"Những chiếc dù trên bãi biển Đà Nẵng" tái bản bằng tiếng Việt
(QNO) - “Những chiếc dù trên bãi biển Đà Nẵng” là tên một tập truyện của tác giả Joel Luguern được Phan Hồng Hạnh chuyển ngữ vừa được ấn hành tại NXB Đà Nẵng.
Ở đấy, trong một ẩn dụ bóng bẩy, những chiếc dù được mang đến cho một mục đích nào đó, không tự có trên bãi biển, nó được mang đến đó, và rồi sẽ được mang đi khi người ta không còn cần đến…
Những chiếc dù quần tụ trên bãi biển, nhiều màu sắc, riêng biệt, co cụm bên nhau và liên hệ yếu ớt với bên ngoài… theo một cách nào đó, là một phần những nhân chứng của một giai đoạn lịch sử tương đối đặc biệt, gắn liền với Đà Nẵng - một thành phố miền Trung - vùng đất mà người Pháp trước đây, và sau đó, là người Mỹ, lựa chọn là nơi đặt chân đầu tiên khi đến Việt Nam.
Họ, các nhân vật chính trong cuốn sách này, là một nhóm giáo sư đến từ Pháp tham gia vào chương trình giảng dạy môn tiếng Pháp cho các “học trò ưu tú”, con em hầu hết của các công chức và sĩ quan cao cấp của chính quyền ở cái đô thị đặc trưng, nơi được xem là căn cứ quân sự lớn của miền nam Việt Nam này. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống thường nhật và những sự kiện mà họ đã chứng kiến, từng trải, trong suốt một thời gian ở vùng đất xa lạ, mà vì công việc, họ phải có mặt và tham dự.
“… Ngày xưa, nước Pháp gửi lính bộ binh An-giê-ri và súng ống để lập trật tự ở hải ngoại. Hôm nay, nước Pháp gửi các giáo sư và từ điển. Xem ra có vẻ phong nhã, lịch sự hơn, nhưng trước hết là họ muốn bảo đảm việc kiểm soát guồng máy kinh tế và chính trị của các xứ này"… Đoạn văn này xuất hiện ở đầu và cuối sách, như một chủ ý của tác giả, là một cách cố gắng lý giải những băn khoăn về tính mục đích cho sự có mặt của họ ở quốc gia xa lạ này.
Nhận nhiệm vụ được khoác dưới mỹ từ đi “thiện nguyện hợp tác”, họ đã có mặt tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam để mang các giá trị văn minh của Nước Mẹ đến với những khu vực thuộc “ thế giới thứ ba”. Thực tiễn của quá trình “ giáo dục chọn lọc”, với đối tượng là con em giới thượng lưu mà không phải là tầng lớp nông dân, công nhân, những người giúp việc… sự theo đuổi mục đích đào tạo là tìm kiếm những người có thể gieo tư tưởng vọng Pháp, giúp Pháp cai quản các lợi ích nước Pháp ở các quốc gia từng là thuộc địa… đã từng ngày khiến đội ngũ những người dạy học được đề cập trong cuốn sách này nhận ra nhiều điều.
“Những chiếc dù trên bãi biển Đà Nẵng” là bản ghi chép tương đối đầy đủ và trung thực về cuộc sống của những tri thức Pháp đã có mặt ở Đà Nẵng để tham gia quá trình giảng dạy vì mục đích mà chúng ta vừa đề cập ở trên. Cấu trúc tập truyện gồm nhiều phần là những nhát cắt đa diện để chúng ta nhìn thấy những khía cạnh khác nhau về cuộc sống của họ. Ngoài một vài hình ảnh những học sinh Việt Nam chăm chỉ, lễ phép, những gương mặt phụ huynh phần lớn là các viên chức cao cấp, có quyền lực…, cuốn truyện tập trung hẳn vào hành trình sống và thay đổi nhận thức của các thầy cô giáo người Pháp đang giảng dạy ở một ngôi trường có cái tên cụ thể là Montesquieu ở Đà Nẵng vào những năm thuộc thập niên 60, 70 của thế kỷ trước…
Như một thế giới thu nhỏ, những nhân vật trong truyện đưa người đọc đến một không gian đa dạng và sống động với chằng chịt các quan hệ của những tính cách rất điển hình. Đấy là những Ruelman, Kébir… những nhà quản lý, lúc nào cũng kỹ lưỡng trong nỗ lực gìn giữ lợi ích chung, đó là Herat - một thầy giáo phóng túng và phá cách, là Florencer - cô giáo hiền lành và nhạy cảm, một Bonans - đam mê khoa học và lịch sử, là Marcel Hey nhiều suy tư và tự vấn, một Reboul hùng biện và chặt chẽ…
Hành trình sống, làm việc, suy nghĩ, chiêm nghiệm về đời sống, băn khoăn về công việc, quan sát những diễn biến bên ngoài, tham dự vào các sinh hoạt cộng đồng…trong môi trường giáo dục đặc thù tại một quốc gia Đông Nam Á mới mẻ và xa lạ với các trí thức trẻ người Pháp… đã mang đến cho tập sách một hương vị riêng biệt và hấp dẫn. Ngoài không gian chính là ngôi trường và các khu nhà ở, theo chân họ, người đọc hiện tại khao khát thông tin sẽ có cơ hội để hiểu hơn về chân dung một đô thị thời chiến: không khí đặc quánh những hoài nghi, niềm vui vội vàng hiện diện trong các quán bar, những buổi tiệc tùng miên man bia rượu, những cuộc tình chóng vánh thỏa mãn dục tình, những cuộc điền dã đầy tò mò và những vùng quê ngoại thành còn giữ lại bao vẻ đẹp nguyên sơ…
Trong cách nhìn của tác giả, người đọc Việt Nam, khi tiếp xúc cuốn sách, ngoài việc tận mục cuộc sống bên trong của những trí thức phương Tây với cuộc sống thường nhật phức tạp của họ, còn nhận ra cách nhìn của họ đối với con người, thiên nhiên và cuộc sống của đất nước mình. Ngoài bút pháp tả thực cận cảnh được dùng để miêu tả đời sống bên trong của các thầy cô thì cái nhìn có khoảng cách của họ dành cho đời sống người Việt đã mang lại những trang văn thú vị. Những đoạn về cuộc trả giá ở chợ, về ông già bán đồ cổ, về những cô gái trẻ Việt Nam, về làng mạc nông thôn… là những đoạn văn như thế.
Đã trên dưới nửa thế kỷ từ ngày tác giả đặt bút kể câu chuyện này, có thể nói “Những chiếc dù trên bãi biển Đà Nẵng” là một mảng hiện thực đang được lưu giữ qua thời gian, giúp chúng ta hiểu thêm về Đà Nẵng, về Việt Nam, về những thế hệ người ngoại quốc và sự có mặt của họ trong dòng chảy của lịch sử Việt qua những thăng trầm.
Là một trong số không nhiều những cuốn sách của tác giả phương Tây viết về chính cuộc sống của họ, cuốn sách là sợi dây hiếm hoi kết nối Đà Nẵng hiện tại với một phần của quá khứ. Trong ý nghĩa đó, lần này “Những chiếc dù trên bãi biển Đà Nẵng” với bản tiếng Việt được Phan Hồng Hạnh chuyển ngữ, xem như đã làm một cuộc đồng hành cùng bạn đọc ngày nay….