Khép hẹn hò, và đợi...
Trận đại dịch đã buộc phải ngồi yên, một điều vốn quá khó đối với văn nghệ sĩ - những người thích xê dịch. Và hẹn hò, cũng đành khép lại, cả đối với những đứa con tinh thần của họ.
Nguyễn tuân đã chẳng bảo, rằng khi chết hãy lấy da ông thuộc ra để làm nên chiếc va ly. Để ông còn… tiếp tục đi. Những cuộc xê dịch tạo nên vốn sống, cảm hứng sáng tạo cho nhà văn. Nhiều khi đi xa để chỉ viết về chính quê hương, bản quán của mình, những nơi mình vừa rời đi! Lạ là thế. Cứ như ngồi một chỗ nhìn hoài thì chẳng thấy gì, càng nhìn càng thêm mù mịt (?).
Năm 2020, Chi hội Văn học tỉnh dự định tổ chức hai chuyến đi thực tế Tây Giang: Một chuyến đi gọn nhẹ kết hợp với một vài văn nghệ sĩ các chi hội bạn, một chuyến đi toàn chi hội. Ở đó có nhiều chất liệu để viết. Đất và người nơi biên cương chính là vùng có nhiều trữ lượng văn hóa, đời sống để các văn nghệ sĩ tha hồ khai thác.
Nhưng rồi, dịch cúm Covid-19 đến như… cơn dịch xua tan hết các thứ dự định. Lần lữa mãi, chờ qua cơn dịch nhưng rồi ngày càng thêm phức tạp. Rồi lệnh cách ly xã hội, hạn chế ra đường, tụ tập... Mọi thứ đành gác lại chờ… hết dịch.
Một nhu cầu khác của văn nghệ sĩ là nhu cầu giao tiếp. Cần gặp gỡ để bàn luận về văn chương thế sự. Và cả những câu chuyện bếp núc trong sáng tác. Với dịch giã như thế này thì mọi nhu cầu gặp gỡ cũng đành phải hoãn đi đến hết mùa dịch thôi!
Mùa này là mùa công bố sách của các tác giả. Được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, năm nay 11 tác giả được hỗ trợ kinh phí để công bố tác phẩm. Cộng thêm số tác giả được hỗ trợ từ nguồn của Chính phủ. Một năm coi như… bội thu! Nhưng, lại nhưng, sách in xong vừa đúng mùa dịch. Lại chờ, lại hy vọng dịch sớm tắt nhưng rồi mọi thứ ngày thêm nghiêm trọng.
Hình như người có sách in sớm nhất là Nguyễn Tấn Ái với tập truyện ngắn “Bùa yêu”, kế đó là Nguyễn Bá Hòa với tập truyện “Phía sau tháp nắng”. Rồi Huỳnh Thu Hậu với tập “Diễn ngôn văn chương: Những vẻ đẹp khác biệt” - tiểu luận phê bình. Nguyễn Hải Triều in tập truyện “Bến vắng” như một kiểu tiên liệu trước (?). Nguyễn Tam Mỹ với tập truyện mới “Thần sông báo mộng”. Mỹ An với tập thơ “Trăng của rạ rơm”. Rồi “Năm tháng long lanh”, ký của Duy Hiển; “Hà Đông - Tam Kỳ: Những lát cắt thời gian”, biên khảo và ghi chép của Ngô Phú Thiện. Lê Văn Ri và tập thơ “Phía xa xăm”. Mai Thanh Vinh với tập thơ “Một giấc mơ vừa”…
Cũng hẹn hò nhau cùng bạn bè làm một bữa ra mắt sách hoành tráng, không tổ chức riêng thì làm chung. Không tổ chức ra mắt hoành tráng thì gặp nhau ở quán mô đó cùng vài gương mặt bạn bè chí cốt, bởi có khi mỗi người cả đời chỉ có một cuốn sách.
Đặc biệt nhất có lẽ là Vũ Thiên Tường với tập thơ “Ký họa mùa đông”. Tôi còn nhớ năm 2015 khi tôi ra mắt tiểu thuyết “Bến cạn” ở quán cà phê Trầm, có mời Vũ Thiên Tường. Thấy vắng mặt anh, tôi hỏi mấy bạn Núi Thành cùng đi nhưng không ai biết tin. Sau, mới hay đang trên đường từ Chu Lai ra Tam Kỳ tham dự thì Vũ Thiên Tường bị tai nạn. Nằm bệnh viện Chu Lai với lời nhắn dễ thương: “Đừng cho ai biết để khỏi… mất vui!”. Nay, Vũ Thiên Tường ra mắt tập thơ đầu tay, dự định sẽ “cháy” cùng Tường một bữa, ai dè. Vũ Thiên Tường đành ngậm ngùi tổ chức ra mắt sách trên… Facebook với hình thức: Chụp ảnh bìa sách, cùng lời đề tặng cũng là lời nhắn: Sẽ gặp nhau khi… hết dịch!
Tình hình dịch ngày càng phức tạp khiến một số tác giả khác đã có giấy phép xuất bản nhưng vẫn gác lại, chờ… hết dịch mới in. Và, còn khá nhiều người chuẩn bị xong bản thảo rồi… để đó! Chặc lưỡi an ủi nhau: bao nhiêu chuyện quan trọng còn phải xếp lại huống chi chuyện mình! Ngay đến hội sách lớn như Hội sách lần thứ XXI ở TP.Hồ Chí Minh cũng phải hoãn lại chưa biết đến bao lâu!
Nhiều người khác tranh thủ thời gian cách ly như một kiểu đi trại sáng tác (tại gia), để viết, để tu chỉnh bản thảo. Có thể nhờ tình thế khá đặc biệt này mà nhà thơ Nguyễn Giúp mới sắp xếp thời gian, ý tưởng, điều kiện… để hoàn thành trường ca (anh gọi đùa là thơ dài) tạm đặt tên là “Quảng Nam” trong đó đất và người Quảng Nam dần hiện lên khá rõ cùng với chất liệu là các tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ đất Quảng…
Dù sao thì nhiều tập sách đã được giới thiệu trang trọng trên Báo Quảng Nam, Tạp chí Đất Quảng và nhiều kênh khác. Nhiều cuốn sách chưa đến tay người đọc nhưng đã đến được với tấm lòng người đọc và bạn bè văn nghệ. Đó cũng là hạnh phúc của những người cầm bút. Thì vẫn như là ai đó đã … tìm cuộc tình cho mà! Hẹn, sẽ gặp nhau thật ấm cúng sau mùa dịch tan! Với chừng nớ sách mới thì tha hồ… tưng bừng.