Nguyễn Hữu Hương - Một thời & một đời

TRẦN TRUNG SÁNG 23/06/2020 10:26

Tại TP.Đà Nẵng, nhóm thân hữu của nhà báo Nguyễn Hữu Hương vừa tổ chức ra mắt cuốn sách Một thời & một đời (Nxb Đà nẵng ấn hành, tháng 6.2020), nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của anh. Đông đảo bạn bè, những người làm báo, làm văn nghệ và người thân gia đình của anh đã đến tham dự.

Tập sách “Nhà báo Nguyễn Hữu Hương - Một thời và một đời”.
Tập sách “Nhà báo Nguyễn Hữu Hương - Một thời và một đời”.

Nhà báo Nguyễn Hữu Hương, sinh năm 1955 tại thôn Thanh Quýt (Điện Thắng, thị xã Điện Bàn). Suốt thời trai trẻ, anh là một con người bận rộn. Hết làm cán bộ tuyên giáo Tỉnh đoàn, anh lại làm đầu tàu tổ chức các sự kiện văn hóa lễ hội, hết làm báo lại làm công việc xuất bản sách...

Nhưng chung quy, nhắc đến Nguyễn Hữu Hương, nhiều người thường nghĩ về anh như một trong những gương mặt xuất sắc của làng báo đất Quảng - thuộc thế hệ trưởng thành sau 1975. Trong đó, dấu ấn để lại đậm nét nhất trong sự nghiệp của anh là thời kỳ làm tạp chí Khoa học và Phát triển và một giai đoạn ngắn làm báo Doanh nghiệp Chủ nhật (thể hiện qua hai tuyển tập: Chào năm 2000 và Câu chuyện thời chúng ta đang sống). Do bệnh nặng, Nguyễn Hữu Hương mất ngày 1.9.2010, để lại nhiều tiếc nuối với những người thân yêu và  bạn bè giới cầm bút.  

Trong lời mở đầu Tuyển tập “Nhà báo Nguyễn Hữu Hương - Một thời và một đời”, Ban biên soạn đã viết: “Nhớ đến Hữu Hương, anh em đã nhiều lần nuôi ý định thực hiện một tập sách riêng về anh, nhưng rồi, cứ mãi việc này việc nọ, vì những vướng mắc khách quan, không dễ tập hợp ảnh tư liệu, bản thảo... Giờ đây, lần này, với quyết tâm của nhóm thực hiện, hy vọng tập sách được ra mắt đúng vào dịp Ngày Báo chí 21.6 năm nay. Và xem như một lần hội ngộ cùng anh sau nhiều năm dài xa cách. Để nhớ lại Nguyễn Hữu Hương và chúng ta đã có một thời như thế”.     

Tuyển tập “Nhà báo Nguyễn Hữu Hương - Một thời và một đời” dày 240 trang, cơ bản gồm hai phần: Những bài viết, tác phẩm, di cảo, bút tích, hình ảnh… của nhà báo Nguyễn Hữu Hương. Những bài viết của đồng nghiệp, bạn bè, các nhà nghiên cứu… về những kỷ niệm với Nguyễn Hữu Hương. Trong đó, ngoài những bài viết của bạn bè đồng nghiệp của Hữu Hương tại quê nhà xứ Quảng, còn có sự tham gia của các cây bút tên tuổi cả nước như: Hoàng Đạo Kính, Nguyên Ngọc, Thanh Thảo, Phạm Xuân Nguyên, Võ Thị Hảo, Bùi Mai Hạnh…

Nhà nghiên cứu Trần Phương Kỳ kể lại: “Tôi quen Nguyễn Hữu Hương khoảng giữa những năm 1980 trong bầu không khí văn nghệ và báo chí vừa mới được khởi động tại Đà Nẵng vào buổi đầu của thời kỳ “đổi mới”. Anh mới từ trong Nam ra, mang theo khí thế sôi động của báo chí Sài Gòn cũ; và, chính anh muốn “làm” một cái gì đó cho Đà Nẵng theo phong cách báo chí miền Nam vào thời đổi mới.

Nguyễn Hữu Hương là người năng động và quen biết nhiều trong giới nghiên cứu, văn nghệ, báo chí… vì thế thuận lợi cho việc tổ chức một tờ báo ở địa phương, vì các tờ báo khác ở Đà Nẵng lúc bấy giờ, hầu hết các tổng biên tập chỉ chờ cộng tác viên gửi bài cho báo của họ hơn là chủ động kết nối và tìm người cộng tác. Tôi không nhớ trước khi về làm tờ Khoa học và Phát triển của Đà Nẵng vào khoảng đầu những năm 1990, Nguyễn Hữu Hương làm cho tờ báo nào, nhưng với tờ Khoa học và Phát triển thì anh tổ chức rất tốt, báo ra đều đặn với nhiều bài chất lượng cao”.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh nhắc: “Tôi còn nhiều kỷ niệm khó quên với nhà báo Nguyễn Hữu Hương. Tháng 9.2009, khi Công ty media Tân Văn kết hợp với UBND thị xã Hội An tổ chức chương trình Lễ hội văn hóa Việt - Nhật, ban tổ chức đã ủy nhiệm nhờ tôi mời và tháp tùng thầy Trần Văn Khê ra tham gia chương trình. Cùng đi có nữ nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng. Đó là một chuyến đi thành công và quá nhiều kỷ niệm. Ở Hội An chúng tôi có những cuộc trao đổi thú vị về văn hóa, báo chí, nghệ thuật. Hải Phượng cùng anh chụp nhiều tấm hình đẹp bên chiếc trống đồng chim Lạc đúc tại sông Hoài. Sau chuyến đi tôi đã viết một bài báo về thầy Trần Văn Khê, lễ hội văn hóa Việt - Nhật, về anh Hương có nhan đề “Trả cho văn hóa bản sắc nguyên” đăng cùng tấm ảnh trên ở tờ Văn hóa Thể thao – Cuối tuần số 35 (109) ra ngày 28.8.2009. Thầy Khê và anh Hương rất vui khi đọc bài này. Chúng tôi càng có thêm dịp trao đổi sâu nhiều lẽ, nhiều vấn đề mà một đàn anh làm báo đi trước đã mang nặng, thao thức, ấp ủ” (Trí thức xóm Ga).

GS-TS. Hoàng Đạo Kính trong một lần về viếng mộ của Nguyễn Hữu Hương tại quê nhà Thanh Quýt đã viết rằng: “Trên tấm bia ghi tên Nguyễn Hữu Hương, năm sinh và năm mất, tôi muốn thêm: một con người đặc sắc. Làm sao lại có ngoại lệ ấy. Đành nhớ Hương như vậy” (Nhớ Nguyễn Hữu Hương - một con người đặc sắc).

 Nhà thơ Trần Tuấn, thành viên của ban biên soạn, người dành nhiều công sức nhất cho việc thực hiện tập sách ở lời kết nêu rõ: “Cuốn sách này không nhằm chỉ vẽ lại chân dung một nhà báo cụ thể, mà còn mở rộng biên độ sang môi trường và từ trường báo chí, xã hội. Gợi lại một thời làm báo khó nghèo mà trong trẻo, vô tư, đầy ắp lửa nghề. Tiếp tục đặt ra những câu hỏi nhức nhối về “Thời chúng ta đang sống”, về lương tâm, trách nhiệm của báo chí và nhà báo trước thời cuộc đang ngổn ngang, bề bộn và quá nhiều xáo trộn hôm nay (Sống, để được nhớ).

TRẦN TRUNG SÁNG