Đàn bà thơ

BẢO ANH 07/03/2021 08:48

Cùng chung một tình yêu đối với thơ ca, một số phụ nữ ở khắp mọi miền đất nước đã “hẹn” gặp nhau trên mạng và lập ra cho riêng mình một trang thơ online mang tên “Đàn bà thơ”. Từ chỗ chỉ có chưa tới 10 người, đến nay, sau hơn 2 năm thành lập, diễn đàn thơ ca dành riêng, của riêng phụ nữ này đã có hơn 600 thành viên. Và để ghi dấu chặng đường đam mê thơ ca, cuối năm ngoái, diễn đàn thơ này đã tập hợp xuất bản một ấn phẩm đầy đặn mang tên chính nhóm thơ của mình: “Đàn bà thơ” (NXB Hội Nhà văn).

Bìa tập sách “Đàn bà thơ”.
Bìa tập sách “Đàn bà thơ”.

Trong “Đàn bà thơ” chất chứa cảm xúc, lo toan, mê đắm vừa dịu dàng vừa bạo liệt theo kiểu... “đàn bà”. Đó là những cảm nhận khác nhau về “việc đàn bà” sau cánh cửa ở mỗi gia đình: “Nhà mình/ ngày nào cũng bừa/ ngày nào cũng dọn/ chẳng bao giờ hết việc” (Đi mãi chưa hết căn nhà - Bùi Kim Anh, Hà Nội). Không thiếu những câu thơ khao khát “được là mình”, kiểu như lời tự sự sau đây của Lê Thị Điểm - một người thơ xứ Quảng: “...hãy luôn lay gọi/ người đàn bà trong em/ anh nhé” (Thiên sứ). Và cũng thật nhiều những đắng đót, mất mát, tiếc nuối như thế này: “Đường xa sao đã vội về/ Dấu chân hoa rụng lê thê nỗi buồn/ Lâm thâm ướt lá cây vườn/ Mà em bão nổi mưa tuôn trong nhà” (Khách xuân - Nguyễn Thị Thúy Ngoan, Hải Phòng).

Nhưng, bên trong “nỗi niềm đàn bà” rất chung ấy, thơ trong “Đàn bà thơ” còn có những nét riêng khá thú vị. Với cuộc sống, với tình yêu, với nghìn vạn nỗi đời, với thơ,... mỗi người có một cách nghĩ, cách tiếp cận riêng. Có người sắc sảo và tỉnh táo lạ kỳ: “Đừng làm ra vẻ nghiêm trang/ Cũng đừng ra vẻ dịu dàng em ơi/ Đừng khoe sâu sắc nước đời/ Đừng đong đưa thế khi lời chưa buông” (Đàn bà ơi... Đừng - Diệu Anh, Hà Nội). Có người mơ màng, luyến tiếc cùng những cũ xưa xa tít: “Vào rừng nhặt chút hoang sơ/ Gửi người thuở ấy bơ phờ từ tâm” (Tịch liêu mơ bóng hoàng lan - Nguyên Tâm, Bình Thuận). Có người lãng mạn, tinh tế đến... tinh quái: “Một hôm muốn hỏi hoang đàng/ Bao nhu mì để gái ngoan là mình/ Mấy tiền sắm nổi đoan trinh/ Bán khôn có đủ mua tình chiêm bao?” (Giả định - Trần Mai Hường, Hà Nội). Có người “phóng thích” chính mình, tưởng an nhiên mà bịn rịn, khát khao: “Em bật khuy phóng thích/ Tam không đã thuộc làu/ Nỗi buồn cười khiêu khích/ Rễ sậy đời bén nhau” (Bật khuy nỗi buồn - Đặng Tường Vy, Pháp)...

Chung một “nỗi niềm đàn bà” và cũng khác nhau ở chính “nỗi niềm đàn bà”, trong trường hợp này xem ra cũng là một điều dễ hiểu. Bởi trong số hơn 600 thành viên của diễn đàn “Đàn bà thơ” và hẹp hơn - 65 tác giả góp mặt trong tập thơ, người sống trong Nam, người đang ở Bắc, người định cư ở nước ngoài; có người đã ngoài 70 tuổi, có người chưa qua tuổi 40; có người buôn bán lặt vặt, có người là giáo viên, công chức, có người là hội viên hội văn nghệ địa phương và cả một số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng góp mặt... Chính vì lẽ ấy, tập thơ trở nên đa thanh hơn, “đàn bà” hơn và cũng “riêng” hơn...

BẢO ANH