Gương mặt nghệ thuật Trương Vũ Thiên An
Là thầy giáo dạy chuyên văn, chuyện làm thơ viết văn với thầy Trương Vũ Thiên An không chỉ là đam mê, mà còn là nghiệp dĩ, một thị phạm cần thiết cho lớp lớp học trò. Và bởi như một nghiệp dĩ, những trang giáo án cũng quyết liệt dự phần vào những trang viết như một minh định, một xác quyết niềm tin về quan niệm văn chương. Với kinh nghiệm đọc của tôi, đó là yếu tố quan trọng làm nên gương mặt nghệ thuật của thầy Trương Vũ Thiên An.
Gương mặt nghệ thuật của một nghệ sĩ định hình ngay từ quan niệm nghệ thuật đầu tiên, và về sau, dẫu có những biến tấu thì chỉ dẫn ban đầu vẫn cứ là một phúc ngữ truyền âm chỉ người trong cuộc ẩn thính và thấu kiến. Đọc “Mặt trời trong xác lá” của Trương Vũ Thiên An (NXB Hội nhà văn - 2020), tôi thích những phúc ngữ truyền âm như thế: “Ngày Chúa Giê-su đến thế gian này và ném lửa xuống mặt đất/em đã bùng lên như yêu thương phựt lên với chóp mũ nhọn trên đầu/giữ gìn màu ngọn lửa anh ra sức tắm táp mình thanh khiết/vì anh biết em có màu gì điều đó thuộc về anh” (Lửa).
Gương mặt nghệ thuật hiển lộ trong cách người nghệ sĩ nhìn về cuộc đời, nhìn vào chính mình. Cách nhìn đời của Trương Vũ Thiên An chuyển từ yêu thương sâu sắc đến sắc sảo hoài nghi, cách nhìn mình của thầy nhiều tự tin và dần tự thán. Âu cũng là lẽ thường tình của vận hành đời sống, là kết quả tất yếu dầu không mong muốn: “Tôi thành ông giáo già thành cây thước chữ T/lên đài cùng chính mình so găng cùng bản ngã/thành đồng tiền lì xì trong câu chuyện sếp/thành lặng thinh giữa một vũ trường câm” (Bán thần).
Mỗi người đọc có một lý do riêng để yêu một người thơ, để thích một tập thơ. Với tôi, tập thơ là một dấu ấn cá nhân, một trăn trở rất mùa, một rung động rất thực, rất đau song tất cả được lọc và nén kín đến độ phảng phất, khó mà minh bạch. Hốt nhiên nhận ra, các tác phẩm trước đây từ “Gác chân lên cô đơn”, qua “Tạ”, đến “Mặt trời trong xác lá” có sự biến tấu quyết liệt mà kín như một hơi thở, lại gửi chỉ dấu vào ngôn ngữ. Chữ từ sang trọng đến ân cần, từ ân cần đến đau đớn là cả một biến thiên trong cách nhìn nghệ thuật của tác giả. Đến “Mặt trời trong xác lá”, một lớp ngôn ngữ rất đời, rất cật vấn chưa kịp xuất hiện trong những tập trước đó: ném đá giấu tay, trở mặt, bất nhân, rình rập, phản trắc, hãnh tiến, niềm nghi hoặc, loạn tên…
Lại nhớ một ý văn của tác giả trong “Gác chân lên cô đơn”: “… như một chung trà, tịnh, nén và nghi ngút tiết mùa!”. Và tất cả đều đã trở thành một nét riêng, một dấu ấn riêng.