Gánh đời mà đi
(QNO) - “Gánh đời mà đi” là tập ký sự của nhà báo Huỳnh Trương Phát, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, vừa được ấn hành.
“Gánh đời mà đi” bằng gì? Đôi gióng. Hình ảnh đôi gióng gánh lúa, gánh khoai, gánh một thời cơ cực... mộc mạc như những trang viết của Huỳnh Trương Phát.
Trong đôi gióng ấy trước tiên có những thứ từ chân quê đi ra - những câu chuyện của quê anh. Nhặt lấy từ quê gốc một ít, nơi gia đình anh đi tản cư một ít, từ chỗ công tác lâu ngày trên núi, rồi xuống biển, lên rừng, hay tha thẩn dạo phố... Trong đôi quang gánh còn có Tiếng lòng xứ Quảng - với câu chuyện về ông Minh Luận, giọng phát thanh trời phú mà người Quảng Nam - Đà Nẵng một thời chờ ngóng; có Tiếng khóc không còn mồ côi - viết về trẻ em làng SOS; có Nắm đất màu đỏ, có Chiếc ống ngoáy trầu của Mẹ Thứ, và còn có cả... Hài cốt của rừng... Gánh nhiều thứ nên có phần trĩu nặng tâm tư, nhưng người đọc này chừng như chùng lòng xuống với cảm xúc rưng rưng trên trang viết của anh về mảnh đất khó nghèo mà thơm thảo, về mẹ, về cha “sợi mây cha bứt bên trời, bện thành đôi gióng gánh đời mà đi”.
Trong cuộc đời mấy mươi năm bươn chải làm nhiều nghề, lên rừng xuống phố, cuối cùng gắn duyên với làm báo, nhiếp ảnh, có lẽ Huỳnh Trương Phát chỉ chú ý nhặt cho nhiều vào đôi quang gánh của đời mình. Gánh về, có thứ đã được “nấu dọn” thành bài báo, trang văn hầu chuyện bạn đọc gần xa, có thứ vẫn giữ nguyên vẻ xù xì thô mộc như tài liệu, bản thảo. Và có lẽ, phần nhiều là cất giữ, chắt chiu để đó trong khi bạn viết vẫn ào ào ra sách, nên đôi khi cảm khái mà rằng “đôi quang gánh nhịp đau tà áo thưa”. Nói là vậy, chứ nếu người đọc chịu khó lục lọi trong đôi quang gánh của anh cũng lẩy ra dăm câu chuyện về những thân phận đời người, đặc biệt là ký ức về các văn nghệ sĩ từ người tiếng tăm cả nước biết đến hay người làm văn nghệ cơ sở. Thú vị hơn là câu chuyện về những người bình dân, những người dân quê chân đất, dù đời cháy hết mái tranh nghèo mà vẫn giữ cái ơn nghĩa xóm làng. Ở phía khác, cái nghèo và sự sinh nở vô tội vạ trong kiếp “Sống liều” như một niềm trăn trở, đầy day dứt.
Một tập hợp các tác phẩm trong đôi quang gánh không phải để làm văn, làm báo, mà như thể tự sự pha chút hồi ký về quãng đường đi qua của đời mình, Huỳnh Trương Phát với “Gánh đời mà đi” có thể là câu lục bát lững lờ phía sông trôi...