Bừng sáng cái đẹp vĩnh hằng
Nhắc đến họa sĩ Phan Ngọc Minh, có lẽ những người yêu nghệ thuật sẽ nhớ đến những bức tranh bút sắt sống động về một người đạp xích lô, người thổi kèn, một bà già bán hàng rong ở phố cổ, những bức sơn dầu ẩn chứa lấp lánh sắc màu từ một mảng tường rêu Hội An, hay điệu múa thần linh chập chờn ký ức trên điêu tàn đền tháp Mỹ Sơn…
Ít có họa sĩ nào như Minh, dành trọn đời sáng tác để chiêm nghiệm và thăng hoa miền đất di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn - quê hương thân yêu của anh.
Ký ức phố xưa là tên gọi cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của Phan Ngọc Minh vào năm 1994, tạo nên dấu ấn đặc biệt bất ngờ trong công chúng. Nhưng điều gì và từ đâu đã tạo nên những ký ức sâu thẳm, miên man và thơ mộng như vậy?
Họa sĩ Ngọc Minh cho biết: “Dẫu cuộc sống đổi thay nhanh chóng, tôi nhận ra Hội An vẫn còn nguyên vẻ đẹp cổ kính. Hơn thế nữa, cái đẹp nơi đây không chỉ là bề dày lịch sử, không chỉ được hình thành bởi chùa chiền, đình miếu, nhà cổ... mà chính con người - họ đã làm cái đẹp trở nên phong phú, sống động. Chính họ là những người làm nên “hồn phố cổ Hội An”.
Điều ấy thôi thúc Minh tìm đến, vẽ về Hội An. Anh vẽ ông bán xí mà phù, bà già bán chè xanh, bà già hát hò khoan, bà già làm gốm... Ký ức anh là thời niên thiếu theo học tại Hội An và khoảng dài mấy chục năm miệt mài chiêm nghiệm từng con người, từng góc phố.
“Thông điệp mà tôi gửi gắm qua tác phẩm về Hội An, là vẻ đẹp ấy, nếu không có sự quan tâm, chăm sóc cẩn thận từ bàn tay con người rồi cũng dễ dàng mai một” – Minh nói.
Cùng thời gian này, Phan Ngọc Minh nhiều lần đến với đền tháp Mỹ Sơn để ghi chép, làm ký họa. Bên cạnh những mái ngói cổ kính, những mảng tường rêu Hội An, những tháp Chàm nghiêng đổ và u tịch với anh giống như duyên phận. Nhiều khi trong giấc ngủ, anh luôn bị ám ảnh về những nơi đó.
Đặc biệt, với Mỹ Sơn, Phan Ngọc Minh cho rằng, những nghệ nhân của Chămpa xưa đã dâng tặng cuộc sống những tác phẩm hết sức tuyệt vời. Thông qua đó, anh có thể học được nhiều điều. Anh đã vẽ bằng tất cả cảm hứng, chứ không phải những ghi chép đơn thuần.
Minh bày tỏ: “Bao nhiêu thời gian trôi qua, vậy mà mỗi lần ghé lại Mỹ Sơn, tôi vẫn mang nguyên cảm xúc như lần đến đầu tiên, và luôn nhận ra những điều rất mới ở những tác phẩm gạch đá xưa cũ nơi đây”.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Ngọc Minh tại Mỹ Sơn, là vào năm 1983, anh đã gặp và vẽ chân dung kiến trúc sư Kazik bên cạnh những đền tháp hoang phế mà ông đang tìm mọi cách cứu vãn. Năm 1996, Ngọc Minh ở lại Mỹ Sơn trong nhiều tháng. Năm 1999, đúng vào thời điểm Hội An và Mỹ Sơn được xếp vào di sản thế giới, Ngọc Minh có cuộc triển lãm Nhật ký Mỹ Sơn ngay tại khu đền tháp.
Sau Ký ức phố xưa tại Hội An và Nhật ký Mỹ Sơn tại Mỹ Sơn, Phan Ngọc Minh tiếp tục đi và vẽ trên nhiều miền đất trong và ngoài nước. Nhiều cuộc triển lãm của anh được dư luận hết sức quan tâm như: Phan Ngọc Minh và Chămpa tại Pháp (2000); Mỹ Sơn - Hội An và những kỷ niệm Paris tại Pháp (2004); Triển lãm tranh tại Hội những người Việt tại Paris – Pháp (2005); Việt Nam/Kerry và Minh tại Ireland (2007); Minh & Heritages (Minh và Những di sản) tại TP.Huế (2009)... Gần nhất, vào cuối năm 2018, đầu năm 2019, Phan Ngọc Minh có chuyến sáng tác tại Mỹ theo lời mời từ Đại học Boston College (bang Massachusetts).
Anh cho biết, các tác phẩm chủ lực tại các lần triển lãm cũng đều có chủ đề về Hội An và Mỹ Sơn. Trên website của Đại học Boston nêu nhận định: “Phan Ngọc Minh là một nghệ sĩ độc lập nổi tiếng đến từ Đà Nẵng, Việt Nam. Ông đã dành sự nghiệp của mình để tìm kiếm di sản tôn giáo của nền văn minh Chămpa cổ đại ở Mỹ Sơn, Việt Nam. Những bức tranh của ông về các biểu tượng tôn giáo của Chămpa đã đưa trở lại kho báu tôn giáo của một nền văn minh bị lãng quên của Việt Nam…”.
Xem tranh Phan Ngọc Minh, thường dễ bắt gặp những sắc đỏ - đen, đôi khi chuyển tiếp xám, trắng nhẹ… và những hình khối vuông - tròn, mang những đối cực tâm lý đau buồn - hân hoan, sự tuyệt vọng - niềm tin.
Một người bạn nhận định về tranh anh: “Vẽ kỹ mà như không kỹ. Những đường lượn (arabesque) ngọt ngào, cả như chữ ký tên Minh của anh. Nét vẽ, bố cục tranh như lột tả được cái hồn u uẩn Chămpa - anh đã gắn bó bao năm tháng, nơi chốn quê nhà ấy. Tranh Phan Ngọc Minh là sự liên kết giữa khoảng không và ngồn ngộn chất liệu, và dưới lớp sơn óng ánh kia là những ký hiệu tượng hình, những totem mà anh gửi gắm. Tôi nhận ra ở đó cả phận người. Hạnh phúc có mà đớn đau có - như anh đã từng phát biểu: Hạnh phúc và bất hạnh là một, không khác...”.
Có lẽ vì vậy, những tác phẩm của Phan Ngọc Minh đã thắp lên ngọn lửa làm bừng sáng cái đẹp bất diệt, vĩnh hằng của một vùng đất di sản văn hóa.