Kỳ vọng về cây bút trẻ Ny An
Với văn chương, chừng như Ny An đợi đủ độ chín mới trình làng tác phẩm của mình, để bạn đọc cảm được dù cây bút trẻ nhưng viết rất chắc tay.
Hè 2013, Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh tổ chức trại sáng tác văn học dành cho học sinh từ lớp 6 đến 12 có năng khiếu sáng tác văn học. Kết thúc trại, một số em đã để lại những dấu ấn khá tốt qua các tác phẩm chất lượng. Nhưng rồi cứ rơi rụng dần theo thời gian và gần đây hầu như vắng hẳn. Con đường sáng tác văn học đòi hỏi quá nhiều điều kiện, lắm điều kiện không thể gọi thành tên. Cho nên sự xuất hiện khá chững chạc của một cây bút trẻ, bút danh Ny An, khiến tôi ngạc nhiên. (Ny An không nằm trong số các tác giả của trại sáng tác năm nào). Theo dõi, thấy Ny An có năng khiếu lại làm việc khá chuyên nghiệp, là điều kiện cần thiết để có thể tiếp tục công việc sáng tác dài hơi sau này.
* Hai năm gần đây, cái tên Ny An xuất hiện khá bất ngờ. Ny An chuẩn bị gì trong mấy năm THPT và đại học để rồi xuất hiện như vậy, cả quyết định trụ lại với Sài Gòn cùng với công việc đầy khó khăn và nhọc nhằn là viết?
- Ny An: Học chuyên Văn Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với tôi đơn giản chỉ vì đam mê. Tôi mê văn chương, đọc sách từ nhỏ nên theo học chuyên Văn để thỏa niềm yêu thích; sau này theo học ngành Văn hóa học của Đại học Văn hóa vì cũng nghĩ lĩnh vực văn hóa là khái niệm bao hàm cả văn chương trong đó. Tìm hiểu văn hóa các nơi, văn hóa vùng miền hay văn hóa các dân tộc là điều rất thú vị. Khi mình hiểu được văn hóa thì mình sẽ lý giải được nhiều về cách sống, nhân sinh quan của người khác và chấp nhận được những người bạn có văn hóa khác mình.
Thật ra tôi trụ lại ở Sài Gòn để làm việc chỉ là do… dòng đời đưa đẩy (cười). Tốt nghiệp ra trường tìm được việc phù hợp thì ở lại làm thôi. Chọn con đường viết để mưu sinh, nói nhọc nhằn khó khăn thì cũng có. Nhưng nếu không viết, thì cũng chẳng biết bản thân có thể làm được gì tốt hơn.
* Ny An có thể nói thêm về quá trình hội nhập với ê kíp làm việc của bạn hiện nay?
Ny An tên thật là Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1995; quê quán: thị trấn Hà Lam, Thăng Bình; hiện làm việc cho một công ty truyền thông tại TP.Hồ Chí Minh. Ny An có nhiều truyện ngắn in trên báo Tuổi trẻ, Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh, Người lao động, Đà Nẵng cuối tuần, Văn nghệ Bình Định, tạp chí Đất Quảng…
Đã góp mặt trong một số tập sách:
- “Cô-Vy” tự sự - Gió và tình yêu vẫn thổi (2020) ghi lại những câu chuyện khi con người đối mặt với đại dịch Covid-19.
- “Gay trong loay hoay” (2021) nằm trong loạt sách thuộc dự án viết về cộng đồng LGB.
Giải thưởng: Giải Nhì cuộc thi viết “Thương nhớ miền Trung” do báo Thanh niên trao, tháng 1.2021; giải Ba cuộc thi viết “Trung thu cho em” do diễn đàn văn học Quán Chiêu Văn tổ chức, tháng 9.2020; giải Ba cuộc thi viết “Mùa xuân - Tổ quốc & Mẹ” do diễn đàn văn học Quán Chiêu Văn tổ chức, tháng 2.2021.
- Ny An: Công việc chính của tôi là người sáng tạo nội dung, các bài viết trên fanpage, website, quảng cáo. Một hội nhóm làm việc nào cũng cần hợp tác dựa trên tinh thần đoàn kết vì lợi ích chung, tiếp thu có chọn lọc những góp ý hợp lý, giảm bớt cái “tôi” cá nhân (đặc biệt là đối với dân viết) và học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển.
* Tại sao không phải nơi nào khác, mà chính ở quê nhà để gửi in những truyện ngắn đầu tay?
- Ny An: Tôi quay lại với viết và bén duyên lần đầu tiên với tờ báo Phụ Nữ TP.Hồ Chí Minh. Khi đó tôi nghĩ, nếu mình đã sáng tác lại được, tại sao không thử “về quê”. Dù sao, đi bao xa, đi bao lâu, thì trong lòng tôi vẫn hướng về quê hương. Cứ nghĩ đến việc những người quen ở quê cầm tờ báo có tên mình, thật sự ấm áp.
* Gần đây, Ny An liên tiếp đoạt các giải thưởng. Trao đổi thêm về các lần dự thi, kết quả và sự tác động của nó đối với công việc của bạn?
- Ny An: Thật ra các giải thưởng trong sáng tác không ảnh hưởng lắm tới công việc hiện tại của tôi. Cùng là viết, nhưng sáng tác là lĩnh vực văn học nghệ thuật, còn công việc tôi đang làm lại theo hướng marketing nhiều hơn.
* Những dự định của bạn cho năm 2021?
- Ny An: Tôi là người ít tham vọng và ít dự định. Chỉ mong mình làm tốt công việc hiện tại, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đại dịch Covid-19, yên ổn được sáng tác thêm những tác phẩm có chất lượng. Nếu may mắn thì đạt thêm vài giải thưởng, nếu đủ tự tin thì xuất bản vài cuốn sách. Hy vọng mọi người sẽ đón nhận và ủng hộ những người viết trẻ nhiều hơn nữa.
- Cảm ơn bạn, Ny An!
Bàu Hà Kiều trong niềm nhớ
Bàu sen to nằm ngay giữa thị trấn quê tôi được người ta gọi là bàu Hà Kiều. Cái tên này xuất phát từ một câu chuyện dài mấy thế hệ, mà tới đời chúng tôi, đó chỉ còn là sự tích.
Những cụ già kể lại, ngày Hà Lam còn là làng, có một khe nước Hà Khế đầy hoa sen, ngăn chia hai ấp lớn ở đây. Mùa hạn, khe nước nhỏ này không đủ lượng nước cung cấp cho đồng ruộng của dân làng. Do đó, các cụ khởi xướng đào sâu hơn rộng ra để dẫn nước từ con sông Ly Ly vào làng tưới tiêu. Khe nước nhỏ thành Hà Trì, khá dài và uốn lượn quanh co chín khúc.
Người ta bắc ngang qua bàu một cây cầu tre Hà Kiều để nối hai bờ. Qua thời gian, cầu tre được xây dựng lại thành cầu xi-măng vững chắc và dễ đi hơn. Bàu sen dần được gọi là bàu Hà Kiều từ đó.
Bên này bàu nước có mảnh đất trống cỏ mọc xanh um gọi là Vườn Quả, nơi chúng tôi thả diều mỗi chiều hè. Hầu như trong tuổi thơ của một đứa trẻ làng quê nào cũng đều phấp phới những cánh diều. Chúng nối giữa bầu trời và mặt đất, chở cả những giấc mơ thơ dại, có khi đứt dây gãy cánh giữa chừng, nhưng đôi lúc sẽ ngược gió mà vút cao.
Chúng tôi hay gọi cầu Hà Kiều là cầu khỉ. Bởi đi hết cây cầu, tới bờ bàu bên kia, trong khu vui chơi sẽ có một chiếc chuồng sắt nhỏ nuôi vài ba chú khỉ. Mỗi lần đi ngang qua, tôi bứt mấy cây xuyến chi hoặc đài sen để đút cho khỉ ăn. Có khi tụi tôi ghẹo lũ khỉ khiến chúng điên tiết la ó nhảy dựng. Khỉ mẹ vì bảo vệ khỉ con mà khè lưỡi nhe răng dọa người.
Ngoài cầu Hà Kiều ra, bắc ngang bàu còn thêm vài cây cầu nữa. Ngay trước ngôi chùa Giác Nguyên là một cây cầu bằng ván gỗ. Mỗi lần đi ngang mấy tấm ván ghép lắc lư ấy, tụi tôi luôn thấp thỏm trong lòng, có khi nào sẽ trượt chân rớt khỏi cầu lọt bàu trôi tuốt ra sông Ly Ly hay không? Cho tới ngày cây cầu được xây mới lại, to rộng chắc chắn với đèn trang trí lung linh, thì chẳng đứa nào từng rớt bàu ở đoạn ấy cả.
Mùa hè, sen nở hồng rực trên nền lá xanh trải đều bàu nước. Mỗi chiều tôi hay cùng thằng em họ ra bàu hóng mát, xong lại tiện tay bẻ đài lấy hạt sen nhai ngấu nghiến. Hạt sen non vị ngọt thanh beo béo đọng lại nơi đầu lưỡi ngon cực kỳ. Chẳng may gặp lúc bảo vệ bàu đi ngang, chú sẽ cầm cây dí theo dọa chúng tôi. Giờ nghĩ lại, tôi còn phải bật cười vì thương chú ấy. Bàu sen rộng nhường đó, chú ở bên này bàu thì tụi tôi đã chạy vòng quanh hái sen ở rìa bên kia, làm sao chú đuổi kịp lũ nhóc tinh nghịch. Chú bảo vệ không theo kịp đám trẻ con, còn chúng tôi thì chạy mãi không lại với thời gian. Ai trong chúng ta rồi một ngày cũng sẽ lớn lên, bỏ lại sau lưng những mộng mơ dại khờ.
Mùa hè ấy sẽ không trở lại nữa - mùa hè mà chúng tôi ngồi tựa lưng vào gốc cây sưa cổ thụ bên kia bàu, ngước lên cố tìm nơi ẩn náu của những chú ve đằng sau chùm phượng rực đỏ.
Cái chuồng khỉ được dẹp đi từ lúc nào, trong chúng tôi không ai rõ cả. Những chú khỉ ngày xưa liệu có còn sống, chúng đã đi đâu về đâu?
Dù mọi thứ không còn được như trước, nhưng nơi cuối cầu khỉ, cái sạp bán bánh tráng nướng chấm tương vẫn ở đó và đông kín người. Những vị khách trẻ con ngày trước đã trở thành ba mẹ, và dẫn theo con cháu của mình đến ăn cùng.
Thì ra, hương vị quê là thứ không dễ dàng phai đi hay đánh mất được. Tất cả những kỷ niệm đẹp vẫn vẹn nguyên, dẫu chỉ là trong ký ức mong nhớ hay một ngày trở thành nơi xưa chốn cũ mà ta tha thiết muốn tìm về.(Ny An)