Lê Đức Thịnh - lao đao với cõi người, cõi đọc
Lê Đức Thịnh gửi cho tôi tập tạp văn “Chúng ta từ cõi lao đao” (NXB Hội Nhà văn 2020) đúng vào những ngày bận rộn. Định bụng lướt qua vài dòng, sau hẵng hay, rồi bị cuốn một mạch vào tác phẩm không dứt ra được.
Tạp văn trước hết phải neo mình ở những kiến văn, bên cái nhàn đàm phải có cái kỳ thú. Thì đây, ngay từ “Ám tượng mùi”, tôi gặp được người lạ quen biết: “Giai thoại kể rằng Napoléon Bonaparte khi chinh chiến trở về đã truyền lệnh đến người tình: “Hãy bảo nàng không được tắm rửa, giữ nguyên mùi như vậy, lên ngay giường… đợi ta!”.
Rồi với “Thư, hồn ở đâu bây giờ”, ngày giờ huy hoàng của tem thư được trang trọng ghi nhận: “Kể từ khi con tem đầu tiên trên thế giới ra đời năm 1840 cho đến thời kỳ đỉnh cao vào những năm 1900, tem thư đã gắn bó mật thiết với đời sống, trở thành phương tiện hỗ trợ truyền thông quan trọng”.
Cứ thế, tập văn cuốn tôi đi với hoa Thủy Tiên - hội chứng yêu mình thái quá, Gia Cát Lượng mạ thủ hạ Tư đồ Vương Lãng, câu đối hiểm của vua tôi Tự Đức và Tuy Lý Vương tặng thái giám cưới vợ “Vi sương tư địch/ Dĩ phát tư phùng” (làm sương cho sáo/ lấy tóc mà may), ông Bộ trong câu thành ngữ “dục dặc như c… ông Bộ” là danh từ chỉ thái giám…
Mỗi cây bút đến với tạp văn bằng một giọng riêng, có giọng tưng tửng, giọng trải đời, giọng uyên bác… Giọng của Lê Đức Thịnh là giọng tĩnh tại và thấm thía. Cập nhật kiến thức mà không ồn ào khoa trương, điểm bình ý tứ mà không đạo mạo làm người minh triết; tác giả giữ giọng điềm nhiên, đôi lúc có chút tiếc nuối ngậm ngùi của người đã đi gần hết đời người hốt nhiên nhận ra đời cũng đi qua mình và thật chóng vánh mang theo bao điều đáng nhớ.
Như tác giả tâm sự: “… rất sung sướng vì đã viết được những điều tản mạn vớ vẩn trong dòng chảy của hứng khởi/ rất đau khổ mà chú thích rằng (những) bài viết này không có cái móc nào cả!”.
Kiến văn và chất giọng là hai điều thiết yếu của tạp văn, Thịnh đã giữ được hai yếu tố cốt lõi này. Chúng ta từ cõi lao đao như một cuộc dạo chơi qua một đời không chủ đích, nhờ vậy nhẹ mà thoáng, đạm mà không bạc, vô tư mà chưa hẳn đã vô ưu. Theo tôi biết thì Thịnh đã chấp bút cho những trang tạp văn này từ những ngày chưa nghĩ đến tạp văn, đã ngót 20 năm. Như không mục đích lập ngôn, mà thời gian cuộc đời là đích đến. Đọc những trang văn như thế, không bị dồn nén thôi thúc, như thưởng một chén trà. Cuốn sách có lẽ thích hợp cho những ai muốn dùng thời gian nhàn rỗi của mình một cách thanh đạm nhất.