Nơi "mùa xuân ở mãi"

BẢO ANH 09/03/2019 01:16

Nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý hy sinh vào tối 8.3.1969 ở thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành, Duy Xuyên). Đúng như tiên đoán của người bạn đời - nhà thơ Dương Hương Ly, trong “Bài thơ về hạnh phúc”, trên mộ của chị suốt bao nhiêu năm nay luôn “có mùa xuân ở mãi”.

Văn nghệ sĩ Quảng Nam viếng mộ, dâng hương nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý tại thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên. Anh: B.A
Văn nghệ sĩ Quảng Nam viếng mộ, dâng hương nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý tại thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên. Anh: B.A

Những nụ hoa ở lại

Hầu như năm nào Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam cũng ít nhất hai lần về thôn Thi Thại (xã Duy Thành, Duy Xuyên) để viếng nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý. Một là vào dịp tết, khi nhà nhà tất bật chuẩn bị cho niềm vui sum vầy. Hai là vào dịp 8.3 - dịp mà phái đẹp được tôn vinh và đặc biệt hơn, ngày 8.3 cũng là ngày chị Xuân Quý mãi mãi rời xa người thân, đồng đội, “nằm lại với đất lành Duy Xuyên”, với Quảng Nam...

Ngoài hai dịp đặc biệt trên, mỗi khi ngang qua Duy Xuyên, nhiều văn nghệ sĩ xứ Quảng cũng dành thời gian ghé thắp nhang chị Quý. Trong một số chuyến đi sáng tác ở các địa phương phía bắc của tỉnh, Chi hội Văn học cũng ghé dâng hương và “báo tin” cho chị biết... Cá biệt là hai nhà văn Hồ Duy Lệ và Nguyễn Bá Thâm, nhiều khi không có việc đi ngang Duy Xuyên thì lại tự “tạo cớ” mà đi, cốt là để được ghé thắp hương người đồng chí, người bạn văn mạnh mẽ và quả cảm của mình. “Chị Quý nằm lại một mình với Duy Xuyên, người thân của chị đang ở những nơi rất xa. Mình không đến viếng, sao gọi là trọn nghĩa vẹn tình!...” - nhà văn Nguyễn Bá Thâm bộc bạch.

Không chỉ lễ, tết mà hàng ngày, chung quanh mộ chị luôn có hoa tươi. Hoa của học sinh ở Duy Thành và các trường học trên địa bàn huyện Duy Xuyên mang đến trong các đợt sinh hoạt ngoại khóa “về địa chỉ đỏ”. Hoa của các thế hệ văn nghệ sĩ xứ Quảng, của đồng đội cũ, của những người yêu mến chị. Và thường xuyên nhất là hoa của gia đình anh Võ Bắc - người đã hiến đất vườn nhà mình để xây mộ và bia tưởng niệm cho chị Xuân Quý.

Không thể ngày nào cũng trích tiền từ nguồn thu nhập ít ỏi từ nghề nông của mình để mua hoa tươi, gia đình anh Bắc đã trồng hoa quanh mộ chị Xuân Quý - từ tóc tiên, mẫu đơn, vạn thọ đến hoa hồng, tường vi... Cách bia tưởng niệm khoảng hai mét về phía trước, anh Bắc còn trồng một cây mai, mà theo anh là “để cho “nhà” của chị ấy cũng có tết với mọi người mỗi khi tết đến xuân về”. Cuối năm ngoái, khoảnh đất rộng phía trước ngôi mộ và bia tưởng niệm chị Xuân Quý được gia đình anh Bắc tráng xi măng; cây mai vẫn được giữ nguyên. Anh bảo: “Hoa của chị thì tôi giữ và chăm cho chị. Còn cái sân tôi tráng xi măng là vừa để phơi lúa, vừa để mọi người có chỗ rộng rãi, bằng phẳng mà dâng hương tưởng niệm chị...”.

Những tác phẩm ở lại

Nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh vào tối 8.3.1969 trong một trận càn của địch ở thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành) khi vừa tròn 28 tuổi đời, 7 tuổi văn. Lúc chị trút hơi thở cuối cùng, con gái chị chỉ vừa tròn 2 tuổi, 2 tháng, 8 ngày, đang ở cùng ông bà ngoại tại Hà Nội và xa mẹ vừa đúng 11 tháng 1 ngày (lần cuối cùng chị được ở cùng con trước khi lên đường vào Nam là tối ngày 7.4.1968). Cũng trong buổi tối 8.3 định mệnh ấy, chồng chị - nhà thơ Dương Hương Ly, đang có mặt tại một nơi cách đó không xa: thôn 5, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình. Anh đi công tác, và đang tràn trề hy vọng sẽ gặp được vợ sau 2 tháng 17 ngày hai người chia tay nhau tại căn cứ A7 vùng tây Quế Sơn. Là người làm thơ nhưng đến thời điểm đó nhà thơ Dương Hương Ly chưa có bài thơ tình nào viết riêng cho chị Quý. Ngày 7.3.1969, khi đang nằm dưới hầm bí mật, trong nỗi nhớ da diết, anh đã viết một bài thơ dành riêng cho vợ, có tên là “Bài thơ tình yêu”, dự định khi gặp lại nhau anh sẽ đọc cho chị nghe. Vậy mà!...

Một điều nữa, không nhiều người biết, ấy là cho đến lúc hy sinh, nhà văn Dương Thị Xuân Quý chưa được nhìn mặt đứa con tinh thần đầu tay của mình. Bản thảo tập truyện ngắn “Chỗ đứng” được chị gửi cho NXB Văn hóa đúng vào ngày chị chuyển dạ (chính xác là trên đường đến bệnh viện để sinh con - ngày 8.12.1966, chị đã cùng chồng ghé vào NXB để gửi bản thảo), được xuất bản sau đó rồi được gửi vào miền Nam cho tác giả, nhưng khi sách vào đến nơi, chị đã mãi mãi “nằm lại với đất lành Duy Xuyên”. Ngoài tập truyện này, nhà văn Dương Thị Xuân Quý cũng không kịp nhìn mặt tác phẩm được xem là cuối cùng của chị - bút ký “Gương mặt thách thức”, viết về cuộc bám trụ kiên cường của người dân xã Bình Dương. Tác phẩm này được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ sau khi chị hy sinh.

Nhưng rồi tình yêu và cái đẹp cuối cùng vẫn được đền đáp, an ủi, dù muộn màng. Năm 2007, toàn bộ tác phẩm của nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý được tập hợp và in thành tập “Dương Thị Xuân Quý - Nhật ký & tác phẩm”. Cùng năm đó, chị được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Riêng với bài thơ tình được nhà thơ Dương Hương Ly viết riêng cho chị, sau khi được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (với ca từ, giai điệu hùng tráng, tự hào quen thuộc: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao, dù đạn bom man rợ thét gào, dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích, dù xa cách hai ngả đường chiến dịch, ta vẫn cùng chung nhau một ánh trăng ngần...”), chị đã được “nghe” rất nhiều lần qua sóng phát thanh, qua giọng hát của thanh thiếu niên tại các buổi sinh hoạt “về địa chỉ đỏ”... Một bài thơ khác, được người bạn đời viết riêng cho chị sau khi nghe tin chị hy sinh, là bài “Bài thơ về hạnh phúc”, sau này được chính nhà thơ Dương Hương Ly, nhiều bạn văn, đồng đội chị ngâm và đọc bên mộ chị nhiều lần; rồi được trích khắc lên tấm bia tưởng niệm nơi chị hy sinh. Những câu thơ đẹp, da diết, vỗ về cứ mãi vang ngân cũng những mùa xuân đất nước: “Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi...”.

BẢO ANH

BẢO ANH