Kẻ thờ tự rong chơi
Thích chạy xe Minsk, khoác chiếc áo có màu sắc và họa tiết không giống ai, mang túi xách da loại lớn không đụng hàng, thích mặc áo ngược và để râu chòm. “Gã rong chơi” đó là họa sĩ Nguyễn Quốc Dân.
Quốc Dân say sưa vẽ. Ảnh: XUÂN THỌ |
Ngang… như cua
Nhớ cái hồi mới quen biết nhau, khi tôi khai mình sống ở Hội An, anh bảo “thôi, tau - mi cho hắn khỏe hỉ, xưng anh - em mệt òm”. Vì anh sinh ở Duy Vinh (Duy Xuyên), nhưng lớn lên ở Hội An - nơi ươm mầm cho con đường hội họa của anh sau này. Tôi vào Sài Gòn, hai anh em hay cà phê ở ngã tư mấy con đường mang tên các loại hoa ở quận Phú Nhuận. Nhưng cách nói chuyện của anh thì không được dịu dàng như hoa mai, không mềm mỏng như hoa phượng. Được cái là không đến mức… thô lỗ, mà vừa đủ để thấy cái khí chất của người Quảng. “Tính tau rứa, có chi nói nấy, ghét mấy cái kiểu vòng vo lươn lẹo”.
Mà Dân đúng là… ngang như cua, luôn muốn thoát ra lối mòn trong sáng tạo nghệ thuật, mà cụ thể ở đây là hội họa. Hồi sinh viên, nếu “chịu khó” theo khuôn khổ áp đặt từ giáo viên trong thi cử, thì chắc điểm số cao. “Nhưng để làm gì? Chán lắm!” - anh nói. Anh bước ra ngoài khuôn mẫu đó, rồi vật lộn thoát khổ vì bị “cho lên bờ xuống ruộng” mấy lần. “Hạn” đó, cuối cùng anh… giải được, còn gây ấn tượng mạnh nữa. Mấy tháng sau nghe anh kể chuyện này, khi đến dự vài triển lãm, có nghe giới họa sĩ nhắc nhớ “sự kiện” ấy. Chung quy lại, cuộc “cãi” thầy ấy của anh đem đến sự thay đổi cho trường mỹ thuật, đó là sinh viên được tự do sáng tạo với tác phẩm cho bài thi hay cuối khóa của mình. Nghệ thuật dù bất kỳ loại hình nào, suy cho cùng, nếu theo khuôn mẫu thì sự sáng tạo sẽ bị triệt tiêu.
Tính cách ấy của anh, dường như “phủ” đậm nét lên các tác phẩm mà anh sáng tạo, gây nên những tranh luận yêu - ghét qua các cuộc triển lãm cá nhân của anh như “Phi lập thể” năm 2011, “Phi lập thể - đa sắc” năm 2012, “Phi lập thể - phấn” năm 2014 và “Phi lập thể - chân dung” năm 2016. Các triển lãm của anh, còn gây… xôn xao khi gần như đi ngược lại mọi nền tảng về mảng khối của trường phái “lập thể - Cubism” mà danh họa Picasso đã khởi xướng. Tác phẩm trong các cuộc triển lãm đó, được tạo nên bởi những nét vẽ giống như những dây màu đa hình dạng, đan xen nhau, quyện lấy nhau, thậm chí là… chồng lấn lên nhau mà không theo một quy luật, khuôn mẫu nào. Vậy mà sự… rối tung ấy, được giới mộ điệu thích thú, quan tâm. Còn Dân thì vẫn trung thành với suy nghĩ: “Ghét yêu là chuyện của mỗi người. Còn tôi sáng tác, trước mắt là để thỏa mãn cho mình trước đã”.
Đi bước đi riêng
Một kẻ ngang như cua, trẻ tuổi, làm triển lãm gần như đi ngược với truyền thống, tất yếu sẽ xuất hiện những cái dòm ngó đầy ái ngại của công chúng lẫn giới chuyên môn. Nhưng rồi những điều ấy gần như tan biến, khi triển lãm của anh được đài truyền hình NHK của Nhật Bản cho lên sóng trong chương trình Art Beat, tạo nên một hiện tượng mỹ thuật. Kể cũng lạ cho xứ mình, hễ cái gì qua lăng kính của thế giới hay nước ngoài, thì sẽ dễ dàng được trầm trồ khen ngợi! Làm triển lãm từ hồi chưa có vợ, Dân đã nhất quyết không bán tranh của mình, nhiều người tưởng chắc anh chưa nặng gánh mưu sinh. Nhưng khi có vợ rồi, anh cũng không bán tranh. “Chính xác thì mình rất ít bán tranh. Mình chỉ bán cho những ai thật sự hiểu chúng và am hiểu hội họa. Điều này rất hiếm” - Dân thẳng thắn.
Tick Art với đá. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
“Họa sĩ mà vẽ tranh không bán, thì anh sống bằng gì?” - tôi gặng. Té ra, anh kiếm tiền từ làm các dự án. “Việc vẽ tranh để bán, hay vẽ rồi làm triển lãm rồi bán với làm dự án là hai việc hoàn toàn khác nhau” - anh cắt nghĩa. Cách anh làm dự án cũng khác nhiều so với số đông đồng nghiệp. Thường, anh chỉ gật đầu với những chủ đầu tư am hiểu hội họa, hoặc ít ra là họ tôn trọng với kế hoạch mà anh đã dày công phác thảo, còn không thì thôi. “Chớ làm nghệ thuật, mà bị áp đặt sáng tạo thì chán lắm. Làm gì thì làm, phải được tự do tung tẩy, được tự do sáng tạo thì mới “đã” được. Hơn nữa, đã làm thì phải làm cho tới, chớ làm nửa vời, thì người ta nhìn vô, người ta cười cho thì bẽ mặt” - anh chia sẻ. Cái cá tính ấy, dường như đưa anh sải những bức chân trên những con đường rất riêng, tất nhiên là dẫn lối đến điều anh thích thú, một trong số đó là điêu khắc với đồng lá.
Cho đến thời điểm hiện tại, loại đồng lá này anh chỉ có thể mua nó từ Iran. “Loại này hơi khó mua, phải đặt trước vài tháng. Mỗi lần mua tốn năm, sáu chục triệu đồng” - anh cho biết. Ngoài mềm, mỏng, nhẹ, thì màu đỏ mang đến sự ấm cúng chính là điều thuyết phục được anh trong hành trình tìm kiếm chất liệu để điêu khắc. Tất nhiên là theo lối phi lập thể, cái hay là anh “điêu khắc” chúng qua các hành động đè, nén, gấp… chứ không chạm trổ thông thường. Và gần như chúng được ứng dụng vào thực tế như trang trí, nhận diện thương hiệu… Nhiều tác phẩm trong xưởng của anh, như các tác phẩm về chân dung, luôn có kích thước rất gần với kích thước thật. Giống như tranh, những tác phẩm điêu khắc này của anh cũng không có tên. Vậy mà những thứ “vô danh” ấy, được giới nghệ sĩ nước ngoài tìm đến; đài truyền hình nước ngoài làm phóng sự trước khi truyền hình, báo chí trong nước thực hiện. Anh cũng có dự định làm triển lãm điêu khắc đồng. Nhưng khi nào thì chịu, vì anh ghét làm triển lãm theo dịp này, dịp nọ, hứng thì làm!
Vẽ ước mơ quê nhà
Ngang ngạnh và phá cách, tưởng chừng Dân sẽ mải miết khám phá những chân trời mới mẻ của nghệ thuật. Vậy mà hôm bữa ngồi cà kê, tôi phát hiện ra điều đau đáu của gã đàn ông 36 tuổi này. Là lúc nói về quê hương, anh trở nên… dịu dàng hẳn. Anh đang dành nhiều sự quan tâm để mong góp sức gầy dựng trở lại Trà Nhiêu (Duy Vinh) - làng du lịch cộng đồng đang cảnh ngắc ngoải. Anh tìm thấy hướng đi trên những mo cau: “Mình sẽ hướng dẫn dân quê mình cách biến mo cau, lá tre… thành các tác phẩm nghệ thuật. Du khách có thể mua chúng, hoặc sẽ học cách làm điều giống người Trà Nhiêu làm, nếu thích” - anh chia sẻ. Còn ở Hội An, anh đã thực hiện không ít dự án cho các đơn vị kinh doanh du lịch.
Hội họa đối với anh rất giản đơn, chỗ nào thích, thích cái gì, thì vẽ. Qua tay anh, bất cứ thứ gì bình dị nhất cũng trở thành tác phẩm nghệ thuật. Và những điều bình dị ấy, vô tình là khởi đầu của một “xu hướng”. Như cách đây ít lâu, ra Hà Nội, anh lang thang đường tàu, vẽ nghịch lên mấy viên đá, đâu ngờ tạo nên hiệu ứng. Anh gọi nói là Tick Art, hiểu nôm na là một cách check - in thực, là nghệ thuật tương tác, chứ không phải ảo như trên mạng. Một vài quán cà phê, khách sạn gần đó nhờ anh vẽ, anh đồng ý, nhưng với điều kiện là họ không được lấy đá ở đường tàu. “Kiểu Tick Art đó, chẳng có gì cao siêu hay sâu xa cả. Du khách đến, tự tay mình viết hay vẽ lên đá với bất kỳ nội dung mình muốn. Rồi để lại nơi đó, sau này còn có cớ để… quay lại” - anh giải thích.
Sắp tới anh sẽ làm Tick Art ở Hội An với chất liệu là các loại lá, tất nhiên là được xử lý để có tuổi thọ cao. Và cũng ở phố cổ nơi mình lớn lên, anh đang cùng một người bạn triển khai dự án nghệ thuật, song song với dự án cho du lịch cộng đồng ở Trà Nhiêu mà anh đã chia sẻ. Hai dự án hẳn nhiên sẽ có sự dị biệt, nhưng đều có đích chung là hướng đến sự tương tác của người dân, du khách với tác phẩm để tạo nên một nhịp thở khác cho bức tranh du lịch đang ngột ngạt. Sài Gòn, trong dòng chảy sôi động của nghệ thuật, là bệ phóng của anh với hội họa, nhưng quê nhà, mới chính là nơi anh luôn nghĩ về, dù hơn một lần anh nói: “Sống đâu cũng được, miễn là được sáng tác”.
Biết đâu đấy mai này, một kẻ thờ tự rong chơi như anh, bị bắt gặp khi đang rong ruổi ở quê nhà, thì cũng chẳng có gì… sai!
XUÂN THỌ