Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về Quảng Nam
Nếu đọc toàn bộ tuyển tập sáng tác của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, gồm 4 tập thì sẽ thấy ông viết về đất và người Quảng Nam rất ít, chỉ có bốn bài: hai bút ký và hai nhàn đàm nhưng lại rất đáng đọc và suy ngẫm.
Trong bút ký “Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, độc giả thú vị trước một Quảng Nam quen mà lạ. Bắt đầu từ tên gọi Quảng Nam, ra đời từ năm 1471 thời Lê Thánh Tông và danh xưng hành chính Quảng Nam thừa tuyên với nghĩa: “đất mở rộng về phía Nam, vâng lệnh vua để tuyên dương đức hóa”. Rồi nhà văn có cách nhìn thật lạ: “Từ đỉnh đèo đổ về phía Nam, Trường Sơn chĩa thành những mũi đá kề cận nhau, giống như đoàn người khổng lồ xô ra biển, nghịch ngợm choãi chân đá sóng, sóng vỗ sôi réo nơi ghềnh đá như tiếng cười của cuộc chơi miên trường của núi và biển”. Và rồi một sự tình cờ đã lại xuất hiện trong tuyệt bút thi ca “Tạm biệt Huế” mà Hoàng Phủ đánh giá: “Chia tay Huế trên đỉnh đèo Hải Vân, Thu Bồn có một giọng thơ ngậm ngùi thật lạ:
Tạm biệt Huế với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia”.
Hoàng Phủ miên trường trong cảm hứng sử thi nhớ về đám cưới mở cõi “Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm...” của Huyền Trân Công Chúa cho đến thuyết địa linh nhân kiệt mà loài cây lô hội sinh tồn trên núi Ngũ Hành Sơn là một minh chứng, gợi nhắc đến câu nói nổi tiếng của một nhân vật kịch nước ngoài “Tồn tại hay không tồn tại”. Để rồi hành trình tâm sự ấy lại chạm đến hơi hướng và ca từ “Hòn Vọng Phu” của nhạc sĩ Lê Thương. Và lời kết vang lên hào sảng: “Đúng thế, Tổ quốc đã trao cho Quảng Nam một cửa biển và một thanh kiếm. Cầm lưỡi gươm thân phụ lưu truyền, sáu bảy trăm năm đứng trấn nơi hải khẩu chiến lược, người Quảng Nam chưa bao giờ thiếu sót trong bản lĩnh bảo vệ Tổ quốc. Trên từng dòng quốc sử, đấy là điều khẳng định”.
Trong bút ký “Qua bài thơ “Vịnh Tam Tài” của Trần Cao Vân thử tìm quẻ “Nhân” trong Kinh Dịch”, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thử giải mã một ẩn số quan yếu bậc nhất trong hành trạng của Trần chí sĩ được phủ khói sương suốt gần thế kỷ. Bởi Kinh Dịch là một kinh thư cổ điển, uyên áo khôn lường mà trước hết vẫn là vũ trụ quan Đông phương và dù được xem là “đạo của người quân tử” thì chỗ đứng của Con Người là ở đâu trong Kinh Dịch vẫn là nỗi băn khoăn triết học lớn nhất của Trần Cao Vân. Nên dù đã có nhiều luận giải trước đó, nhưng “...chắc chắn là chưa thể đáp ứng khát vọng triết học của Trần Cao Vân, người đã dành suốt một đời trí tuệ để tìm cho ra một học thuyết mang tinh túy và tầm vóc của Kinh Dịch để làm nền tảng cho “Con Người Hành Động”. Học thuyết tìm kiếm ấy, Trần Cao Vân gọi bằng cái tên chấn động, là Trung Thiên Dịch”. Tác phẩm này hệ trọng đến nỗi khi nghe đồng chí Châu Thơ Đồng tuẫn tiết ở Lao Thừa Phủ (Huế), từ nhà tù Côn Đảo, Trần Cao Vân đã lý giải vì sao mình cần phải sống qua câu đối viếng bạn: “Ta có tiếc sống đâu! Ngặt vì Dịch Trung Thiên mới mở đầu, Dũ Lý bảy năm chưa diễn trọn”.
Luận đề triết học về quan hệ Thiên - Địa - Nhân được Trần Cao Vân thể hiện qua bài thơ “Vịnh Tam Tài”:
Trời Đất sinh Ta có ý không?
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
Trời Đất in Ta một chữ đồng
Đất nứt Ta ra Trời chuyển động
Ta thay Trời mở Đất mênh mông
Trời che Đất chở Ta thong thả
Trời - Đất - Ta đây đủ Hóa công.
Qua khảo sát và phân tích, Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng quẻ Nhân mà chúng ta tìm kiếm trong Kinh Dịch chính là quẻ Tiệm (chỉ con chim Hồng) và khẳng định Trung Thiên Dịch của Trần Cao Vân chính là Nhân Dịch. Người viết còn cả quyết: “Dù chưa hoàn tất bản thảo, qua bài thơ Vịnh Tam Tài, chúng ta vẫn nhận rõ ở Trần Cao Vân diện mạo của một nhà tư tưởng lớn, với một “Kinh Dịch Việt Nam” mang tư tưởng nhân bản chưa từng có”...
Trong nhàn đàm “Báo Tiếng Dân kiểu mới” tác giả nhắc đến sứ mệnh ngôn từ của người cầm bút. Nhà văn nhắc lại tờ báo nổi danh do cụ Huỳnh Thúc Kháng, một sĩ phu Quảng Nam sáng lập và điều hành, có tuổi thọ đến 16 năm giữa kinh đô Huế trong chế độ thực dân phong kiến hà khắc. Tính thân dân và chiến đấu của “Tiếng Dân” thể hiện trước hết nó là tờ báo tự thu tự chi, mặt khác tôn chỉ của tờ báo là: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mà mình muốn nói, thì ít ra giữ quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Ngay cả quảng cáo cũng chọn lọc, không đăng tải những nội dung tác hại đến phong hóa hoặc phóng đại quá xa sự thật. Một tờ báo ra đời cách đây hơn 90 năm nhưng vẫn để lại nhiều bài học truyền thông mang tính thời sự cho đến ngày nay.
Đúng là Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về Quảng Nam không nhiều nhưng đích đáng, hay, sâu và nhiều điều vẫn tươi mới. Nó thể hiện tình yêu sâu nặng với mảnh đất này và được thể hiện bằng nội lực văn chương thâm hậu.