 - 2021) nhà văn Nguyễn Văn Bổng, xin nhìn lại đôi nét gia sản đồ sộ của ông.
Gia sản đồ sộ
Nguyễn Văn Bổng còn có các bút danh như Trần Hiếu Minh, Vương Quế Lâm, Lê Nguyên Trung, Phượng Nguyễn, quê ở làng Bình Cư, nay thuộc xã Đại Quang, huyện Đại Lộc. Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, thuở nhỏ học ở quê rồi ra Huế học Trường Quốc học, đỗ tú tài xong, về dạy ở Trường Thuận Hóa (Huế) và bắt đầu sáng tác, gửi đăng các báo ở Sài Gòn, Hà Nội. “Say nửa chừng” (báo Thanh niên SG, số Tết 1943) là truyện ngắn đầu tay. Cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia khởi nghĩa ở Đà Nẵng, làm công tác thông tin tuyên truyền, văn hóa cứu quốc và làm Hiệu trưởng trường Trung học Thái Phiên (Đà Nẵng).
Năm 1946, kháng chiến bùng nổ, ông làm phóng viên rồi phụ trách báo Chiến Thắng kiêm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền Quảng Nam Đà Nẵng. 1948, làm Chi hội phó kiêm Tổng Biên tập Văn nghệ Liên khu V. 1954, ra miền Bắc tham gia công tác cải cách ruộng đất rồi về công tác ở báo Nhân Dân.
1955, về làm Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam kiêm Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam. 1962, trở lại chiến trường miền Nam, làm Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương cục miền Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam, vào nội thành Sài Gòn làm báo, viết văn.
Ông có mặt trong chiến dịch Xuân 1968 và là nhà văn hiếm hoi có mặt tại Dinh Độc Lập vào lúc 12h30 ngày 30.4.1975. Cuối 1968, ông có ra làm Chủ nhiệm báo Văn nghệ một thời gian sau đó vào lại miền Nam và sau 1975, trở ra lại làm Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập báo Văn nghệ cho đến lúc nghỉ hưu năm 1983.
Trên bước đường chinh chiến vào Nam ra Bắc (ông có 5 lần vượt Trường Sơn), đảm đương nhiều cương vị công tác, nhưng Nguyễn Văn Bổng vẫn để lại một gia sản văn chương đáng ngưỡng mộ: 9 tiểu thuyết, 5 tập bút ký và ký sự, 2 tập truyện ngắn, 4 kịch bản văn học, 1 kịch bản phim truyện, 1 tập tiểu luận phê bình... và các bài báo, bài phát biểu, cho đến nay chưa có điều kiện sưu tập đầy đủ. Hai mảng đề tài mà ông quan tâm và có nhiều đóng góp: một là nông thôn và người nông dân trong cách mạng dân tộc và dân chủ; hai là Sài Gòn và các đô thị miền Nam trong những năm chống Mỹ, mà ở mảng đề tài nào ông cũng đóng được những cột mốc neo giữ quan trọng trong dòng chảy văn chương nước nhà.
Có thể điểm qua, ở mảng đề tài nông thôn ông có các tiểu thuyết “Con trâu” (1952, giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam), “Cắm thẻ đồng câu” (1955), “Bếp đỏ lửa” (2 tập, 1955, 1956), “Rừng U Minh” (1966), tập truyện ngắn “Người chị” (1960) và tập bút ký “Cửu Long cuộn sóng” (1965, giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội đồng VHNT của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). Chưa tính những vệt sáng lung linh có sự đan cài đô thị vào nông thôn trong “Cửu Long cuộn sóng” hay “Rừng U Minh”, chỉ tính riêng mảng đề tài đô thị, ông còn tự làm đầy lên năng lượng tín hiệu thẩm mỹ của mình với các tiểu thuyết “Áo trắng” (1973), “Sài Gòn 67” (1972 - 1982), “Tiểu thuyết cuộc đời” (1986 - 1991), “Tiếng nổ Caravel” (1999), các tập bút ký “Sài Gòn ta đó” (1969), “Đường đất nước” (1976), “Ghi chép về Tây Nguyên” (1978), tập truyện ngắn “Chuyện bên cầu chữ Y” (1980),...
Với một gia sản đồ sộ như vậy, nhưng Nguyễn Văn Bổng từng “tổng kết” một cách khiêm tốn về đời văn của mình: “Nay nhìn lại, trong những cái tôi đã viết có hai dòng rõ rệt nông thôn và thành thị. Tôi viết về nông thôn còn nhiều gượng gạo, nhưng những nét mới trong cuộc sống có nhiều hơn. Về thành thị, tôi viết thường nhuyễn hơn, nhưng đây đó còn rơi rớt lại những nét cũ” (Từ vùng đất quê hương, in trong Về một vùng văn học, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam Đà Nẵng và Viện Văn học, xuất bản 1983, tr.15).
Âm vang sự sống
Đi nhiều, viết nhiều, luôn có mặt ở những điểm nóng của đời sống, trang văn của ông ngồn ngộn sự kiện, giàu có chi tiết, đậm đặc chất liệu mỹ cảm để làm nên sức sống mạnh mẽ và lâu bền của thế giới hình tượng. Điều quan trọng hơn, dù viết về bất kỳ hiện thực nào trong cuộc sống, văn chương Nguyễn Văn Bổng cũng đầy ắp tín hiệu thẩm mỹ, đậm đặc hơi thở đời sống đầy biến động của lịch sử, thấm đẫm tình người, trong thế giới những con người không ngừng đấu tranh để giành lấy quyền sống tự do và hạnh phúc.
Vì vậy, thế giới nghệ thuật của ông đông đảo nhân vật điển hình cho một thời đại lịch sử, đan cài trong những sự kiện, tình tiết và hoàn cảnh khắc nghiệt, bố cục và kết cấu chặt chẽ, trải rộng trong không gian nhiều miền quê dồn nén trong những thời gian phả hơi nóng bỏng, làm bộc lộ đúng tính cách con người như đời sống vốn có và cần phải có. Ngôn ngữ văn chương của ông là thứ văn chương sáng lấp lánh và âm vang của sự sống, cô đọng, được chắt lọc một cách cẩn trọng, đầy năng lượng thẩm mỹ, có sức lay động đến tận đáy tâm hồn con người, từng lớp người, dù ở nông thôn hay thành thị.
Hai chủ đề trên là nơi tập trung chăm chú quan sát và để lại những vệt sáng đậm, sâu thăm thẳm và lấp lánh của Nguyễn Văn Bổng. Trong hành trạng cuộc đời ngổn ngang chinh chiến và sự miệt mài trên con đường văn chương chữ nghĩa của ông còn có cả kịch bản phim truyện, kịch bản sân khấu, phê bình tiểu luận và hàng trăm bài báo, phát ngôn văn học thể hiện một lý tưởng thẩm mỹ sáng rõ và quan niệm nghệ thuật rạch ròi, đồng thời sẵn sàng chiến đấu đến cùng để bảo vệ lý tưởng đã đề ra và theo đuổi.
Chính điều đó tạo nên nhân cách và cũng là văn cách, phong cách của ông, xuất phát từ phẩm chất của một con người xứ Quảng đậm đặc, cho dù sống ở đâu, trong hoàn cảnh nào, ngay cả lúc cận kề cái chết trong những năm tháng lăn lộn ở nội thành Sài Gòn, cũng không thể nào phai loãng được, mà dường như càng sống, càng gian nguy, khốc kiệt, càng làm đầy lên, đậm thêm như gừng cay muối mặn quê nhà. Chính vì thế, với tư cách là công dân, Nguyễn Văn Bổng được Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều huân chương cao quý, với tư cách là nhà văn, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.