Đường về Quảng Nam xa lắm...
Tin nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển qua đời tại nhà riêng ở TP.Hồ Chí Minh được truyền về Quảng Nam giữa khuya 6.5.2020 khiến những người đã từng gặp gỡ, quen thân và trân quý anh như chúng tôi hụt hẫng, dẫu biết chẳng thể nào khác.
Không hề ngạc nhiên trước cuộc ra đi này bởi nhiều năm nay chúng tôi luôn chia sẻ cùng anh trong cuộc sống từng ngày với căn bạo bệnh ung thư phổi, nhưng lòng vẫn thấy mất mát điều gì đó rất lớn tựa hồ tình yêu, sự ngưỡng vọng và cả nỗi niềm thương tiếc một tài hoa xứ Quảng. Vậy là, điều anh tiên lượng 15 năm trước trong bài hát “Đường về” của mình giờ đã thành sự thật: Đường về Quảng Nam xa lắm, rừng núi mênh mông, ghềnh thác lênh đênh…
1. Lần đầu tiên tôi gặp nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là vào năm 2005 khi thực hiện video clip “Hoài niệm Trường Giang” gồm 10 ca khúc của anh viết riêng cho Tam Kỳ, mảnh đất tuy không phải là quê hương nhưng đã cho anh rất nhiều kỷ niệm đắm đuối thuở thiếu thời.
Biết tên tuổi anh từ nhiều năm trước qua những ca khúc được người yêu âm nhạc cả nước mến mộ như “Thu, hát cho người”, “Điệu buồn phương Nam”… trong lòng cứ nghĩ, ông nhạc sĩ này “dữ dằn” lắm nhưng hóa ra anh lại rất hiền lành, chơn chất như bao người Quảng Nam chưa hề ra khỏi mảnh làng của mình.
Ở người nhạc sĩ này có sự cuốn hút kỳ lạ từ phong thái nhẹ nhàng, từ giọng nói trầm đều và cả những câu chuyện miên man bất tận, thú vị, hài hước nhưng đầy trí tuệ về nhiều đề tài. Đó là lần đầu tiên tôi kịp nhận ra một cách chân xác những điều mà người ta hay nói về anh như nhà giáo, nhà Kim Dung học, nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu, người đầu tiên đưa điệu thức nhạc tài tử Nam Bộ vào trong tân nhạc hay nhạc sĩ của mùa thu… Tất cả những “nhà” ấy đều được ẩn chứa trong một con người bình dị và gần gũi.
Sau này quen thân, rồi có những giao tình, tôi càng quý trọng người nhạc sĩ này ở tấm lòng nhung nhớ, yêu mến thiết tha quê hương xứ Quảng của mình dẫu sinh sống và làm việc cách xa cả nghìn cây số.
Tình yêu quê mà có lần anh từng tâm sự với tôi rằng: “Trong đời mình, ai cũng có những hình bóng nhất định để mình nhớ, mình yêu thương, trân trọng. Với tôi, quê nhà Quảng Nam là hình bóng đất đai tiên tổ, là cha mẹ tôi, là con sông Trường Giang thơ ấu tôi đã từng lội sông bắt ốc, xúc tôm cùng với chị, tắm ở trên dòng sông này... Biết bao là hoài niệm để mà quay quắt nhớ thương”.
Có lẽ vì vậy mà khi đặt bút viết ca khúc về Quảng Nam anh đã lựa chọn “Hoài niệm Trường Giang” làm tên gọi cho tuyển tập 10 bài hát của mình. Anh cũng cho biết, Trường Giang là nơi khởi nguồn cảm hứng để năm 1968 viết ca khúc “Thu, hát cho người” - trở thành một trong những bài hát về mùa thu hay nhất thế kỷ.
Chính vì thế, tôi tin rằng, riêng về lĩnh vực âm nhạc, ít có nhạc sĩ nào tuy sống xa quê gần trọn một đời như Vũ Đức Sao Biển lại luôn để con tim và tài năng của mình thổn thức những nhịp đập cùng quê như thế. Trải dài theo dòng Trường Giang, Thu Bồn và những làng quê xứ Quảng là những “Thu, hát cho người”, “Đường về”, “Bài thơ hoa cúc”, “Hoài niệm Trường Giang”, “Bài thơ quê lụa”, “Phố giáng hương”, “Vinh danh bà mẹ Thu Bồn”... Và gần đây là những ca khúc “Tình ca cầu Giao Thủy”, “Trăng miền hạ”, “Trên đồi xưa”, mới nhất là “Chuyện một người Quảng Nam”.
2. Cách đây hai năm, lúc nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển vẫn còn khỏe, tôi có dịp cùng anh trở lại quê nhà Duy Xuyên, tìm về đồi sim ngày cũ. Trên đồi xưa, sim đã vào mùa kết trái, từng nhánh từng cành, từng gốc sim già… là từng kỷ niệm gợi nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng người nhạc sĩ. Những câu hát yêu thương của “Thu, hát cho người” thuở nào giờ lại có dịp bật lên đầy xúc cảm…
Và, cũng chính từ nguồn cảm xúc dạt dào ấy, nhạc sĩ lại hứng khởi để viết ngay “Trên đồi xưa” với những ca từng đầy nhung nhớ: “Chuyện ngày xưa thân ái đã trôi như dòng sông/ Rừng thu con suối hát xa nguồn/ Về đây trong hoa lá lánh xa nơi phồn hoa/ Về đây trong dấu yêu quê nhà/ Ta đã ôm đàn lên đồi xưa”. Cùng anh ngồi trên đồi sim vào một buổi chiều tà, ôm đàn ca hát, bóng hoàng hôn nhuộm tím một vùng đồi, lòng cứ miên man nghĩ ngợi về tấm chân tình của người xa quê, muốn ôm trọn đất đai, quê xứ của mình kẻo lỡ mai này sẽ không còn có dịp…
Điều đáng trân quý nữa ở anh khiến tôi cứ nghĩ hoài về trách nhiệm, tình cảm của một đàn anh đi trước trong lĩnh vực âm nhạc với các thế hệ làm văn nghệ ở Quảng Nam sau này. Đó là, không chỉ sáng tác nhiều và chú trọng vận dụng các làn điệu dân ca xứ Quảng vào ca khúc của mình, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển còn lựa chọn ca sĩ là những người con của chính mảnh đất quê hương xứ Quảng để thể hiện bài hát. Sở dĩ nhạc sĩ làm như thế là vì anh muốn nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca xứ Quảng cần phải được hát lên bởi người Quảng. Và, đúng như vậy, những giọng hát trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng đất Quảng như Quỳnh Anh, Đỗ Quyên, Thu Mây, Thu Hiền, Khắc Vận, Thùy Dương, Khánh Trâm, Minh Tâm... khi hát lên ca khúc Vũ Đức Sao Biển đã khiến người nghe xúc động.
3. Rất nhiều lần, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trải lòng cùng tôi rằng, đời người, ai cũng có những lúc ra đi và những chuyến trở về. Đường về quê nhà Quảng Nam như cách anh nói là rất đẹp. Cái đẹp này có lẽ vì người quay về đã gặp đâu đó hình bóng mình của những ngày ấu thơ và hoa niên đầy dấu ấn kỷ niệm. Và hơn bao giờ hết, trên con đường quay về cố xứ, người nhạc sĩ đã cảm nhận được sự đổi thay từng ngày của quê hương mình, để rồi bất chợt những giai điệu được cất lên giữa khoảng trời yêu dấu.
Tôi cảm nhận được điều này qua ca khúc có lẽ là cuối cùng anh viết cho quê hương mà cũng là viết cho chính mình trong những ngày chống chọi với những cơn đau xé nát tâm can vì bạo bệnh - một người Quảng Nam dù ra đi biền biệt trời Nam, nhưng vẫn giữ cốt cách “Người Quảng Nam thương ai cứ bảo rằng thương, ghét ai cứ bảo rằng ghét/ Không say tiền bạc hay say mùi hư danh/ Không ham lợi lộc hay ham đời hoa gấm/ Người Quảng Nam nói đi là đi/ Đi là đi miết từ khi chưa về...”. Có điều gì như là gửi gắm chăng?
Vâng, tôi hiểu nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển bởi gần hai chục năm từ thuở biết anh, anh luôn dang rộng lòng, trải dạ đối đãi với mọi người, nhất là khi nói về quê xứ. Cuộc đời quả thật đã có những ngày buồn vời vợi như ngày hôm nay khi nghe tin anh vĩnh viễn ra đi, lại nghĩ về anh trong “Chập chùng Trường Sơn giăng mắc, ngàn thước khe sâu, ngàn thước non cao/ Đường về Quảng Nam xa lắm, rừng núi mênh mông, ghềnh thác lênh đênh...”.
Xin thắp nén tâm nhang giữa trời quê xứ Quảng để tiễn biệt anh đi!