"Và nỗi đau nghiêng như chiếc lá…"
Mở đầu tập thơ Tạ (NXB Hội Nhà văn, 2018) hơn 100 trang với 68 bài của Trương Vũ Thiên An là những trang viết “Đối - Độc thoại thay lời tựa”. Tác giả thiệt thà giãi bày nguồn cơn? Chợt nhìn dòng “lạc khoản”: “Tam Kỳ, ngày x tháng y năm z” - thì chẳng còn phân vân gì nữa, chẳng khác nào “Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê: Rằng mộng ban đầu đã xa” (Bùi Giáng). “Tạ” không chỉ như tác giả nói theo nghĩa “Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng!” (Truyện Kiều).
“Tạ” có quá nhiều hồi tưởng, mỗi bài là một kỷ niệm đợi tuôn về trong “lá”: Lá cưu mang ký ức: “Kỷ niệm cứ hóa thành chiếc lá sau mưa” (Chiếc lá); lá truyền đi một sử xanh: “những chiếc lá Trường Sơn vẫn trôi ngang cửa/ ghi chép của đại ngàn dưới những cơn mưa” (Những chiếc lá Trường Sơn); lá hốt hoảng trong gió cuốn: “lá thảng thốt trút theo lạ lẫm cuối mùa” (Những giấc mơ); lá hồi họp hồi sinh: “chiếc lá ghim diệp lục vào ngóng canh mùa mới” (Những giấc mơ)… Như thi ca muôn thuở, như phận người trăm năm, lá vẫn hát ca trong bi kịch - “và dưới chân là lá vàng hờn dỗi hát”, để mang vác thiên chức biến nỗi đau con người thành cái Đẹp: “và đau nghiêng như chiếc lá (Thu cổ điển)… Tin vào “tự bạch” rất dễ bỏ quên chiếc lá bất ngờ bay lạ trên trang thơ Trương Vũ Thiên An.
Quê hương cụ thể với Trương Vũ Thiên An cũng vượt khỏi địa giới để phận người đi qua, tạo nên một “Hợp âm” trong cây đàn muôn điệu của định mệnh sáng tạo:
“Sông Hương là tình đầu tôi
và Trường Giang là hẹn hò định mệnh
tôi cứ sống như một ngày chim đến
tha tôi về nhả hạt giữa làng quê”
“Tạ” không chỉ tìm về mà còn ra đi; trong ra đi lại chất nặng hành trang quá khứ của phong - cách - thơ và thể - cách - sống, cũ kỹ như kỷ vật, như một ấp ủ không thành - “không kịp gọi tên một mùa hoa nở/ chân em dẫm lên vai tôi không vết xước cuối cùng”:
“quệt lên ngọn đèo một mùa hương
một mùa sương chưa kịp ủ thành mây trắng
mắc nợ Hố Bền lời thề chẳng đặng
mắc nợ mặt trời câu chú từ đỉnh Núi Chúa cao nghiêng lọt thẳng xuống Thu Bồn
Ở đó
những bọng than ấp hình tổ ong trái đắng
nở cô đơn rát rạt một vại trung du buồn”
(Tuổi trẻ tôi)
Nhịp điệu của thơ có vẻ thong thả nhưng chữ thì quyện vào nhau vội vã, nhất là những dòng thơ dài chen mỗi đoạn muốn chứa đủ cùng lúc các tín hiệu, các cung bậc cảm xúc. Sức nặng của “Tạ” chính là hình ảnh. Không có một bài thơ nào trong “Tạ” mà không có “vết xước” một quê hương như nghĩa đã nói ở trên.
Trong yêu, thơ của Trương Vũ Thiên An cũng nhẹ nhàng, đằm thắm dù hụt hẫng vỡ tan, dù như chim rã cánh trong “Mưa”, đang nỗ lực “Vỗ trong gió mưa”:
“Em đừng ra giữa trời mưa
mưa em ướt với cơn mưa đất trời
tôi sầu như một trùng khơi
một mình lặng ngắm tôi rơi một người”
Tình trong thơ họ Trương là tình đầu, không dữ dội như tình cuối, tình chết; em không bạc tiền quyến dụ mà chỉ là “Em ngày ấy như một đồng bạc mới/ đẹp tinh khôi như thể nửa nụ cười” (Nấp nhỏ mùa xuân).
Có lẽ “Tạ”, nhân một lần, vì muốn tri ân đến nhiều đối tượng bên đời mình, nghề mình, trong quá nhiều vai mà số phận đặt vào tác giả, trong một “lễ tạ” mà có món gì cũng muốn bày cả ra trong “ngày tôi bay về bốn phương trời” (Đồng đội), cho phải phép, cho được nhiều hương vị, cho hợp nhiều khẩu vị. Người viết bình tĩnh dọn dẹp, sắp xếp chắc “lễ tạ” sẽ trang trọng hơn, sẽ đẹp hơn lên, nhất là khi “Tạ” - bằng - thơ và “Tạ” - cho - thơ trong thời khắc “nỗi đau nghiêng như chiếc lá”.