Tiếng Quảng thăng hoa cùng văn chương
(Xuân Tân Sửu) - Trải qua 550 năm đồng hành với con người, đất đai, quê xứ, tiếng Quảng vẫn là thứ ngôn ngữ “đanh, khô, thô, vụng”. Dù vậy, nó vẫn đường hoàng bước vào văn chương và trở thành một thứ ngôn ngữ văn chương đẹp, lạ, hấp dẫn, độc đáo và giàu biểu cảm...
“Ôn lại” tiếng Quảng
Trước khi bắt tay vào viết tiểu thuyết “Thượng Đức”, Đại tá - nhà văn Nguyễn Bảo nhiều lần trở lại Quảng Nam để tìm tư liệu. Ngoài việc thăm lại những nơi mình từng chiến đấu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, ông còn tranh thủ chuyện trò với bất cứ người Quảng nào mà ông gặp được. Ông bảo, đó là cách để “ôn luyện tiếng Quảng”, bổ sung vốn từ bản địa phục vụ sáng tác.
“Viết về Quảng Nam mà thiếu những câu thoại thuần Quảng thì coi sao được” - ông nói thêm. Có lẽ nhờ vậy mà ở cuốn tiểu thuyết này, không khó để bắt gặp những câu đối thoại bằng thứ tiếng Quảng “rin” của các nhân vật là người Quảng. Như khi nhân vật Trang nói với đám dân vệ lúc chúng sục vào nhà: “Chết cha chúng tôi chớ. Nhà chỉ một thân một mình. Thế ni sống răng được chớ”.
Đó là chuyện của nhà văn Nguyễn Bảo - một người gốc Thanh Hóa. Còn với các nhà văn, nhà thơ là người gốc Quảng thì sao, có cần phải “học” tiếng Quảng để viết không?
Theo nhà văn Hồ Duy Lệ, để có những trang viết đúng, trúng, hay về đất và người quê hương, ông đã “học” tiếng Quảng không ngưng nghỉ. Trước năm 2007, khi bắt tay vào viết tập ký sự “Mười Chấp và một thời” (Hội VHNT Quảng Nam 2008), hay trước khi viết tập ký sử “Trụ lại” (NXB Hội Nhà văn 2019), ông đã không biết bao nhiêu lần tìm về, cùng ăn cùng ở với người dân khắp các vùng quê Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên - những vùng đất là không gian chính của tác phẩm, để nghe, học, lọc tìm tinh túy của thứ tiếng Quảng chưa bị phai tạp của người dân ở đó. Ông lý giải: “Mình là người Quảng mà viết không đúng tiếng Quảng thì người ta cười chết!”.
Nhiều nhà văn, nhà thơ xứ Quảng xa quê cũng có ý thức rất rõ trong việc học và ôn tiếng nói quê mình. Ở TP.Hồ Chí Minh, các nhà văn, nhà thơ gốc Quảng thỉnh thoảng lại “tạo cớ” để gặp nhau hoặc tìm đến với cộng đồng người Quảng ở đó “để được nói tiếng Quảng rặt cho đã”.
Cách đây mấy năm, khi về giao lưu với bạn đọc quê nhà, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết chính những cuộc gặp gỡ như thế đã giúp anh giữ gìn và làm giàu thêm vốn liếng tiếng Quảng. Một số tập sách của anh như “Thương nhớ Trà Long”, “Quán Gò đi lên”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Tôi là Bê tô”..., nhờ vậy vẫn thấp thoáng hình bóng quê nhà, ẩn hiện những hình ảnh đẹp và sâu đậm của một thời tuổi thơ anh nơi miền quê xứ Quảng và đặc biệt là những tiếng nói thuần Quảng.
Những cung bậc cảm xúc độc đáo
Người Quảng làm thơ tiếng Quảng
Với thơ, tiếng Quảng cũng “tung hoành”, bất chấp những ràng buộc, yêu cầu nghiêm ngặt của thể loại. Có những câu thơ có vẻ “cà rỡn” nhưng chân thành, tha thiết và cũng rất “tình”: “Mi ở Điện Bàn hay Duy Xuyên/Tết ni không nói chuyện tình duyên/Tết mô mới nói cùng mi hỉ/Không nói mần răng ván đóng thuyền” (Hồi xưa tôi đã tỏ tình - Nguyễn Nhật Ánh). Gần đây, người ta nhắc nhiều đến Nguyễn Lãm Thắng, một người Quảng sống ở Huế, xem đây như là một “hiện tượng” khi anh liên tục công bố hàng trăm bài thơ “Quảng chay, Quảng thuần túy, Quảng triệt để”. Và quan trọng là, hầu hết những bài thơ giọng Quảng của anh đều hay, gần gũi, “bình dân” mà rất thơ, và... rất Quảng: “Cứ hẹn miết rồi không về, bắt mệt/Đợi với chờ, nghe ớn họng ông quơi/Hứa cho cố để cuộc tình trớt quớt/Mấy chục năm, ông lạc mấy phương trời” (Thương hoài thương hủy).
Theo nhiều nhà ngôn ngữ học, tiếng Quảng thuộc loại “đanh, khô, thô, vụng”; để biến nó thành ngôn ngữ văn chương là không dễ. Nhưng khi đã ăn sâu vào máu thịt, được sử dụng hợp tình hợp cảnh, tiếng Quảng sẽ trở thành thứ ngôn ngữ văn chương hấp dẫn và độc đáo. Và trên thực tế, cái thứ tiếng “đanh, khô, thô, vụng” ấy đã đường hoàng bước vào văn chương, trở thành một thứ ngôn ngữ văn chương đẹp, lạ, giàu biểu cảm; được nhiều nhà văn, nhà thơ các thế hệ khác nhau của Quảng Nam vận dụng.
Đến như nữ sĩ Hằng Phương, người mà theo Hoài Thanh - Hoài Chân là có kiểu thơ “êm dịu, ngọt ngào như Vân Đài” vẫn không ngại “hấm hút” cùng tiếng nói quê xứ: “” (Quà Tết nhớ mẹ). Hay nhà thơ Xuân Tâm, một người “dại khờ trong tình ái” cũng có lúc trở về với tiếng nói quê nhà nguyên bản: “Lo sợ, nghèo nàn với đớn đau/Làm ba thắc mắc cứ đua nhau/Vá đời nhẫn nhục bằng trăm tấm/Hạnh phúc là chi họ biết đâu” (Đập đất).
Rồi Phan Khôi, đến Nguyễn Văn Xuân... được xem là những người thực hành tiếng Quảng xuất sắc. Không chỉ viết rặt tiếng Quảng, họ còn viết theo đúng ngữ điệu Quảng. Vài ví dụ trong tập “Trở vỏ lửa ra” của cụ Phan Khôi: “Cửu Thưởng đi đâu ba đồng bảy đỗi trở lại thắp trên bàn thờ một cây hương”; “Xin cụ chỉ chiếu lệ đòi hỏi qua loa rồi bỏ trầm trây việc này đừng xử”.
Năm ngoái, khi tham gia chấm giải Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ 3, nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong có nêu vấn đề tiếng Quảng trong văn chương xứ Quảng và đề nghị xem đó là một phương diện nghệ thuật riêng có. Theo ông, khi đọc sách, chỉ cần gặp dăm từ hay một câu tiếng Quảng thôi là sẽ có được sự khoan khoái, mãn nguyện như khi đang khát mà có được bát nước chè.
Nhưng đó chỉ là “hạn mức” của nhà phê bình. Còn với nhiều nhà văn, nhà thơ xứ Quảng, việc sử dụng tiếng Quảng là không dè sẻn. Trong văn Hồ Duy Lệ, hầu như chỗ nào cũng có những câu, những đoạn dài đầy ắp tiếng Quảng kiểu như thế này: “Một tay khác hỏi: Đẹp gái ri sao không đi buôn bán mà làm ruộng? Một tay không kìm được tháy máy, chụp cánh tay chị...” (Mười Chấp và một thời); “Bốn anh em nhìn bánh xèo rất thèm nhưng nghĩ, hai mẹ con nghèo khô, chắc làm được bao nhiêu bả bưng ra hết” (Dặm trường gian truân).
Sử dụng thưa hơn, nhưng trong văn Phạm Thông, tiếng Quảng được dùng thường rất “đậm đà”: “Thằng bé chằn núm vú đau điếng, ruột đói rát rạt, bà Tiền bỗng sực nhớ ba chỉ vàng gói bằng miếng vải nhỏ lận trong người phòng lúc cùng cực...” (Ám ảnh vùng Đông); “Hoảng đớm, tôi bỏ gùi chạy vòng xuống suối...” (Cát đỏ).