Người luôn "mắc nợ" dân ca kịch

NGỌC KẾT 19/06/2019 09:39

Gần hai mươi năm nay, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức luôn nhận lãnh trách nhiệm là người chuyển thể ca kịch bài chòi cho các vở diễn của Đoàn Ca kịch Quảng Nam.

Nguyễn Sỹ Chức.
Nguyễn Sỹ Chức.

Những lần gặp Nguyễn Sỹ Chức khi ông bất chợt xuất hiện để chào đón, góp ý cho đứa con tinh thần mình viết kịch bản hay chuyển thể ca kịch ra đời…, tôi đều đặc biệt ấn tượng với nhà biên kịch này. Một sự trầm lặng đầy suy tưởng để rồi trở nên riết róng, bộc trực khi đề cập đến câu chuyện chuyên môn của vở diễn. Tôi biết, sau tất cả điều ấy là một tình yêu hết mực ông dành cho dân ca kịch Quảng Nam từ buổi ban đầu dấn thân vào nghệ thuật…

Một thời đất lửa khu 5

Mùa xuân năm 1972, từ một khóa đào tạo diễn viên, nhạc công cấp tốc phục vụ chiến trường ở Hà Nội, chàng trai người Thanh Hóa Nguyễn Sỹ Chức cùng anh em đồng đội khoát ba lô vào khu 5 đất lửa trong “biên chế” của Đoàn Ca kịch giải phóng Trung Trung Bộ. Năm ấy, Nguyễn Sỹ Chức mới vừa tròn 16 tuổi. Trái tim tuổi trẻ với khát vọng lên đường ra tiền tuyến bấy giờ như ngọn lửa réo gọi, giục giã chàng trai xứ Thanh vượt qua những thử thách trên hành trình Nam tiến để lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Quảng Nam. Những tên đất, tên làng bàn chân anh và đồng đội đi qua như Nước Mỹ, Nước Y, Nước Nghêu, sông Tranh, sông Trường, bà Huỳnh, bà Xá… và nơi đoàn đóng chân Trà Nô - Phước Trà, huyện Hiệp Đức đều để lại những dấu ấn khó phai nhạt trong suốt cuộc đời.

Cảnh Trần Quý Cáp ra pháp trường trong vở Thai Xuyên Trần Quý Cáp..
Cảnh Trần Quý Cáp ra pháp trường trong vở Thai Xuyên Trần Quý Cáp..

Nguyễn Sỹ Chức nói mảnh đất xứ Quảng vừa như để thử thách trái tim nhiệt huyết tuổi trẻ lại vừa như một bối cảnh để rèn giũa, thổi bùng ngọn lửa đam mê nghệ thuật truyền thống đã nung nấu từ thuở thiếu thời. Anh kể với tôi về cái tết cuối cùng của chiến tranh và về khoảnh khắc sinh tử trong gang tấc khi vượt sông Vu Gia để qua vùng B Đại Lộc phục vụ bà con vui xuân đón tết. Đó là buổi chiều mùng một tết năm 1975, khi cả đoàn vượt sông thì đạn cối từ Thượng Đức bắn tới tấp, khói lửa mịt mù một khúc sông. Nhưng may mắn và nhờ có anh em địa phương hỗ trợ nên đoàn qua sông an toàn.

Đêm ấy, bà con nhân dân nghe tin đoàn dân ca về biểu diễn đã nô nức kéo nhau đến xem vở diễn Thoại Khanh Châu Tuấn. Đứng trên sân khấu, Nguyễn Sỹ Chức không thể ngăn dòng cảm xúc tuôn trào đến rơi nước mắt khi phía dưới kia là hàng trăm bà con đã bất chấp hiểm nguy chờ đợi vở diễn mở màn. Khi vở diễn vừa kết thúc, từ Thượng Đức, đạn cối lại nã tới tấp, một quả trúng ngay giữa sân khấu, nơi mà chỉ cách đó ít phút, Nguyễn Sỹ Chức đứng chỉ huy dàn nhạc… Anh bảo, đó là những khoảnh khắc đẹp lung linh, ghi sâu vào lòng anh để sau này mỗi lần gặp khó khăn, cách trở thăng trầm trên đường đời và sự nghiệp…, anh lại nhớ về thuở ban đầu ấy để vững tâm bước đi.

Gắn bó với dân ca kịch

Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức sinh năm 1956 tại Thanh Hóa, hiện là Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. Ông có hơn 40 năm gắn bó với nghề biên kịch sân khấu tuồng và dân ca với gần 100 kịch bản và chuyển thể sân khấu, đoạt nhiều giải thưởng lớn của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam. Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật năm 2017.

Với những người đi ra từ khói lửa chiến tranh như nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức thì ký ức luôn réo gọi bước chân quay về chốn cũ. Và, có lẽ như duyên nợ cuộc đời, một lần nữa anh lại gắn bó với xứ Quảng trong vai trò chuyển thể ca kịch bài chòi cho Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng vở “Nàng Si - ta” của hai cha con Lưu Quang Thuận, Lưu Quang Vũ vào năm 1982. Vở diễn sau đó được dàn dựng, lưu diễn khắp các vùng quê xứ Quảng và để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Và, bắt đầu từ vở diễn này, Quảng Nam như một sợi dây gắn kết cuộc đời anh trong vai trò là người chuyển thể ca kịch bài chòi hơn 20 vở diễn. Điều gì đã giúp một người con xứ Thanh, sau chiến tranh định cư ở Nha Trang, lại am hiểu về dân ca bài chòi và trở thành “người không thể thiếu” mỗi lần muốn dựng vở của Đoàn Ca kịch Quảng Nam? Một nụ cười hiền và một ánh mắt tha thiết như nhớ nhung điều gì, Nguyễn Sỹ Chức bảo: “Được đào tạo nhạc công âm nhạc truyền thống là một phần, nhưng điều quan trọng với tôi là những năm tháng sống và hoạt động nghệ thuật ở vùng đất này, những trải nghiệm, ân tình và cả những câu dân ca Quảng Nam chân chất như thấm vào máu thịt…”.

Có lẽ vì thế, suốt những năm tháng hoạt động nghệ thuật của mình, Nguyễn Sỹ Chức luôn xem Đoàn Ca kịch Quảng Nam là “ngôi nhà” thứ 2 của mình. Cứ mỗi lần ra bắc vào nam, ngang qua xứ Quảng, anh lại dừng chân để ghé thăm anh chị em nghệ sĩ, diễn viên, trong đó có những người từng tham gia đóng vai trong vở diễn “Nàng Si - ta” anh chuyển thể ngày trước như Đỗ Linh, Minh Hiệp, Văn Quang, Hải Yến và các diễn viên thế hệ nối tiếp mà anh cho rằng đó là tương lai tươi sáng của dân ca kịch Quảng Nam hiếm đâu có được như Quang Việt, Hùng Nhật, Ngọc Uyên hay Hồng Trang…

Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức cho rằng, lứa diễn viên trẻ của Đoàn Ca kịch Quảng Nam hiện tại là “tài sản quý” cho các vở diễn đề tài đương đại phản ánh bức tranh sinh động, không khí hối hả của một vùng kinh tế trẻ và cùng với đó là những vấn đề “nóng” xã hội đặt ra. Chính vì thế, mặc dù thế mạnh của anh là đề tài lịch sử với nhiều kịch bản được chọn dàn dựng ở sân khấu trong nam ngoài bắc, nhưng Nguyễn Sỹ Chức vẫn dành thời gian chuyển thể nhiều vở diễn đề tài đương đại cho sân khấu ca kịch xứ Quảng, để lại dấu ấn đậm nét như “Những đứa con oan nghiệt”, “Nhà có ba chị em”, “Nỗi đau tình mẹ” hay “Ký ức lửa” và mới đây là “Trái tim đàn bà”…

Những đạo diễn suốt nhiều năm cộng tác với Đoàn Ca kịch Quảng Nam như NSND Xuân Huyền, Hoàng Dũng hay NSUT Trần Ngọc Giàu, Triệu Trung Kiên luôn đánh giá cao tác phẩm chuyển thể của Nguyễn Sỹ Chức ở chất văn học và ở việc khai thác triệt để các làn điệu dân ca xứ Quảng để đưa lên sân khấu. Chính điều này đã giúp các đạo diễn dễ dàng tiếp cận tác phẩm trong bối cảnh vùng đất, văn hóa, nghệ thuật đặc trưng, từ đó mà tạo dựng nên một vở diễn mang phong cách nghệ thuật riêng biệt.

“Mắc nợ” xứ Quảng

Gắn bó thủy chung với ca kịch Quảng Nam là thế, nhưng dường như nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức vẫn thấy mình “mắc nợ” xứ này những câu chuyện lịch sử trên sân khấu. Dù cho, năm 2016, sau rất nhiều trăn trở và tâm huyết, Nguyễn Sỹ Chức viết kịch bản “Thai Xuyên Trần Quý Cáp” - một nhân vật lịch sử quan trọng trong bộ ba của phong trào Duy tân xứ Quảng. Tác phẩm lịch sử đầu tiên của ca kịch Quảng Nam tạo được dấu ấn cho người xem và đã đoạt giải B của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Nguyễn Sỹ Chức luôn mơ ước viết tiếp những tác phẩm mới để góp phần cùng anh chị em nghệ sĩ dân ca kịch từng bước đưa lên sân khấu những câu chuyện của lịch sử, nhân vật lịch sử ở vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Anh bảo: “Hãy soi bóng tiền nhân để ta có cách ứng xử tốt hơn trong cuộc đời làm người…”. Hiện anh cùng đạo diễn Triệu Trung Kiên đang ấp ủ để cho ra đời một vở diễn về Mẹ Thứ - một tượng đài vĩnh cửu không chỉ của xứ Quảng. Mọi thứ đang ở phía trước, nhưng khi chạm tới vấn đề lịch sử, Nguyễn Sỹ Chức như khác hẳn với sự trầm lặng vốn có của mình để mở lòng, dốc hết bầu tâm sự, cắt nghĩa cho đến tận cùng sự cần thiết phải làm đề tài lịch sử trên sân khấu dân ca kịch…

Nguyễn Sỹ Chức được vinh danh bằng Giải thưởng Nhà nước năm 2017 với 4 vở tuồng lịch sử: Huyền thoại mẹ xứ sở, Danh phận, Sóng dậy Lê triều và Trần Hưng Đạo. Nhưng trước sau ông vẫn quả quyết rằng, dân ca kịch chính là bầu sữa dưỡng nuôi đam mê nghệ thuật truyền thống trong ông. Và, những năm tháng sống, lao động nghệ thuật trên vùng đất Quảng Nam chính là bản hùng ca tuyệt đẹp luôn chói sáng trong ông suốt cuộc hành trình dấn thân vì nghệ thuật dân tộc.

NGỌC KẾT