Cá tính Quảng hay lõi trầm cây dó bầu

LIÊU NHI 25/12/2018 08:40

(QNO) - Những nhân vật từ Quảng Nam mà với người này họ là nghệ sĩ, trí thức, với người kia họ là người ngông, hài, quái… Hoạt động trong những lĩnh vực cũng như vị thế xã hội và tính cách rất khác nhau, thậm chí có thể nói rằng họ không thể “chung vui”. Nhưng trong Cá tính Quảng - cuốn sách dày sẽ ra mắt tại TP.Hồ Chí Minh ngày 5.1.2019 và Tam Kỳ ngày 9.1.2019 là nơi “hội tụ và giao thoa” nhiều nhân vật. Các tác giả đã tìm được điểm chung để các nhân vật có thể ngồi chung với nhau trong một xuồng mang cá tính Quảng - một cá tính có sự vượt trội về tính ngông, tính hài, tính ham làm việc, tính ưa cãi và cả tính ham chơi…

Cá tính Quảng không nhắc gì đến cây dó bầu, một loại cây tạo trầm quý (có lẽ, xứ Quảng không lấy cây dó bầu làm biểu tượng nên việc không nhắc đến cây này trong sách cũng là điều không ngẫu nhiên!). Nhưng lạ ở chỗ Cá tính Quảng lại mang sắc thái của loài cây này và mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện đều hàm chứa yếu tính của loài dó bầu. Trong đó, ẩn mình sau những câu chuyện, mỗi tính cách, mỗi số phận có phần tiêu biểu và đặc biệt này là một lõi trầm, có thể là trầm hạng hai, hạng ba hoặc hạng nhất, hạng đặc biệt… Nồng độ thơm và hình dạng khác nhau, nhưng có chung một điểm: tinh túy!

Nói về cuốn sách Cá tính Quảng, người viết lại liên tưởng đến cây dó bầu bởi hơn đâu hết, người Quảng chịu nắng mưa, khí hậu khắc nghiệt và điều kiện kinh tế luôn ở mức “không bình thường”. Chính điều này tạo ra nét riêng trong tâm hồn, tư duy của người con xứ Quảng, nhạy cảm nhưng kiên cường và chịu vượt qua thử thách cuộc đời.

Một cây dó bầu nếu trồng trong vườn thành cao cửa kín, không chịu những vết thương thời tiết thì sẽ không bao giờ cho trầm, nó phải bị bão quăng quật, đánh gãy, uốn cong chống chọi… Để rồi từ những vết thương kia, cây tự tiết ra dưỡng chất làm lành, tự tiết ra tinh túy để tạo trầm, tạo cái lõi cứng và thơm tho cho đời cây. Và khi lõi trầm được mang đi nơi khác, không còn nương tựa vào cây mẹ, nó lại một lần nữa chịu đựng mọi từ trường vũ trụ, mọi bào mòn thời gian để tồn tại, để giữ tinh túy, nói theo ngôn ngữ dân gian là tự giữ thơm.

Mỗi người mỗi lĩnh vực, mỗi công việc và đặc thù công việc khác nhau nên cách hành xử, cách nhiếp sinh cũng chẳng ai giống ai. Nó riêng biệt đến mức người ta phải đặt câu hỏi liệu làm sao có thể đặt Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm ngồi cùng chuyến với Nguyễn Nhật Ánh hay Hoàng Thị Ý Nhi, Cung Tích Biền… Bởi điều này rất khó! Nhưng Cá tính Quảng chỉ nhấn mạnh đến “cá tính”, điều này cũng giống như việc chiêm ngưỡng một lõi trầm không bắt buộc người ta hỏi rằng đây là trầm trồng ở núi Trà My hay Phước Sơn, Tiên Phước… Mà đã là trầm thì phải thơm và rắn rỏi!

Cuốn sách nhấn mạnh đến những đặc tính như: chơi, cãi, làm, hề, ngông như là đặc tính của người Quảng. Nhưng thực sự thì đây cũng là các đặc tính cơ bản của con người. Đầu tiên là chơi, nếu không có đặc tính này thì mọi sự nỗ lực hay cống hiến sẽ vô nghĩa và xơ cứng. Bởi chính cái sự chơi là môi trường để sự học hỏi nhạy bén và mềm mại hơn. Cãi, tuy là tính “không tốt” nhưng nó là biểu hiện của tư duy phản biện để đi đến xác tín và sáng tạo. Làm, đương nhiên là bao hàm cả yếu tố sáng tạo, nếu không có sáng tạo thì chữ làm không đứng riêng lẻ mà sẽ là làm theo. Đến hề, nó xóa tan mọi thứ cặn bẩn của tâm hồn và khởi sự cho một sáng tạo nào đó chưa định dạng, nếu cuộc sống mà không có hề thì xem như chỉ mới tồn tại. Ngông thì người có, người không, nhưng có vẻ như dân Quảng mà không ngông thì cũng không có gì để gọi dân Quảng.

Người Quảng có “gốc gác” rất chi là ca dao. “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Sở dĩ dám nói đó là câu ca dao đặc trưng xứ Quảng bởi nó rất Chăm - Việt. Biểu tượng mít non của em là một biến thể của Yoni và cá chuồn của anh gửi lên chính là biến thể của Linga trong tín ngưỡng phồn thực Chăm Pa một thuở. Thử tìm nơi nào ngẫu hợp Chăm - Việt mạnh hơn xứ Quảng?!

Sự giao thoa văn hóa, tín ngưỡng và xã hội giữa Chăm - Việt trên mảnh đất “mở rộng về phương Nam” này đã ngấm vào căn cơ, máu thịt của con người, của nhiều thế hệ. Và cũng bắt nguồn từ đó, con người xứ Quảng có một cái gì đó rất nghệ sĩ và hơi nổi loạn kiểu Chăm Pa nhưng cũng có một cái gì đó cà rỡn mà thâm trầm rất ư Bắc Hà. Đây là cá tính rất riêng của người Quảng, điều này góp phần lý giải tại sao dân chữ nghĩa xứ Quảng đa phần làm báo, viết văn và dễ thành công trong các lĩnh vực tinh thần, văn hóa, chính trị, nghệ thuật... hơn là các lĩnh vực khác.

Ở một xứ sở có lịch sử “chó ăn đá gà ăn muối” sau những lần Nam tiến và trả giá không nhỏ bằng xương máu này, có lẽ, cái nghèo, cái đói và gồng lưng chịu trận với cái khổ để bước đi hình như là một đặc trưng của hầu hết con người xứ sở này! Như một lõi trầm thoát thai khỏi cây dó, họ đã đi... và tỏa ra bốn phương, làm nên cá tính Quảng!

LIÊU NHI

LIÊU NHI