Từ bục giảng bước ra...

BẢO ANH 17/11/2018 03:58

Nếu không được tác giả bật mí, có lẽ tôi không hề nghĩ rằng tập phê bình văn học “Bục giảng - trang xưa” (NXB Hội Nhà văn - 2018) là tập hợp những bài giảng soạn riêng để bồi dưỡng học sinh giỏi hệ chuyên văn, đã được gia công thêm ít nhiều trước khi in thành sách. Bởi đây là một tập phê bình có hàm lượng học thuật cao, đặt ra nhiều vấn đề lý luận chuyên sâu và cũng rất rộng mở về biên độ, có tính liên văn bản cao. Dấu tích học đường, có chăng là ở đối tượng được chọn để phê bình: toàn bộ các tác giả, tác phẩm được đề cập trong tập sách đều nằm trong chương trình ngữ văn bậc THPT.

Tác giả của tập sách là nhà giáo Nguyễn Tấn Ái - một trong số không nhiều những “ông thầy” vừa làm thơ, viết văn, vừa viết lý luận phê bình ở Quảng Nam. Trong số 6 đầu sách đã xuất bản (chỉ tính sách in riêng), có hai tập được định danh là sách phê bình văn học, gồm tập vừa đề cập ở trên và tập “Cùng trong một tiếng tơ đồng” (NXB Hội Nhà văn - 2017); ngoài ra còn có một tập khác được “gắn mác” tản văn nhưng giàu chất lý luận, là cuốn “Đọc lại - lại đọc”, xuất bản năm 2013. Nói vậy để thấy, cho đến tập sách mới này, Nguyễn Tấn Ái đã có một chặng đường “thẩm văn” khá dài.

Như hai tập sách phê bình và có chất phê bình xuất bản trước đó, ở “Bục giảng - trang xưa”, Nguyễn Tấn Ái vẫn tiếp tục giữ được “giọng” phê bình rất riêng: tung tẩy mà sâu sắc, khề khà mà mạch lạc, khuôn thước mà rộng mở, “bình” mà như kể, “phê” mà như tâm tình... Với “Đò Lèn” của Nguyễn Duy, kể cũng là một cảm thức, một hướng tiếp cận vừa sáng rõ vừa mờ nhòe, khi anh cho rằng đó “vẫn là một ánh nhìn ngóng vọng bờ dĩ vãng thành sám hối, song đằm hơn, chín hơn, bớt một chút trang nghiêm giáo huấn mà thêm nhiều chiêm nghiệm” (Đò Lèn, trái chín tỏa hương). Với “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân, tính “phê” và “bình” dường như được hạ xuống mấy bậc, thay vào đó là những suy cảm mang tính luận đề được thiết lập trên nền tảng của lý luận phê bình nói chung. Dòng nhận định “Những con chữ vàng ngọc ấy hẳn làm nên một linh hồn mênh mang bất tận tình ý cho một bức châm lưu cùng hậu thế” (Giải mã ẩn số Chữ người tử tù) là một trong những ví dụ...

Đặc biệt, vốn là bài giảng dành cho học sinh phổ thông nhưng các bài viết trong “Bục giảng - trang xưa” hầu như không có tính từ chương, không mang tính “bình văn” kiểu giáo khoa nhưng cũng không phải là một thách thức đối với khả năng cảm thụ của học sinh. Viết về Nguyễn Bính, Nguyễn Tấn Ái đi từ “tuyên ngôn chân quê” của nhà thơ này, phân tích các đặc trưng thi pháp và chủ đề để đi đến xác quyết rằng đây là một nhà thơ của “tình yêu và thân phận”. Anh cũng tỏ ra có lý và “có mắt” khi gom 3 bài thơ “kinh điển”, gồm “Hành phương Nam” của Nguyễn Bính, “Tống biệt hành” của Thâm Tâm và “Tây Tiến” của Quang Dũng vào một bài viết để khảo tả và chứng minh cho điểm chung có tính luận đề của chúng: Vẻ đẹp của khát vọng. Phương pháp phê bình này cũng được anh sử dụng khi viết về truyện cổ tích, truyền thuyết, về các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỷ 18... Ở các bài phê bình này, một học sinh bình thường hoàn toàn có thể tiếp nhận được và hiểu bài thông qua “phần lõi”; cũng rất bổ ích và vừa sức đối với học sinh giỏi văn thông qua những luận bình mở rộng liên văn bản, liên cảm xúc.

Trong bài giới thiệu “Bục giảng - trang xưa”, một nhà giáo - nhà thơ - nhà lý luận phê bình khác - Nguyễn Mậu Hùng Kiệt tỏ ra đồng cảm và chân thành khi cho rằng tập sách này “có sự thăng hoa cất cánh của cảm xúc, có sự mê say đắm đuối, có chút mộng mị dễ thương, có những liên tưởng sâu xa và có sự va đập cần thiết mà cuốn hút người đọc”.

BẢO ANH

BẢO ANH