Nguyễn Trọng Tạo, như tôi biết

PHẠM PHÚ PHONG 27/01/2019 03:03

Lâu nay, đã có quá nhiều người viết về Nguyễn Trọng Tạo, trong đó có tôi. Giờ anh đi, càng nhiều người viết. Tôi đã định không viết gì, không nói gì như tính tôi, anh đã biết, nhưng sao lòng vẫn cứ vương mang bao ý nghĩ không cùng, về những gì đã trải qua, trong tư thế anh bây giờ là “ông”, là ông Nguyễn Trọng Tạo, là người thiên cổ, còn tôi dù chỉ thua mấy tuổi cũng trở thành kẻ hậu sinh.

Cố thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo.
Cố thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

Một nghệ sĩ đa tài

Tôi gặp và quen ông ở nhà Hoàng Phủ Ngọc Tường, cái thuở ông Tường còn là chủ nhân gác Trịnh vào những năm tám mươi của thế kỷ trước. Ông Tường thì đang làm Văn nghệ Bình Trị Thiên, còn ông thì chán đoàn Văn công xung kích gì đó của Quân khu 4, muốn chuyển về làm văn nghệ đơn thuần cho tự do. Quả thật, lần đầu gặp nhau tôi không mấy cảm tình, vì cái thời ấy, còn ăn độn sắn với bo bo, rượu là thứ xa xỉ, cho dù là rượu mật mía cũng khó có mà uống, ông Tường chỉ uống cầm chừng, nói nhiều hơn uống, tôi chỉ là thằng điếu đóm, còn ông cứ cười và uống tì tì… Sau này, tôi mới hiểu, cái nụ cười và gương mặt nhàu nát ấy hấp dẫn phụ nữ như thế nào, ông đi đâu, ở đâu, cứ lơ lơ bất cần, nhưng không hiểu sao tỏa ra nhiều hấp lực, các em lại mê ông đến vậy. Khi thân nhau, qua ông, tôi hiểu thêm ít nhiều về phụ nữ. Cũng có thể từ đó dẫn đến cốt tính ông là con người đa tình, đa đoan, đa tính cách, nhưng cái cốt lõi, trước tiên và trên hết, ông là một nghệ sĩ đa tài, nếu không có điều ấy, ông sẽ chẳng là gì và không có gì trong cuộc đời này.

Nguyễn Trọng Tạo đến với văn chương từ những ngày còn là người lính từ cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ. Gia tài của ông với 9 tập thơ, 2 trường ca, 3 tập văn xuôi, 2 tập tiểu luận phê bình và 1 tập ca khúc với hơn 20 bài… chưa phải là sự nghiệp đồ sộ tòa ngang dãy dọc cho lắm. Cũng có quá nhiều những phép so sánh, ông là người tài nhất, tài nhì… trong thời này, thời nọ, nhưng mọi sự so sánh đều khập khiễng, vì ông vốn chỉ là Nguyễn Trọng Tạo, làm thơ, viết văn, rồi bỗng nhiên làm nhạc hay, trình bày bìa sách không thua gì các họa sĩ chuyên nghiệp, làm đạo diễn các chương trình âm nhạc cũng không kém phần đặc sắc…

Nói cho đúng, nghĩ cho cùng, những việc làm như thế, cũng nhiều người làm được, nhưng ông làm hay, làm xuất sắc, ở lĩnh vực nào cũng ghi được vài ba dấu ấn, đúng như tên của ông, là trọng tạo, là tạo dựng nên chân dung một nghệ sĩ đa tài, mà ở đó cái gì cũng lấp lánh, lung linh, sâu thẳm và rộng rinh, khiến người ta phải nhắc đến, nhớ đến. Trước ông và kế trước ông, cũng có những bậc đa tài vô tiền khoáng hậu, tuy không nói ra, nhưng xem cái cách ông nhìn họ, cũng thấy ông muôn phần ngưỡng mộ và có phần xem họ là những ngọn cờ vẫy gọi để ông noi theo, như Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Trịnh Công Sơn… Thế hệ trẻ bây giờ cũng có nhiều người đa tài, thành công ở nhiều lĩnh vực, nhưng để lại những dấu ấn khó phai mờ như các bậc tài danh trên đây thì hầu như hiếm và có thể coi Nguyễn Trọng Tạo là con người đa tài cuối cùng của thế kỷ 20.

“Đôi cánh” sáng tạo

Có thể ví, thơ và nhạc như “đôi cánh” thỏa sức sáng tạo của Nguyễn Trọng Tạo. Đối với văn chương, thành công nhất của Nguyễn Trọng Tạo là thơ. Những tập thơ như Sóng thủy tinh (1983), Gửi người không quen (1989), Đồng dao cho người lớn (1994) và nhất là Thơ trên máy chữ và tản mạn thời tôi sống (1995) thu hút độc giả từ khi mới ra đời, gióng hồi chuông báo động về những vận động đổi thay của đời sống xã hội và những bức thiết phải đổi mới. Nhà thơ đặt những vấn đề xã hội nóng bỏng và riết róng, mà thời ấy chỉ mới xuất hiện trong văn xuôi hoặc văn chính luận: “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời không phải dễ dàng chi (…) Những  bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa/ Như thời đã đi qua, như thời rồi sẽ đến…” (Tản mạn thời tôi sống). Tư tưởng đổi mới ấy được ông đặt ra trong mối quan hệ tất yếu của đời sống và vận động của lý tưởng thẩm mỹ, trước những nghịch lý luôn giày vò trăn trở trong tâm tưởng của nhà thơ, được ông diễn ngôn bằng một giọng điệu lấp lửng, nhịp điệu có tính chất đồng dao nhưng lại rất xót xa:

Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời
có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi

(Đồng dao cho người lớn)

Về văn xuôi, ngoài tập truyện ngắn Khoảnh khắc thời bình (1987) viết về chiến tranh vào thời hậu chiến, ít được chú ý, Nguyễn Trọng Tạo còn có hai tập truyện thiếu nhi Miền quê thơ ấu (1988) và Ca sĩ mùa hè (1991), cả cảm xúc và văn chương đều rất đẹp, xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa giảng văn cho học sinh phổ thông, không thua kém những tác giả chuyên sáng tác cho thiếu nhi ở nước ta.

Về âm nhạc, Nguyễn Trọng Tạo sáng tác không nhiều, nhưng lại có khá nhiều bài nổi tiếng, ghi dấu ấn quan trọng trong đời sống âm nhạc dân tộc. Điều đáng chú ý là, hầu như những vòm cong âm thanh đã từng và sẽ còn vang vọng mãi trong tâm tưởng nhiều thế hệ say mê các làn điệu đậm đặc chất liệu dân ca truyền thống, đều là những bản nhạc ông phổ thơ của người khác, thậm chí là những tác phẩm của những tác giả không mấy tiếng tăm, nhưng một khi đã ngân lên những cung bậc tâm hồn ông, đều trở nên nổi tiếng. Làng quan họ quê tôi, thơ của Nguyễn Phan Hách, rồi đến Khúc hát sông quê, thơ của Lê Huy Mậu… là những bài thơ sẽ chìm nghỉm giữa dòng chảy của đời sống ngồn ngộn thơ ca, nếu không được phổ vào chuỗi âm thanh đong đưa và dường như bất tận của Nguyễn Trọng Tạo.

Thông thường, sự nghiệp âm nhạc của mỗi nhạc sĩ đều gắn liền với một nhạc cụ nhất định và nhạc cụ đó ít nhiều góp phần làm nên phong cách âm nhạc của nhạc sĩ ấy. Ví như, Văn Cao sáng tác trên đàn piano, Trịnh Công Sơn hoặc Phạm Duy sáng tác bằng guitar, nhưng với Nguyễn Trọng Tạo, tôi chưa thấy ông đàn bao giờ nên không dám phỏng đoán một cách hồ đồ. Có hai lần tôi nghe ông hát. Lần gần đây nhất là trong buổi liên hoan kết thúc Hội nghị Lý luận phê bình văn học toàn quốc tổ chức tại Tam Đảo năm 2016. Lần ấy, ông hát bài Cổng làng mà ông mới sáng tác, nhưng tôi thấy người đệm đàn chạy theo ông muốn hụt… cả hơi! Trước đó, vào khoảng cuối những năm tám mươi, tôi cũng từng nghe ông hát bài Làng quan họ quê tôi, nhưng theo lời “đạo lại” bạn bè thường hát đùa với nhau. Hôm đó, chúng tôi ngồi với Giám đốc Công ty đông lạnh Sông Hương. Thời đó còn nghèo. Ông giám đốc chỉ có ý định tiếp chúng tôi năm chai Huda to, bây giờ dân nhậu thường gọi là “bia trâu”. Khi uống gần hết bia, Nguyễn Trọng Tạo nổi hứng gõ đũa vào chén hát, khi nghe đến câu “uống năm chai, ta uống liền mười chai…”, chủ nhà cười vui một cách ngượng ngùng rồi lấy thêm bia và đó là một trong những lần tôi nghe Nguyễn Trọng Tạo tự “đạo” nhạc của mình và “nhạc cụ” sử dụng hết sức dân dã là chén đũa trên bàn mà thôi!

*
*               *

Về cái sự rong chơi trong đời của Nguyễn Trọng Tạo còn biết bao điều để nói. Viết một cuốn sách cũng chưa hết chuyện. Mà tôi tin rằng, sau lần ông đi xa này, sẽ có nhiều bạn bè in sách về ông, như trước đây ông đã từng làm sách về Trịnh Công Sơn, Trần Vũ Mai… Sáng tạo nghệ thuật, đối với ông cũng là một cuộc chơi không dứt. Ngay sự tài hoa về hội họa, ông cũng chỉ dùng vào việc vẽ bìa sách cho bạn bè là chính. Cuốn Mỹ học – lịch sử và quan niệm của tôi (1992, tái bản 1994) là do Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa. Có một điều ai cũng thừa nhận là ông sống hết sức thật lòng với bạn bè. Dường như ông chưa nghĩ xấu về bạn bao giờ và đã giúp ai điều gì trong khả năng ông có thể giúp được, ông giúp đến tận cùng. Cả về sự tài hoa và con người, ông đều rất đáng trân trọng. Nhà văn tài danh Lỗ Tấn từng nói rằng: “Người ta chỉ chết thật sự khi không còn sống trong lòng những người đang sống”. Nguyễn Trọng Tạo là một trong những con người như vậy.

PHẠM PHÚ PHONG

PHẠM PHÚ PHONG