"Từ nguồn xuống biển - Vết tích văn hóa Chămpa xứ Quảng"
Cuốn sách trên do Ban Quản lý Di sản Mỹ Sơn xuất bản nhân kỷ niệm 20 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới (4.12.1999 - 4.12.2019) và 10 năm Cù Lao Chàm được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng từng là trung tâm của Vương quốc Chămpa (Chiêm Thành), tồn tại từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 15. Trong vùng còn lưu nhiều di tích của văn hóa Chămpa. Ở vùng đồi núi trung du có quần thể 70 đền tháp tại thung lũng Mỹ Sơn được xây dựng liên tục trong 10 thế kỷ. Ở khu vực đồng bằng, bên cạnh những đền tháp còn đứng vững như Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bằng An, các nhà khảo cổ còn phát hiện những trung tâm cư trú và tín ngưỡng của vương quốc Chămpa như ở Đồng Dương, Trà Kiệu và ở sát cửa biển Đà Nẵng cũng còn những di tích như: Ngũ Hành Sơn, Xuân Dương, Hóa Quê, Phong Lệ, Quá Giáng…
Bên cạnh những di tích vật thể, các dấu vết in đậm trong đời sống văn hóa của cư dân vùng Quảng Nam và Đà Nẵng thể hiện sự cộng cư, tiếp xúc lâu dài giữa cư dân Chămpa và Đại Việt thế kỷ thứ 15 về sau. Bóng dáng các vị thần Chămpa không chỉ tiềm ẩn ở những tượng thờ mà còn ở các danh và tục lệ thờ cúng ở các địa phương. Các con sông Thu Bồn, Vu Gia đổ về cửa biển Hội An và Đà Nẵng đã tạo nên môi trường sinh sống cho hàng triệu cư dân từ nguồn xuống biển hình thành các kỹ năng khai thác nguồn lợi và giao thương buôn bán, tạo nên đặc trưng văn hóa của một vùng đất vốn là nơi tiếp xúc của các nền văn minh lớn trong lịch sử.