Nỗi nhớ trong thơ Hoàng Công Hảo
Hoàng Công Hảo vừa ra mắt thi tập Hồn cố hương (Nxb Hội nhà văn, tháng 11.2019, 90 trang, tranh bìa Hoàng Đặng) với 45 bài thơ, gồm nhiều đề tài đa dạng, phong phú, nhưng tựu trung cảm thức lắng đọng nhất với người đọc, có lẽ là nỗi niềm nhung nhớ cố hương.
Nỗi nhớ chan chứa tình quê, hồn quê ấy, không hẳn bởi tác giả mang tâm trạng ưu hoài của kẻ ly hương, mà bởi trong cái không gian, núi đồi, dòng sông… gắn liền với tác giả từ thời thơ ấu, giờ đã quá nhiều dâu bể, đổi thay: “Mấy trăm năm ai nhớ ai quên/ Dù sống muộn phiền hay chết an nhiên/ Xin mãi gọi cái tên yêu dấu/ đến ngàn sau như từng nung nấu/ Kế Môn đất mẹ yêu thương/ Hồn cố hương/ Hồn cố hương!” (Hồn cố hương).
Hoàng Công Hảo nguyên là giáo viên dạy văn các trường cấp 3 Tiên Phước, Hòa Vang, Trần Cao Vân (Tam Kỳ), nay đã về hưu. Trước đó, anh đã cho ra mắt các thi phẩm: Đi tìm khoảng lặng (Nxb Thuận Hóa, 2005), Điềm nhiên cỏ (Nxb Đà Nẵng, 2010), Xoay vần theo con chữ (Nxb Văn học, 2013), Nghêu ngao cùng lục bát (Nxb Hội nhà văn, 2016)… Với thi phẩm mới nhất Hồn cố hương, ký ức của tác giả hiển lộ một quê nhà thật dịu dàng tha thiết từ thiên nhiên: “thời trẻ về quê thường ra biển/ ngắm nhìn nước biếc với trời cao/ chạy băng qua những đồi cát mịn/ vừa chạy vừa nghe tiếng gió gào (Biển quê mình), đến những người thân yêu: “vẫn còn trong ký ức tôi/ thiết tha chị hát những lời ca dao…”, để rồi: “đến khi chị bước theo chồng/ bao nhiêu âm điệu trong lòng đa mang/ lặng im mà rất rộn ràng/ đàn con chị tắm dịu dàng lời ru” (Chị tôi).
Tuy nhiên, đôi lần tác giả có những băn khoăn, lo lắng nặng chất đời: “Thị Nở trên đường đà vắng bóng/ bây giờ phụ nữ ngó xinh hơn?/ Chỉ lạ Chí Phèo thì còn sống/ đổi đời thay lốt cứ nhơn nhơn”, và: “giả thử bây giờ ông còn sống/ nhân vật nào sẽ ra đời/ hay chỉ thấy người là lợm giọng/ treo bút tìm đường chạy ra khơi!” (Tưởng nhớ Nam Cao). Bên cạnh nỗi niềm cố hương, trong thi tập của Hoàng Công Hảo còn lấp lánh những câu chuyện tình buồn chẳng thể nguôi ngoai: “người cố quên tôi cũng cố quên/ xem như mặt lạ chẳng hề quen/ dù trong đôi mắt còn vương vấn/ một nỗi niềm gì khó gọi tên” (Tình quên); hay: “biết hỏi ai về một người quen/ đã đi vào trong chốn lãng quên/ bốn mươi năm trôi đi biền biệt/ sao lòng anh cứ mãi chong đèn!” (Tìm lại), và: “cứ nghĩ có duyên mà thiếu nợ/ đâu biết lời nguyền vẫn theo sau” (Câu nguyền ngày cũ)…
Với tâm hồn thi sĩ, trăn trở trước khát vọng sáng tạo và phận người, thơ Hoàng Công Hảo đậm những suy tưởng, ưu tư: “đến có ai hẹn trước bao giờ/ và khi đi cũng rất bất ngờ/ thoắt hiện hữu thoắt phi hiện hữu/ cõi trăm năm nửa tỏ nửa mờ” (Công án), hoặc “được làm người quả thật không dễ/ được làm người sá kể khổ đau/ được làm người mãi đến kiếp sau/ mình tự thấy gì vui hơn nữa!” (Lan man), hay “một lần thôi sẽ quay về/ bởi trần gian chốn hẹn thề phong phiêu/ nơi đây sớm nắng mưa chiều/ mỗi ngày yêu mỗi ngày yêu mỗi ngày…” (Thử chết một lần).
Thơ Hoàng Công Hảo không kiểu cách, cầu kỳ, nhưng cũng không hề đơn điệu. Thơ anh chừng được chưng cất và tỏa sáng từ nỗi nhớ nhung suốt một đời người đa cảm, đa đoan. Có lẽ chính điều đó làm nên sự quyến dụ, đáng yêu ở thi tập Hồn cố hương của Hoàng Công Hảo.