Khi lòng nối với cơn dông

NGUYỄN CHIẾN 08/12/2018 03:54

Nhật ký gió cuốn (NXB Văn Học, 2018) của Phạm Tấn Dũng là tập thơ trữ tình. Ở đó không thấy các sự việc được kể theo trật tự tuyến tính mà chủ yếu ghi lại những khoảnh khắc “gió cuốn” của tâm trạng, khi người thơ bị cuộc đời xô vào những “ổ gà của sóng”.

Đây cũng là tập thơ của ký ức, của những giấc mơ tiếp nối bất chợt “không đầu không cuối”, khi thì “mơ xưa võ vàng năm tháng”, khi thì “giọt giọt long lanh” như mới vừa vớt ra từ dòng trôi cuộc người. Nhật ký gió cuốn có bốn mươi mốt bài thơ, trong đó có một bài thơ năm chữ, còn lại là thơ tự do (một bài thơ văn xuôi), với hai mảng đề tài lớn: thơ viết về quê hương và thơ viết cho mình.

Khi viết về quê hương, những thanh âm đời sống bình dị quen thuộc “lẫm vào ký ức”, từ ký ức vọng về, vang lên sâu xa trong tâm hồn người thơ: “tiếng guốc khua đều sạp chợ Phú Bông/ tiếng chim gù bồi hồi giữa trưa Đông Bàn giữa chiều Bàn Lãnh/ tiếng còi tàu chiều tà ga Xuân Đài gạt thầm nước mắt tiễn đưa...”. Rất nhiều, rất nhiều tiếng gió cuốn lên từ những trang thơ: “gió trung du rào rào vết xước, xông xênh gió òa tiếc muộn, tiếng gió xô tiếng cánh chim kêu đêm chỗ nằm không ấm”... Hình ảnh quê hương trong tập thơ “sẫm màu ký ức” nên thường trộn lẫn thực với mơ, xáo trộn không gian thời gian, “phi lý” đến lạ nhưng giàu sức gợi: “những hạt mưa trôi theo sóng nước/ những nếp nhăn tròng trành”…

Trong Nhật ký gió cuốn, xuất hiện khá dày đặc những hình ảnh của ký ức, chở nặng nỗi đau của một hồn thơ: “con sông xưa một bên đã âm thầm tự tử/ bãi dâu xanh rì đã khoác lên lớp áo trắng cỏ lau”. Hình ảnh yêu thương bỗng chốc trôi ngược về xưa, gầy guộc, xa vắng, tan lìa: “nước mắt mẹ thì dâng theo ngấn lụt/ thân cha gầy bám củi khô với vớt cơi trầu/ chị xắn quần đếm thời gian đã khô nước mắt”...

Tha hương trên chính quê hương mình đó là cách Phạm Tấn Dũng thể hiện nỗi quê. Điều này không mới nhưng cách viết vẫn có sắc vị riêng. Những câu thơ “thương khóc” quê dù có hình thức tân kỳ đến đâu, người đọc vẫn cảm nhận được cái hồn của một vùng quê “từ thượng nguồn đến sóng xô Cửa Đại” và cái tình của một “thằng tôi Quảng Nam thứ thiệt”: “ôi quê hương quê hương quê hương/ những lần khóc/ có người tha hương ngay trên quê mình”.

Đọc đến trang cuối, thấy dường như người thơ viết cho riêng mình. Thi sĩ ra với sông, với biển, với rừng, đi vào mơ, hay nói với “em” cũng là để lắng nghe chính mình, đi tìm chính mình. Đi tìm chính mình là cuộc tìm kiếm nhọc nhằn, có lẽ suốt đời thơ cũng chẳng vẽ nổi gương mặt chính mình. Biết vậy, người thơ vẫn mải miết: “tôi đi hái chân ngày/ ngôi nhà mẹ nẻo về xa lạ/ rải nắng vào mênh mông/ nắng trổ bóng tôi chiều trên bến/ mơ một ngày tôi hóa sông quê”.

Nhật ký gió cuốn là tập thơ không dễ đọc. Nó là những ký ức rời được “lắp ghép” bằng chất kết dính của cảm xúc. Đọc tập thơ, người đọc không khỏi có cảm giác bề bộn. Đó là điều... đương nhiên, khi tác giả chọn lối viết “soi vào tâm thức” và thường sử dụng thủ pháp đồng hiện, kết cấu phi tuyến tính. Vì vậy, tập thơ dành khoảng trống rộng rãi cho người đọc đồng sáng tạo.

NGUYỄN CHIẾN

NGUYỄN CHIẾN