Họa sĩ Lê Kinh Tài: Trị giá tranh Việt còn ở mức khiêm tốn
Thị trường nghệ thuật tại Việt Nam manh nha đã lâu, nhưng chưa thực sự nên hình nên dáng. Nếu không có thị trường nội địa thì đừng mong tạo dựng được vị thế, sức ảnh hưởng trên thị trường quốc tế. Lê Kinh Tài là một trong số ít nghệ sĩ Việt đương đại có giá bán tác phẩm rất cao tại thị trường quốc tế trong 10 năm qua. Cứ tưởng như vậy anh đã hài lòng, nhưng không, hãy nghe anh chia sẻ với Quảng Nam Cuối tuần về cơ hội và rào cản của tranh Việt khi đi ra quốc tế.
Họa sĩ Lê Kinh Tài. Ảnh: CHÂU HẬU HY. |
“Việc mong mỏi một thị trường nghệ thuật Việt khởi sắc, mua bán trao đổi tác phẩm nghệ thuật ra ngoài biên giới quốc gia, có phải 100% là công việc của nhà môi giới, nhà tư vấn nghệ thuật không? Có phải 100% là việc của các nhà quản lý nghệ thuật, của các phòng tranh, công ty nghệ thuật không? Theo tôi là không phải. Bởi bản thân nghệ sĩ đang sống, đang làm việc, hoặc gia đình của nghệ sĩ (đã mất) cũng phải ý thức tự thân về việc này, có như vậy mới đóng góp vào sự thành công chung” - Lê Kinh Tài bắt đầu câu chuyện.
Thưa anh, anh nghĩ gì về việc biến thiên của biểu đồ giá trị và trị giá của tác phẩm trong thương trường?
- Thẳng thắn nhìn lại thì những trị giá bán buôn có được từ các nhà đấu giá lớn như Sotheby’s hay Christie’s… với tác phẩm Việt vẫn đơn thuần là “hàng khó tìm” của các nhà sưu tập trong ngoài nước. Hoặc với tiêu chí tác phẩm “còn sót lại” từ biến thiên của lịch sử nền mỹ thuật thuộc địa, chứ không hẳn là giá trị đích thực, tự thân của tác phẩm.
Lê Kinh Tài sinh năm 1967 tại Đà Nẵng, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 1997, hiện sống tại Sài Gòn. Từ năm 1997 đến nay anh đã thực hiện hơn 10 triển lãm cá nhân và hơn 30 triển lãm nhóm tại Việt Nam, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… Anh đã nhận được các giải thưởng lớn và tài trợ sáng tác toàn phần ở Haslla Artword Museum (Hàn Quốc, 2011), ở Vermont Studio Center (Mỹ, 2008 và 2009), ở Indochina Arts Partnership (Mỹ, 2011)… Ở khía cạnh thị trường, Lê Kinh Tài là họa sĩ đương thời có giá tranh cao bậc nhất Việt Nam. |
Vậy nên, nếu đã lạm bàn về thị trường nghệ thuật thì chỉ nên xem xét với góc nhìn trị giá trên thương trường của tác phẩm, đã và đang mang tính liên đới như thế nào với giá trị của tác phẩm đó. Hãy ngẫm lại, cách tiệm cận để phát triển thị trường trao đổi mua bán nghệ thuật hiện đại và đương đại của các họa sĩ còn sống, đang làm việc ở Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì thấy rõ sự chông chênh, manh mún. Trị giá tác phẩm của tranh Việt luôn ở mức rất khiêm tốn so với giá trị nghệ thuật của tác phẩm, nên việc biến thiên, dù có, nhưng chưa đáng kể.
Ngay cả với các nhà môi giới, nhà tư vấn nghệ thuật cũng vậy, hãy tạm thôi tự sướng kiểu “tranh Việt đang có một đẳng cấp thế giới” này kia đi. Tôi cho rằng, khi bàn về “đẳng cấp” thì sẽ quá khó để có thể định dạng, định nghĩa được tranh Việt đang đứng ở cấp độ nào của biểu đồ phân vùng thứ hạng nghệ thuật thế giới.
Chính vì vậy, phải nhìn việc biến thiên biểu đồ giá trị và trị giá của tác phẩm trong thương trường - nếu có - là điều tất yếu, đáng vui. Tôi thấy làm lạ khi nhiều họa sĩ phản ứng khi biết tác phẩm của họ được mua rẻ bán đắt. Trong khi đó, để mua rẻ bán đắt là cả một sự dũng cảm và nghệ thuật, đó cũng là quy luật đương nhiên của thị trường, chúng ta đâu thể tham sân si với điều này.
Vì đâu mà trị giá vẫn thấp hơn giá trị?
- Hàng năm, cứ thử đảo một vòng quanh các hội chợ nghệ thuật có tiếng tại khu vực Đông Nam Á, hoặc phân khúc cao cấp hơn một chút như Art Basel Hong Kong, ngoại trừ các tác phẩm mang yếu tố thể nghiệm, hầu hết tranh Việt đang được “đóng code giá” với một trị giá khá thấp so với giá trị của nó.
Chúng ta đang sở hữu các thế hệ 7X, 8X, thậm chí 9X, hoạt động nghệ thuật với cường độ và tần suất tạo ra tác phẩm cao hơn nhiều so với thời Đông Dương vàng son. Các xu hướng thẩm mỹ đương thời cũng được cập nhật, các giá trị khai phá cũng lộ rõ nhiều tiềm năng. Thế nhưng giá bán vẫn thấp lè tè.
Tác phẩm Giải phóng (sơn dầu kết hợp, 200cm x 500cm, 2015) của Lê Kinh Tài. |
Tôi cho rằng có hai “thế lực” chính đang là rào cản lớn cho sự phát triển trị giá trên thương trường, oái ăm, đó lại chính là những người muốn phát triển nhất: nhà buôn và nghệ sĩ! Sự thiếu tầm nhìn và cần cái lợi trước mắt đã làm cho trị giá tác phẩm khó tăng trưởng. Vậy nên, hoặc họ đừng quan tâm, cứ để mọi thứ diễn ra kiểu như “tả pín lù”, tạp nham… còn khỏe hơn. Còn nếu muốn tham dự vào vòng xoáy thị trường nghệ thuật quốc tế như một sự góp mặt cùng với các “đẳng cấp”, thì phải theo quy luật chung, cùng nhau đi đúng hướng.
Vì cần cái lợi trước mắt mà nghệ sĩ thường vô tình gây cản trở sự phát triển về trị giá tác phẩm. Nếu vậy, nghệ sĩ nên làm gì?
- Xét cho cùng, công việc chính của nghệ sĩ là sáng tạo, nên lý tưởng là ngồi tạo ra tác phẩm. Việc đưa các tác phẩm ấy đến tay người tiêu dùng thuộc các tổ chức trung gian. Ở các nước phát triển, khi nghệ thuật đã là món ăn tinh thần của người dân, nghĩa là tính giao thương từ cung và cầu đang tỷ lệ thuận, lúc ấy người tạo ra các món ăn đó “dễ thở” hơn, nên nghệ sĩ thường có người quản lý riêng cho việc mua bán. Người quản lý ấy sẽ thay mặt nghệ sĩ trong việc ký kết giao dịch với các bên, với các văn bản mang tính pháp lý về quyền và nghĩa vụ rõ ràng.
Ở Việt Nam, tính giao thương chưa chuyên nghiệp, bởi chưa có cái gọi là thị trường nghệ thuật một cách rõ ràng và minh bạch. Thu nhập chính từ việc bán tác phẩm khá bấp bênh, nên nghệ sĩ khá khó khăn về mặt tài chính cho việc tái đầu tư tác phẩm và thuê quản lý. Nên hầu hết giao ước cho việc trao đổi thường diễn ra trực tiếp giữa nghệ sĩ và các bên, các nút thắt cho việc thực thi hợp đồng bắt đầu rắc rối từ đây. Chúng thường thiếu nhất quán và minh bạch.
Anh có thể cho ví dụ về sự thiếu nhất quán và thiếu minh bạch của các nghệ sĩ?
- Đầu tiên là thiếu nhất quán ngay khi bước vào thị trường. Sự “nghệ sĩ tính” đã vô tình bỏ qua không ít cơ hội để tác phẩm của mình có thể “vẫy vùng” bên ngoài biên giới. Bởi cùng một loạt tranh, một năm sáng tác, một kích thước, nhưng nghệ sĩ lại định giá bán theo cảm tính về cái ưng hoặc không ưng theo ý mình, khiến tác phẩm chênh lệch giá đến vô lý. Điều này thiếu chuyên nghiệp. Bởi trong thương trường, trị giá đích thực của tác phẩm không hẳn song song với giá trị của tác phẩm đó, nó được quyết định từ các kênh chuyển tiếp thứ hai, hoặc thứ ba, thứ tư… Nghĩa là nhà sưu tập, nhà buôn mới chính là người quyết định trị giá bức tranh đến người sở hữu kế tiếp, kèm với thang giá trị mà họ “định đoạt ngầm” đối với từng tác giả.
Thứ hai, các tác phẩm của không ít nghệ sĩ đang bán được, không hiểu vì vô tình hoặc cố ý, lại đang có giá bán rất khác nhau ở các phòng tranh, điều này thật sự là một cách làm khó cho các nhà sưu tập và các tổ chức trung gian từ nước ngoài. Họ chẳng có cơ sở, thậm chí niềm tin, khi muốn định vị giá cả cho một tác phẩm, một nghệ sĩ, vậy thì làm sao phát ra tín hiệu cho các kênh đầu tư thứ hai, thứ ba. Sự chênh lệch phi lý thang trị giá này chính là nguyên cớ vô tình làm mất đi cơ hội định thang giá trị của tác phẩm trên thương trường quốc tế.
Thứ ba, khi đã khát vọng về một thị trường nghệ thuật, dù sơ cấp, thứ cấp hoặc cao cấp đi nữa, thì điều đầu tiên chúng ta buộc phải hiểu một cách rạch ròi rằng các tác phẩm nghệ thuật ấy xét cho cùng chỉ là hàng hóa có tính chất văn hóa, nghệ thuật. Nên việc mua bán hoặc trao đổi tác phẩm nghệ thuật cũng phải tuân theo các quy luật của hàng hóa... một cách nghệ thuật. Vì sao các trường đào tạo nghệ thuật ở nước tiên tiến có hẳn một ngành chuyên biệt về quản lý, đầu tư, phát triển thị trường nghệ thuật? Cho nên việc tạo dựng và thúc đẩy thị trường nghệ thuật cần có nhân sự trung gian được đào tạo riêng biệt và chuyên nghiệp. Không thể “ầu ơ ví dầu” hoặc “ca cải lương” này kia, để rồi khi tiếp xúc với các nhà sưu tập quốc tế, thì chỉ biết... ngậm hột thị.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn này.
HIỀN HÒA (thực hiện)