Chứng nhân của "Bàn thành tứ hữu"
“Bàn thành tứ hữu”, nghĩa là “bốn người bạn ở thành Đồ Bàn”. Nếu chỉ là tình bằng hữu đơn thuần thì cũng không có gì để nói, nhưng bốn người bạn này thì đặc biệt. Họ là những nhà thơ lừng danh thời tiền chiến: Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan và Chế Lan Viên. Chứng kiến tình bạn của họ hiện chỉ còn ông Quách Giao, nay cũng đã 85 tuổi, con trai cả của nhà thơ Quách Tấn.
Trong nhóm “tứ hữu” ấy Quách Tấn lớn tuổi nhất (sinh năm 1910), tiếp đến là Hàn Mặc Tử (1912) rồi Yến Lan (1916), nhỏ nhất là Chế Lan Viên (1920). Tuổi tác chênh nhau như thế, thơ thì mỗi người một kiểu, ấy vậy mà lại rất thân nhau, kể cũng lạ. Có lẽ “thơ hay” là tiêu chí chung, bất luận theo trường phái hay quan niệm nghệ thuật, nó đã xóa nhòa ranh giới về tuổi tác lẫn phong cách văn chương chăng? Điều này rất khó giải thích, song cả bốn thi sĩ, mỗi người một hoàn cảnh, họ đã trải qua những biến cố lớn của lịch sử dân tộc và bản thân, nhưng cuối cùng tình bạn của họ vẫn nguyên vẹn cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Ông Quách Giao còn lưu giữ khá nhiều trước tác và thủ bút của những thi sĩ này cũng như chứng kiến toàn bộ tình bạn thủy chung của họ.
“Người giữ kho”
Quách Giao sinh năm 1934 tại Tây Sơn, Bình Định, chỉ nhỏ hơn Chế Lan Viên - người “em út” trong nhóm “Bàn thành tứ hữu” 14 tuổi nhưng vì Chế Lan Viên là bạn của cha ông nên ông luôn gọi là “chú Hoan” (tức Phan Ngọc Hoan - tên thật của Chế Lan Viên).
Từng theo học Đại học Y khoa Sài Gòn rồi trường Luật và Văn khoa trước năm 1975 nhưng Quách Giao không theo một nghề nào cụ thể. Ông tham gia khảo cứu, viết sách giới thiệu về lịch sử và con người của quê hương Bình Định, nơi ông sinh ra và Khánh Hòa nơi ông định cư. Cùng với thân phụ của mình, năm 1988, nhân kỷ niệm 200 năm Quang Trung đại phá quân Thanh, ông Quách Giao cho trình làng tập khảo cứu “Nhà Tây Sơn” với những tư liệu mới mẻ về người anh hùng áo vải mà trước đó chưa có cuốn sách nào đề cập đến. Là tác giả của hàng chục đầu sách nhưng Quách Giao luôn tự cho mình chỉ là “người giữ kho” cho nhóm “Bàn thành tứ hữu”. Được tiếp xúc với giới văn nhân là bạn của cha mình từ rất sớm nên Quách Giao chứng kiến được mối thâm tình của những bạn văn này và luôn ý thức đến từng bức thư mà những người bạn của Quách Tấn trao đổi cho nhau. Nếu không phải là Quách Giao thì chưa hẳn đã có tập sách quý “Những bức thư đầm ấm”, in toàn bộ 180 bức thư trong suốt 19 năm (1966 - 1984) giữa học giả Nguyễn Hiến Lê với Quách Tấn. Tuy nhiên, công lớn nhất của Quách Giao ở chỗ, ông là người giữ toàn bộ trước tác của cha ông (dĩ nhiên) và trước tác trước năm 1945 của ba nhà thơ còn lại trong nhóm “Bàn thành tứ hữu”.
Còn nhớ sau “đổi mới” năm 1986, hàng loạt tác phẩm của các nhà thơ tiền chiến “có vấn đề” ồ ạt được xuất bản, trong đó phải kể đến thơ của hai nhà thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê. Dù rất nổi tiếng từ trước năm 1945, được Hoài Thanh đưa vô cuốn Thi nhân Việt Nam với những lời giới thiệu rất trân trọng nhưng cả Hàn Mặc Tử lẫn Bích Khê được nền văn học cách mạng xem như người ngoài cuộc. “Đổi mới” đã kịp “cởi trói” cho hai nhà thơ này thoát khỏi vòng kim cô “thơ dâm, thơ loạn” đã thít trên đầu họ suốt mấy mươi năm trước đó. Ngay sau đổi mới, Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình đã cho ra mắt hai tập thơ của hai nhà thơ này, cả hai đều được Chế Lan Viên giới thiệu bằng những lời “có cánh”. Để có được những tập thơ dày dặn và khá đầy đủ như đã xuất bản, ông Quách Giao đã góp công rất lớn trong câu chuyện này. Ông có thể “giải mã” từng bức thư, từng bài thơ mà các tác giả ấy để lại tại nhà cha ông, dù chỉ là ở dạng bản thảo dở dang. Rồi những mối tình của các chàng trai lãng tử ấy cũng được ông lưu giữ trong ký ức của mình một cách cẩn thận. Ông tự nhận là “người giữ kho” là vậy.
Chứng nhân của tình bạn
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nhóm “Bàn thành tứ hữu” tuy là thân thiết nhưng mỗi người một hoàn cảnh. Hàn Mặc Tử đã đi làm nhưng sớm mắc bệnh nan y đành phải vào Trại phong Quy Hòa rồi mất, Yến Lan và Chế Lan Viên thì sau khi tốt nghiệp trung học, họ vẫn thuộc diện “cơ nhỡ”. Chỉ có Quách Tấn là có việc làm ổn định nhất. “Cha tôi làm phán sự tại Tòa khâm sứ Huế, sau đó chuyển lên Đà Lạt rồi về Nha Trang. Dù là một viên chức nhỏ trong bộ máy hành chính của Pháp, song lương đủ sống nuôi vợ con tử tế và còn “nuôi” được cả bạn bè văn chương nữa. Sau 3 năm chuyển về Nha Trang, năm 1938 cha tôi mua toàn bộ khu vườn tại 12 Bến Chợ này” - ông Giao nhớ lại. Hai vị khách văn thường xuyên lui tới “báo cô” nhà Quách Tấn không ai khác ngoài Yến Lan và Chế Lan Viên, sau này có thêm Bích Khê.
Ông Giao kể, nhà ông có cây mận luôn sum suê trái. Dưới gốc mận ấy cha ông đặt bộ bàn ghế đá. Đấy chính là nơi mà những người trong nhóm Bàn thành đàm đạo văn chương. “Chú Hoan thì đẹp trai, hào hoa lại thông minh nhưng tình duyên khá lận đận. Mối tình giữa chú với người vợ đầu ở Đà Nẵng thì rất nhiều người biết. Tôi chỉ nhắc lại chi tiết này: Cha tôi đã làm “quân sư không công” khi cha mẹ thím Giáo (vợ đầu Chế Lan Viên) kịch liệt phản đối mối tình này. Chính vì vậy mà chú Hoan luôn nặng nghĩa với cha tôi. Sau lời tựa cho tập Mùa cổ điển viết không ưng ý, chú Hoan có hứa sẽ viết tựa cho tập Lá mã tiền nhưng rồi chiến tranh loạn lạc, kẻ Nam người Bắc, lời hứa ấy dở dang. Cha tôi đổi tên tập thơ nói trên thành Đọng bóng chiều. Đây là tập thơ không có lời tựa, thay vào đó là “phi lộ” của cha tôi nói lý do vì sao lại không có lời giới thiệu của Chế Lan Viên” - ông Giao nhắc lại một mẩu chuyện cũ giữa hai người bạn.
Nghĩa cử cảm động nhất trong nhóm Bàn thành có lẽ là việc đối xử của Quách Tấn với Hàn Mặc Tử. Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời năm 1940, thân xác thi nhân được chôn vùi trên động cát trong Trại phong Quy Hòa như bao bệnh nhân phong khác. Mãi đến năm 1959, Quách Tấn mới chuyển bạn ra Ghềnh Ráng và xây ngôi mộ cho Hàn, giờ thành địa chỉ văn hóa của du khách mỗi khi đến TP.Quy Nhơn. Quách Tấn cũng là người giữ bản quyền toàn bộ trước tác của Hàn Mặc Tử. “Thực ra thì tình bạn giữa cha tôi với Hàn Mặc Tử chủ yếu là qua thơ văn, thư từ qua lại chứ không như các chú Chế Lan Viên và Yến Lan. Tuy nhiên, có lẽ do số phận của Hàn Mặc Tử quá bi thương mà cha tôi luôn trăn trở mỗi khi nhắc về nhà thơ ấy. Trước năm 1959, người thân của Hàn Mặc Tử vẫn còn khá nhiều, song nấm mộ của ông trong Trại phong Quy Hòa trông rất ngậm ngùi. Nếu cha tôi không dời sớm ra Ghềnh Ráng thì rất dễ bị thất lạc bởi động cát ở đó luôn di chuyển theo mỗi mùa gió. Ngay cả việc xin chính quyền địa phương Bình Định một chỗ đất đẹp như Ghềnh Ráng để cải táng hài cốt Hàn Mặc Tử, không phải cha tôi thì cũng khó ai làm được” - ông Giao kể lại.
Kể về mối thâm tình giữa Yến Lan và người cha của mình, Quách Giao chỉ đọc 4 câu thơ của yến Lan tặng Quách Tấn lúc cả hai sắp đi vào cõi vĩnh hằng: “Nhớ bạn nhiều hôm da diết nhớ/ Lại đành không tiện viết thư thăm/ Ngại trao tâm sự cho tờ giấy/ Đè nặng thêm tay kẻ nhận cầm”.
Ông Quách Giao năm nay 85 tuổi. Suốt chừng ấy năm, ông vẫn ở ngôi nhà mà cha ông đã ở và qua đời tại đó. Ngôi nhà không thể cũ hơn nhưng bên trong nó chứa những kỷ vật vô giá: toàn bộ thơ văn của Quách Tấn cùng những bản thảo ố vàng về thơ lẫn thư từ của những bậc trí giả một thời. Họ đã trở về với cát bụi nhưng sản phẩm tinh thần của họ thì còn mãi với thời gian. Số phận đã giao phó cho ông Quách Giao thành người giữ cái gia tài được coi như kho báu văn chương ấy.