Chạm ngõ nghệ thuật...

LÊ QUÂN 02/06/2019 09:59

Vẫn là cái tên khá mới với giới nghệ sĩ xứ Quảng, nhưng Nguyễn Thanh Lộc khiến nhiều người biết anh trân quý, vì một khuôn mặt lành hiền, một say mê hồn nhiên với âm nhạc...

Nguyễn Thanh Lộc.
Nguyễn Thanh Lộc.

Một buổi sáng đẹp trời nhận được dòng tin nhắn: “Em nghe người ta mở nhạc của anh. Vui quá em chụp ảnh và ghi lại gửi anh!” - vậy thôi, mà Nguyễn Thanh Lộc nói, anh “sướng rêm” suốt cả ngày. Người mới vào nghề, tạm gọi vậy, chỉ cần có một khán thính giả thôi, đã là hạnh phúc.

1. Bắt đầu từ một người thầy dạy vẽ, Nguyễn Thanh Lộc ở với đất Tam Kỳ bằng một mối duyên. Từ những ngày nhỏ, Lộc đã là người tự tin với ánh sáng từ sân khấu, những nhịp điệu tuổi thơ trong các đêm diễn của vùng đất Núi Thành. Thế nhưng khi đến mốc quyết định của tương lai, anh chàng vùng đất cát này lại chọn hội họa. Hẳn cũng không phải một sự rẽ ngang, nhưng bút màu giá vẽ hình như lại không nằm trong giấc mơ của chàng trai này. Suốt mấy năm học mỹ thuật chuyên nghiệp, ngay cả sau này khi là một họa sĩ và một người thầy dạy vẽ, những sắc màu trong tranh, đôi khi, Lộc nói, lại nhảy nhót như những giai điệu. Thế nhưng, nền tảng nghề nghiệp từ gia đình, cộng với cốt cách của con người sinh ra đã đạo mạo, anh trở thành một nhà giáo chuyên chỉ dạy trẻ con về sắc màu.

Lớp học vẽ của thầy Lộc, bao giờ cũng đầy ắp tiếng cười. Bởi vốn dĩ, người hiền lành như Nguyễn Thanh Lộc lại chiếm được cảm tình của trẻ con. Mà trẻ con, chúng có bao giờ biết lừa cảm xúc của mình. Thương quý, yêu mến thì chúng hồ hởi bắt chuyện, hân hoan học hành. Ngược lại, chúng sẽ thờ ơ và không hợp tác với người dạy. Chỉ vậy thôi. Vừa bước qua ngưỡng tuổi 30, còn khá trẻ để định hình cho mình một đường đi riêng, đặc biệt đối với địa hạt vừa cần tài năng vừa phải đủ chín của xúc cảm. Nên Lộc nói, những ngày đầu ra trường, anh sắm sanh giá vẽ, bút màu... Mỗi đứa trẻ sẽ có cách để nhìn không gian mình sống theo một kiểu thức riêng. Người thầy dạy vẽ cũng không muốn gò học trò của mình phải nhìn ánh nắng xiên vào chiều muộn bằng sắc vàng, cũng không hẳn màu nước biển kia phải ánh dương. Lộc nói anh chỉ muốn bày tụi nhỏ cách thưởng thức cuộc sống theo đúng lứa tuổi của chúng, đúng những hình dung của chúng. Nghe người thầy trẻ kể chuyện, không dưng lại nghĩ đến một câu chuyện có thật, ở một nền văn minh lâu đời, có một người mẹ đâm đơn kiện thầy giáo vì đã dạy đứa con 5 tuổi của bà rằng mặt trời thì phải hình tròn. Câu chuyện vui có thật, nhưng khiến nhiều người làm nghệ thuật và giáo dục phải suy ngẫm. Mỗi đứa trẻ đều sở hữu những điều đặc biệt, cho đến khi chúng làm người lớn. Tôi nói với Lộc, hình như mỗi người lớn đánh mất điều tuyệt diệu thuộc về mình khi còn trẻ con này, có phần lỗi từ những người làm thiên chức chỉ dạy. 

Hôm tôi đọc một bài viết dịch từ tác giả Steven Gambardella nói, đại để, hội họa quan trọng vì nó là một phần trong câu chuyện chúng ta kể về chính mình, là nền văn hóa của chúng ta, là điều chúng ta có thể tận hưởng bằng các giác quan với một biên độ thật rộng, từ thấy hào hứng cho tới cảm giác được khai minh. Nhưng hội họa thường không dễ “thẩm thấu”, sở dĩ như thế một phần là vì nó quả thật có hợm hĩnh, nhưng cũng là vì hội họa thực sự là tinh tế, do đó đòi hỏi thời gian và nỗ lực. Nên với những kẻ vội vàng, gấp gáp, hội họa, tranh ảnh hình như không phải “gu” của họ. Steven viết thêm, nhiều người chưa bao giờ bước chân vào một phòng tranh hay một nhà bảo tàng. Một số người miễn cưỡng không muốn làm thế vì những nơi đấy có thể đáng sợ, có thể tỏa ra một bầu không khí khinh khi khiến người thưởng thức cảm thấy không được chào đón. Hẳn vậy, nên đôi lúc thoáng chạnh lòng ở các cuộc triển lãm mỹ thuật tổ chức tại địa phương. Hình như chỉ thấy những người trong cuộc tham gia, vừa thưởng lãm vừa bình xét vừa tự mình làm khán giả. Lộc mới nói lại rằng, nhẹ thênh, tại vì trẻ con ngày xưa - người lớn bây giờ, chưa được chỉ cách trước khi dấn thân làm người sáng tác, hãy là người thưởng thức cuộc sống, trước tiên!

2. Rồi Nguyễn Thanh Lộc, một ngày mùa hè, lại xếp cất giá vẽ, bút màu. Anh kể, mình lại lục tìm hết thảy những bài viết nghêu ngao thuở nào, tự kẻ dòng nhạc, rồi viết khóa, viết nốt. Hình như chưa từng say sưa nào mãnh liệt như những ngày ấy. Cứ mỗi tứ nhạc ra đời, lại chộp ngay để viết thành một đoạn nhạc dài... Để trước khi người Tam Kỳ biết đến Nguyễn Thanh Lộc với ca khúc “Tam Kỳ nơi em đến”, anh đã có trước đó rất nhiều bài nhạc riêng của mình. Chỉ của mình. Dẫu hay dở theo cảm nhận của số đông, nhưng Lộc nói, chính cái liều này đẩy anh tới quyết định “nghỉ” chạm đến hội họa. Anh nói mình may mắn, khi có thêm một phương tiện để trải nghiệm cảm xúc của mình. Vì mỗi người chúng ta, hẳn rằng không chỉ nghe thấy nhạc, mà chính các trải nghiệm âm nhạc của chúng ta bão hòa trong các kỳ vọng văn hóa, ký ức cá nhân và nhu cầu được di chuyển. Lộc mang được ký ức của mình vào trong tác phẩm của anh. Và bạn bè, người ta trân quý cái lành hiền của tính cách, cái ngọt ngào của người sống đời bình dị, để đến lúc đi vào nhạc, cũng đầy êm đềm, man mác.

Nhạc của Lộc, chưa đủ xuất sắc để người nghe phải ám ảnh, nghe đi nghe lại. Nhưng nó lại như một cơn gió đầu hạ, vừa đủ để dịu bớt cái oi nồng vào một khắc nào đấy. Tôi nói với Nguyễn Thanh Lộc, hình như cái cốt cách nhà giáo anh mang cả vào những ca khúc dẫu mới chỉ ở giới hạn của đất và người Tam Kỳ, Quảng Nam. Và Lộc nói, anh cũng chỉ mới mong như vậy. Chưa có tham vọng phải đi xa hơn nữa. Vì hiện tại bây giờ, anh đến với âm nhạc, hay may ra một khắc nào đấy, giai điệu ca từ bất chợt chạm đến anh, thì nó cũng chỉ như một cuộc chơi mà anh là người tham dự, và tận hưởng. Những khúc hát là một phần đời sống yên bình anh đang trải nghiệm. Và anh muốn chia sẻ nó, bằng giai điệu đến với bạn bè. Mà cuộc đời này, thật ra chỉ cần được làm điều mình say mê với tâm thế của người đang dạo chơi, thì đã quá hạnh phúc rồi!

Anh đầu tư một phòng thu ngay tại nhà. Và làm mới lại những khúc “địa phương ca” bằng một cách hòa âm phối khí mới, nhẹ nhàng, trẻ trung, dễ tiếp nhận hơn. Nhiều bạn bè làm nghề trong giới âm nhạc ở xứ Quảng, tìm tới Lộc. Hẳn vì cái tính cách dễ chịu của người viết trẻ. Nhưng phần nhiều trong ấy, vì Lộc đọc được cách người khác muốn mang lên sân khấu một ca khúc cũ. Nguyễn Thanh Lộc nói, dẫu chỉ mới bắt đầu dấn thân vào cuộc chơi này, nhưng anh muốn nghiêm cẩn với từng giai điệu. Hơn năm trời học hòa âm phối khí tại Sài Gòn, về nhà đầu tư mở phòng thu, ban đầu chỉ là để thỏa mãn cái tính thích hát hò của mình, nhưng dần dần, càng đào sâu, càng thấy muốn đi đường dài.

Để một ngày có người nhắn với Lộc, muốn thâu âm ca khúc của anh, để nhạc địa phương có thêm sắc thái mới. “Tam Kỳ nơi em đến”, vốn dĩ viết cho người vợ xứ Huế về làm dâu xứ Quảng, chọn Tam Kỳ dựng tổ ấm, nhưng lại gần như nói hộ lời của những cư dân “góp” đang chọn mảnh đất này để yêu thương dài lâu. “Tam Kỳ một ngày nào em đến. Nắng lung linh nắng ngập tràn những con đường. Chào đón chân em đã đến nơi này trong muôn ngàn hân hoan”…

LÊ QUÂN